Sáng 16-5, Cục CSGT thông tin, Phòng CSGT Công an tỉnh Bắc Kạn đã tiến hành tạm giữ và bàn giao tài xế chống người thi hành công vụ tại chốt kiểm tra nồng độ cồn cho Công an TP Bắc Kạn xử lý.
Cụ thể, vào 20 giờ 50, ngày 15-5, tại Km159 trên quốc lộ 3 thuộc phường Nguyễn Thị Minh Khai (TP Bắc Kạn), Tổ công tác của Phòng CSGT tỉnh Bắc Kạn đang tuần tra, xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông thì phát hiện người đàn ông điều khiển xe máy có dấu hiệu sử dụng rượu bia nên dừng xe kiểm tra.
Tài xế điều khiển xe máy được xác định là NVM vi phạm ở mức 0,943 mg/L khí thở. Tổ công tác đã thông báo cho ông Minh biết vi phạm quy định về nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện giao thông, nhưng tài xế không hợp tác, bỏ đi.
Sau đó, tài xế bất ngờ quay lại và áp sát một Thiếu uý CSGT và dùng dao nhọn đâm vào mạn sườn trái khiến người này trọng thương.
Hiện trường vụ việc. Ảnh: VOV |
Vụ việc đã khiến dư luận quan tâm và đặt câu hỏi: “Tài xế có thể phải đối diện với những hình phạt như thế nào?”
Trao đổi với PLO, Luật sư Lê Nguyên Hoà, Đoàn luật TP.HCM phân tích: Việc sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông đã là hành vi vi phạm pháp luật. Thêm vào đó, hành động tài xế dùng dao đâm trọng thương một Thiếu tá CSGT có thể bị xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự với tội danh: “Tội chống người thi hành công vụ” theo Điều 330 Bộ luật hình sự 2015 (được sửa đổi, bổ sung 2017).
Cụ thể điều 330 quy định: “Tội chống người thi hành công vụ: 1. Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác; cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm...”
“Như vậy, hành vi đâm trọng thương được coi là hành vi đã dùng vũ lực để làm cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ. Ở đây, cụ thể là dùng hung khí là dao để đâm CSGT để cản trở việc họ thực hiện nhiệm vụ”- luật sư Hoà nhấn mạnh.
Cũng theo vị luật sư thuộc Đoàn luật sư TP.HCM, hành vi trên còn có thể bị áp dụng đối với tội: “Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác”; theo điều 134 Bộ luật hình sự 2015.
Cụ thể,
Dấu hiệu của tội phạm này như sau: Hành vi khách quan của tội phạm này là: hành vi trái pháp luật; tác động đến thân thể của người khác; Hậu quả gây ra bởi hành vi là: nguy hiểm cho xã hội; để lại thương tích cho nạn nhân gây suy giảm sức khỏe cho họ được thể hiện ở tỷ lệ thương tật (tỷ lệ %) mất sức lao động của nạn nhân; Đây là tội có cấu thành tội phạm vật chất nên hậu quả là dấu hiệu chính của định tội. Hậu quả xảy ra gây thiệt hại về sức khỏe của người bị xâm hại, làm cho nạn nhân bị tổn hại cơ thể với mức tổn thương là từ 11% trở lên hoặc dưới 11 % nhưng thỏa mãn một trong các tình tiết quy định từ điểm a đến điểm k Khoản 1 Điều 134.
“Như vậy, có thể thấy đối với hành vi trên thì tài xế có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội chống người thi hành công vụ theo điều 330 Bộ luật hình sự 2015. Hình phạt đối với tội danh này: thấp nhất thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm. Mức phạt tù cao nhất là 07 năm tù giam. Hoặc tội cố ý gây thương tích theo điều 134 Bộ luật hình sự 2015 với mức phạt tù thấp nhất là bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm và cao nhất là chung thân”- theo luật sư Nguyên Hoà.
Bên cạnh đó, luật sư Hoà cũng phân tích: Tài xế còn phải bồi thường thiệt hại cho chiến sĩ CSGT. Mức bồi thường sẽ bao gồm bồi thường về vật chất và bồi thường về tinh thần, mức bồi thường về tinh thần do các bên thỏa thuận nếu không thỏa thuận được thì mức bồi thường về tinh thần sẽ là không quá một trăm lần mức lương cơ sở do nhà nước quy định.
"Trong vụ việc này cần phải có kết luận giám định thương tật của thiếu tá CSGT để có căn cứ xử lý đối với hành vi trên.Hiện đối tượng đã khai nhận hành vi phạm tội và vụ việc vẫn đang được cơ quan chức năng tiến hành điều tra làm rõ”- luật sư Hoà cho hay.