Đó là quan điểm của TS Trần Du Lịch tại toạ đàm "Tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy kinh tế TP HCM phát triển" do báo Người lao động tổ chức ngày 16-5.
Gỡ vướng cho TP.HCM tạo sức bật để phát triển kinh tế cả nước
Bà Phạm Phương Thảo, nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND TP.HCM, nhìn nhận TP.HCM là đầu tàu cả nước nhưng hiện nay gặp rất nhiều khó khăn, thách thức. Do đó, thành phố cần phải tháo gỡ ngay vấn đề thể chế, pháp luật để pháp luật không chung chung, chồng chéo.
"Vì sao hiện nay có một bộ phận cán bộ, công chức không dám làm. Một phần do sự chồng chéo, xung đột của pháp luật. Mà khi pháp luật xung đột thì dễ "chết" nên họ sợ, họ e dè là điều dễ hiểu"- bà Thảo chia sẻ.
PGS-TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, nhận định: "Tháo gỡ khó khăn cho TP.HCM không chỉ vì thành phố mà phải xác định đây là tháo gỡ khó khăn vì sự phát triển kinh tế chung của cả nước. Do đó, việc tạo cơ chế, chính sách đột phá cho TP.HCM cũng chính là vì sự phát triển của cả nước.
Bởi TP.HCM gánh trên vai sứ mệnh là đầu tàu kinh tế của Việt Nam, đầu tàu bứt tốc mạnh mẽ thì mới kéo cả đoàn tàu đi lên. Hơn nữa, gỡ vướng cho TP.HCM là cần thiết nhưng phải tập trung cao hơn, tầm nhìn tốt hơn để tháo gỡ những vấn đề căn cơ”.
Ông Thiên cho rằng cần nhận diện để giải quyết vấn đề dài hạn. Đây là thời điểm mang tính cơ hội, mở ra tầm nhìn khác để TP.HCM lấy lại vị thế, tăng trưởng.
Nhiều chuyên gia cho rằng, với vai trò là đầu tàu nền kinh tế của cả nước, cần thêm cơ chế đột phá cho TP.HCM. |
Cần khơi thông vốn cho thị trường bất động sản
Ông Lê Viết Hải, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình, cho biết: Có thực tế là trong thời gian dài các doanh nghiệp bất động sản không có dự án đô thị, họ chuyển sang dự án bất động sản nghỉ dưỡng, du lịch. Giai đoạn 2017-2019, đã có hàng loạt dự án bất động sản du lịch quy mô lớn ra đời nhưng chưa kịp đưa vào khai thác đã gặp đại dịch covid, rồi xung đột Nga – Ukraine… Cộng thêm với những đổ vỡ của thị trường tài chính trong năm 2022 càng khiến cho các doanh nghiệp bất động sản gặp nhiều khó khăn.
Doanh nghiệp tổng thầu còn "bi đát" hơn khi họ không nhận được thanh toán các doanh nghiệp bất động sản. Điều này kéo theo các công ty thầu xây dựng không trả được nợ đúng hạn cho ngân hàng, không có tiền thanh toán cho các nhà thầu phụ, nhà cung cấp dịch vụ, vật tư và cả vận chuyển, tư vấn thiết kế, quản lý dự án...
TS Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, cho rằng để kinh tế thành phố sớm phục hồi, tôi kiến nghị phải dựa vào vĩ mô, phải tăng sức mua cho thị trường bằng cách triển khai chính sách kích tổng cầu nội địa lên thông qua 2 công cụ của nhà nước và công cụ của doanh nghiệp. Công cụ của nhà nước là nghiên cứu tiếp tục giảm thuế VAT theo từng ngành, mức giảm VAT xuống 8% như vừa qua là chưa đủ mà cần giảm xuống 5-6%.
"Công cụ của doanh nghiệp là cần giảm giá để kích thị trường nội địa. Bởi thị trường xuất khẩu đang khó khăn như thế này mà không kéo thị trường nội địa được thì ngành sản xuất trong nước sẽ còn tiếp tục khó khăn. Tiếp theo cần đẩy mạnh tín dụng tiêu dùng, kích cầu thị trường nội địa thông qua tín dụng tiêu dùng” - TS Trần Du Lịch nêu quan điểm.
Liên quan đến việc gỡ vướng mắc về thể chế, TS Trần Du Lịch cho rằng: Đối với những giải pháp mang tính tình thế, là chính quyền thành phố cần rà xem những những điểm nghẽn nào thành phố có khả năng xử lý được thì cần đẩy mạnh việc xử lý, nhất là trong lĩnh vực bất động sản. Những dự án nào mà chủ đầu tư có tiền để tiếp tục xây, những dự án đáp ứng nhu cầu ở thực của người dân thì ưu tiên hoàn thiện thủ tục pháp lý.
Đối với Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng, nếu không khơi thông vốn cho thị trường bất động sản thì khó có thể phục hồi về kinh tế. Thị trường bất động sản không khơi dậy được, đầu tư công không đẩy mạnh được thì ngành xây dựng có gì mà làm. Thành ra đây những giải pháp tháo gỡ khó khăn mang tính tình thế.
Còn về những giải pháp mang tính căn cơ, đó là Quốc hội đang bàn về Nghị quyết thay thế Nghị quyết 54, nếu được thông qua và áp dụng ngay, lần đầu tiên thành phố có quyền tự chủ rất lớn. Đây là điều TP.HCM đang đeo đuổi.
"Thật sự, nếu Nghị quyết mới được thông qua và đi vào cuộc sống thì hàng chục dự án, chương trình dự án sẽ được HĐND TP.HCM thông qua và thành phố để triển khai ngay… Nếu gỡ được được điểm nghẽn vừa mang tính tình thế cũng như căn cơ, sức hấp thụ vốn của TP.HCM sẽ tăng lên" - TS Trần Du Lịch nói.
TP.HCM trình Chính phủ dự thảo nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54
(PLO)- Trong dự thảo nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54, UBND TP.HCM đề nghị bảy nhóm vấn đề, trong đó có việc giữ nguyên tỉ lệ điều tiết ngân sách cho TP là 21% đến hết năm 2025.