Đầu tháng 8-2023, bạn Sombatla Truc Deydeepya Lakshmi cùng gia đình đến làm thủ tục xét tuyển tại Trường ĐH Công nghệ thông tin (ĐH Quốc gia TP.HCM).
Cha của Lakshmi là người Qatar, còn mẹ là người Việt. Từ nhỏ, Lakshmi theo gia đình sống tại nhiều quốc gia như Qatar, Ấn Độ..., nhưng khi học ĐH, Lakshmi chọn Việt Nam.
Trải nghiệm văn hóa Việt Nam
Hỗ trợ hướng dẫn Lakshmi một số thủ tục xét tuyển, ông Trương Quốc Dũng - phòng công tác sinh viên Trường ĐH Công nghệ thông tin (ĐH Quốc gia TP.HCM) - cho biết Lakshmi sẽ theo học về công nghệ thông tin theo chương trình liên kết của trường và ĐH Birmingham City (Vương quốc Anh). Thời gian học là ba năm rưỡi.
Ông Dũng chia sẻ sau khi cân nhắc một số nước, gia đình định hướng cho Lakshmi chọn Việt Nam là nơi phát triển trong giai đoạn này.
Lý do lớn nhất là được gần quê mẹ và trải nghiệm thêm một phần văn hóa ở Việt Nam. Mẹ của Lakshmi cũng sẽ sống cùng bạn tại Việt Nam trong những năm học sắp tới để tiện chăm sóc.
Ngoài ra, do chương trình liên kết với một trường ĐH uy tín ở Anh, được dạy 100% bằng tiếng Anh nên gia đình Lakshmi nhận thấy học tại Việt Nam không có sự khác biệt nhiều so với đi học ở các nước khác. Lakshmi muốn học công nghệ thông tin để nối nghiệp cha và tiếp nối doanh nghiệp gia đình.
Trong khi đó, sau gần 10 năm du học Pháp, bạn Nguyễn Thị Thúy Hằng sẽ trở về Việt Nam học ĐH từ năm học 2023 - 2024.
Rời quê hương theo gia đình đến Pháp từ năm 12 tuổi, Thúy Hằng học phổ thông tại đây. Năm ngoái, Thúy Hằng vào học ở trường ĐH tư thục ở Pháp, ngành thiết kế nội thất. Tuy nhiên, vì gia đình trải qua một biến cố, Thúy Hằng quyết định trở về Việt Nam học ĐH.
Từ năm học 2023 - 2024, Thúy Hằng sẽ nhập học Trường ĐH Hoa Sen, cũng ngành thiết kế nội thất. Chương trình được dạy chủ yếu bằng tiếng Việt - điều bạn đắn đo nhất trước khi quyết định có về Việt Nam học hay không.
Bởi gần 10 năm học tại Pháp, thế mạnh của Hằng là tiếng Pháp. Ở khu vực phía Nam hiện chưa có trường ĐH dạy bằng tiếng Pháp.
Chủ yếu là các chương trình quốc tế
Những năm gần đây, nhiều trường ĐH tại TP.HCM có phương thức xét tuyển dựa vào các chứng chỉ quốc tế, kết hợp giữa chứng chỉ tiếng Anh (IELTS, TOEFL...) và kết quả học THPT ở Việt Nam hoặc một số nước.
Chẳng hạn, trong mùa xét tuyển năm 2023, Trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM) dành tối đa 10% chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển này.
Bên cạnh những bạn học chương trình THPT thì các thí sinh có chứng chỉ SAT, ACT hoặc bằng tú tài quốc tế (IB), chứng chỉ A-level - là những chương trình phổ thông phổ biến ở các quốc gia lớn - sẽ có thể đăng ký xét tuyển.
Một trong những "làn sóng" về nước học ĐH lớn nhất là trong giai đoạn dịch COVID-19. Giữa tháng 7-2020, Bộ GD-ĐT có công văn gửi đến các cơ sở giáo dục ĐH về việc tiếp nhận du học sinh Việt Nam và sinh viên quốc tế không tiếp tục học tập ở nước ngoài do dịch COVID-19.
Khi đó, một số trường yêu cầu các bạn muốn chuyển về phải là du học sinh đang học ĐH có thứ hạng tương đương hoặc cao hơn thứ hạng của họ trong bảng xếp hạng ĐH uy tín.
Bên cạnh đó, một số trường trong nước cũng căn cứ vào chuẩn đầu ra, nội dung, yêu cầu của chương trình đào tạo tại trường và số tín chỉ, nội dung học tập, kết quả học tập mà các bạn đã tích lũy ở nước ngoài để xem xét miễn giảm tín chỉ, học phần.
Còn trong điều kiện bình thường như hiện nay, PGS.TS Trần Tiến Khoa - hiệu trưởng Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TP.HCM) - nhận định phần nhiều các bạn đã du học nhưng lại chọn về lại học ĐH trong nước phần lớn là do yếu tố gia đình, ví dụ như thay đổi nơi ở, điều kiện kinh tế hoặc có những kế hoạch, định hướng riêng. Một số bạn đi du học không lâu cũng chọn về lại vì cảm thấy không thích hợp với môi trường ở nước ngoài.
Lúc đấy, hầu hết các bạn sẽ ưu tiên tìm kiếm những trường ĐH có các chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh hoặc có ngành đào tạo đúng với ngành mình đang theo học ở nước ngoài và không chênh lệch quá xa về chất lượng đào tạo.
Vì thế, PGS.TS Trần Tiến Khoa cho rằng trong trường hợp này các chương trình liên kết quốc tế sẽ được các bạn cân nhắc nhiều hơn. Bằng được cấp bởi một ĐH nước ngoài trong chương trình liên kết cũng sẽ thu hút các bạn hơn.
Những rào cản
Ông Trương Quốc Dũng cho rằng ngôn ngữ là một điểm có phần bất lợi cho các bạn từ nước ngoài về lại Việt Nam học ĐH.
Bởi dù tất cả chương trình học đều được dạy bằng tiếng Anh, nhưng tất nhiên sẽ có nhiều hoạt động bên ngoài lớp học, những chương trình của đoàn hội, câu lạc bộ sinh viên... mà ngôn ngữ giao tiếp chính là tiếng Việt.
Các bạn sẽ mất một khoảng thời gian để làm quen môi trường mới. Chẳng hạn như Lakshmi, bạn có thể nghe hiểu tiếng Việt nhưng không thể nói tiếng Việt.
Vì vậy theo ông Dũng, trong thời gian tới Lakshmi sẽ được hỗ trợ thông qua một số hoạt động sinh viên để bạn sớm hòa nhập tốt nhất.
Còn bạn Thúy Hằng thì cho hay môi trường xã hội có những sự khác biệt cũng là khó khăn mà những bạn đã du học lâu năm ở một quốc gia khác lựa chọn về Việt Nam học tiếp sẽ gặp phải.
TTO - Ngay sau khi nhận chỉ thị từ Bộ GD-ĐT về việc tiếp nhận du học sinh Việt Nam và sinh viên quốc tế (15-7), nhiều trường ĐH lớn đã có thông báo về việc này. Cụ thể ra sao?