Nhận định trên được TS Trương Minh Huy Vũ, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM nêu ra tại toạ đàm "Tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy kinh tế TP.HCM phát triển" do Báo Người Lao Động tổ chức sáng 16.5. Tọa đàm diễn ra trong bối cảnh kinh tế những tháng đầu năm tăng trưởng thấp, cũng như nhiều kỳ vọng được gửi gắm vào các cơ chế vượt trội trình Quốc hội xem xét, thông qua trong kỳ họp giữa năm, dự kiến khai mạc ngày 22.5.
TS Trương Minh Huy Vũ cho biết các dự báo đều cho thấy tình hình kinh tế khó khăn, thể hiện nhiều dấu hiệu, khía cạnh. Mức tăng trưởng 0,7% trong quý 1/2023 là hệ quả của một quá trình dài, nhất là khoảng 10 năm trở lại đây khi các điểm nghẽn về thể chế, hạ tầng ngày càng bộc lộ rõ.
Để vực dậy nền kinh tế, ông Vũ cho rằng cần có giải pháp trước mắt và giải pháp căn cơ, trong đó 44 cơ chế mới nêu trong dự thảo nghị quyết thay thế Nghị quyết 54/2017 sẽ giải quyết tương đối những bất cập hiện nay.
Cụ thể, những vấn đề vướng, chồng chéo như phương thức BT (xây dựng – chuyển giao), BOT (xây dựng – kinh doanh – chuyển giao), thu hút nguồn vốn đầu tư phải được khơi thông. Vị chuyên gia này đánh giá những cơ chế mới không chỉ cho riêng TP.HCM mà cần nhìn nhận trong bối cảnh cả vùng, khu vực.
"TP.HCM thí điểm những cái mới mà thế giới đã làm, đang làm như xây dựng đô thị dựa trên các tuyến giao thông công cộng, khởi nghiệp sáng tạo, kinh tế xanh", ông Vũ nói thêm.
Các ý kiến tại tọa đàm đồng tình với chủ trương phân cấp, phân quyền mạnh mẽ cho TP.HCM, đồng thời cho rằng cần có những dự án trọng điểm để thu hút "đại bàng" về làm tổ.
TS Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia đặc biệt quan tâm đến dự án cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ. Ông cho biết TP.HCM đang ngồi lại với nhóm nghiên cứu trao đổi ý tưởng hình thành trung tâm phi thuế quan gắn với cảng để tạo sức bật. Và sau lưng cảng cần có các tập đoàn tài chính, thương mại chứ không chỉ cảng biển thông thường.
Gợi mở một số giải pháp căn cơ để phát triển TP.HCM tương xứng với tiềm năng, thế mạnh vốn có, TS Trần Du Lịch cho rằng bên cạnh gỡ vướng về thể chế thì cần tập trung triển khai các dự án hạ tầng, chương trình chỉnh trang đô thị, giảm ô nhiễm môi trường. "Nếu gỡ được những điểm nghẽn này, sức hấp thụ vốn của TP.HCM sẽ tăng lên", TS Trần Du lịch đánh giá.
Nhà nước giảm thuế, doanh nghiệp giảm giá
Dù kỳ vọng nhiều vào cơ chế mới nhưng các ý kiến cũng cho rằng cần phải có giải pháp nhanh chóng vực dậy nền kinh tế như kích thích tiêu dùng nội địa, tăng tốc giải ngân đầu tư công, cắt giảm thủ tục hành chính nhiêu khê.
Ở góc độ vĩ mô, TS Trần Du Lịch cho rằng phải dựa vào vĩ mô, tăng sức mua cho thị trường, kích tổng cầu nội địa lên thông qua 2 công cụ của nhà nước và doanh nghiệp. Theo đó, nhà nước cần nghiên cứu tiếp tục giảm thuế giá trị gia tăng theo từng ngành, không chỉ giảm xuống 8% mà có thể giảm xuống 5-6%; đồng thời đẩy mạnh tín dụng tiêu dùng. Còn về phía doanh nghiệp, cần chấp nhận giảm giá, kích thích thị trường, kể cả du lịch.
Ông Nguyễn Anh Đức, Tổng giám đốc Saigon Co.op, nói rằng trong lĩnh vực bán lẻ có một chỉ số là niềm tin của người tiêu dùng đo lường bởi các công ty nghiên cứu độc lập. Ở Việt Nam, chỉ số này trước đại dịch Covid-19 ở mức cao và người tiêu dùng TP.HCM luôn đóng góp mức lạc quan, nhưng năm 2022 là lần đầu tiên thấp nhất trong khu vực Đông Nam Á.
Ông Đức nhìn nhận đang có những dấu hiệu mất cân đối cung cầu trên thế giới như khủng hoảng thừa, các doanh nghiệp không chấp nhận bán giá thấp hơn chi phí sản xuất. TP.HCM cũng như cả nước cần có sự chuẩn bị ứng phó với xu hướng này, tính toán các giải pháp bình ổn thị trường.