Các nhà quản lý châu Âu đã phê duyệt thương vụ mua lại Activision Blizzard trị giá 69 tỷ USD của Microsoft, mang lại chiến thắng cho “gã khổng lồ” công nghệ vào thời điểm thương vụ này đang bị thách thức ở các quốc gia khác.
Với thương vụ này, Microsoft - nhà sản xuất bảng điều khiển Xbox sẽ được hợp nhất với nhà phát triển trò chơi điện tử có các tựa game ăn khách như World of Warcraft, Hearthstone, Candy Crush Saga, Call of Duty và Overwatch.
Công ty mới được sáp nhập sẽ trở thành nhà nhà phát hành trò chơi điện tử lớn thứ ba trên thế giới tính theo doanh thu, sau Tencent (Trung Quốc) và Sony (Nhật Bản), đánh dấu thỏa thuận lớn nhất trong hai thập kỷ của Microsoft.
Hành động chống độc quyền
Sự chấp thuận của Ủy ban Châu Âu (EC) - cơ quan điều hành của Liên minh châu Âu (EU), cho thấy sự rạn nứt giữa các cơ quan quản lý về cách hạn chế quyền lực của các công ty công nghệ lớn nhất thế giới.
Cơ quan cạnh tranh và thị trường của Vương quốc Anh (CMA) vừa mới ngăn chặn thương vụ này cách đây vài tuần. Trong khi đó, Ủy ban thương mại liên bang Mỹ (FTC) cũng đã thực hiện hành động pháp lý để ngăn chặn việc mua lại. Đây là một trong những biện pháp can thiệp lớn nhất từ trước đến nay của Washington nhằm ngăn chặn sự hợp nhất của ngành công nghệ.
CMA lo ngại rằng Microsoft có thể chuyển các trò chơi của Activision Blizzard sang độc quyền trên Xbox Game Pass - nền tảng trò chơi đám mây của hãng, ngăn những đối thủ khác phân phối các tựa game này.
Trong khi đó, FTC cho rằng sự kết hợp giữa nhà sản xuất Xbox với Activision sẽ cho Microsoft cơ hội thao túng thị trường bằng cách kiểm soát các thương hiệu bom tấn của Activision, làm giảm chất lượng trò chơi hoặc trải nghiệm của người chơi trên máy chơi game và dịch vụ trò chơi của đối thủ, cũng như thay đổi điều khoản và thời gian truy cập vào nội dung của Activision.
Tuy nhiên, sau khi đàm phán nhượng bộ với Microsoft, các quan chức của EU cho biết họ đã kết luận rằng thỏa thuận có thể được thông qua, đặc biệt là do thị trường trò chơi trên nền tảng đám mây vẫn còn quá nhỏ.
“Ủy ban Châu Âu đã yêu cầu Microsoft cấp phép tự động cho các trò chơi phổ biến của Activision Blizzard cho các dịch vụ trò chơi trên đám mây đang cạnh tranh với chúng tôi. Điều này sẽ áp dụng trên toàn cầu và cho phép hàng triệu người tiêu dùng chơi những trò chơi này trên bất kỳ thiết bị nào họ chọn”, chủ tịch Microsoft Brad Smith cho biết.
Tập đoàn do tỷ phú Bill Gates đồng sáng lập cũng đảm bảo họ sẽ không hạ cấp chất lượng hoặc nội dung của các trò chơi được cung cấp trên các nền tảng phát trực tuyến của đối thủ.
Lập trường cứng rắn
Mặc dù các nhà hoạch định chính sách ở cả hai bờ Đại Tây Dương đều bày tỏ lo ngại về sức mạnh ngày càng tăng của ngành công nghệ, vẫn còn những khác biệt về thời điểm và cách thức can thiệp.
Trong nhiều năm, các cơ quan quản lý chống độc quyền của châu Âu đã kiểm soát sát sao các “ông lớn” công nghệ như Google, đưa ra hàng tỷ USD tiền phạt và yêu cầu thay đổi một số hoạt động kinh doanh của công ty. Một luật mới của EU có hiệu lực vào năm tới sẽ còn thắt chặt hơn sự kiểm soát đối với các công ty công nghệ lớn nhất nhằm đảm bảo cạnh tranh công bằng.
Tuy nhiên, trong trường hợp này, Mỹ dường như có lập trường cứng rắn hơn. Chủ tịch FTC Lina Khan đã coi việc ngăn cản vụ sáp nhập là một phần trọng tâm trong kế hoạch kiềm chế những “gã khổng lồ” công nghệ của mình.
FTC đã đệ đơn kiện để chặn việc Microsoft mua Activision vào tháng 12, cho rằng thỏa thuận này sẽ gây hại cho người tiêu dùng và thu hút các game thủ rời xa các đối thủ. Các nhà quản lý của Anh cũng theo chân Mỹ, từ chối việc mua lại vì lo ngại về việc gây hại cho thị trường trò chơi trên nền tảng đám mây.
Bà Sarah Cardell, giám đốc điều hành của cơ quan quản lý chống độc quyền của Anh cho biết, quyết định của EC trao cho Microsoft quá nhiều quyền lực để đặt ra các điều khoản và điều kiện cho thị trường trò chơi đám mây trong thập kỷ tới.
“Mặc dù chúng tôi tôn trọng quan điểm khác biệt của Ủy ban châu Âu, nhưng CMA cũng có quyết định của riêng mình”, bà Cardell cho biết trong một tuyên bố.
Giờ đây, số phận của thỏa thuận giữa Microsoft và Activision sẽ tùy thuộc phần lớn vào quy trình pháp lý ở Anh và Mỹ. 2 công ty sẽ phải chứng minh rằng thỏa thuận sẽ không hạn chế cạnh tranh, đặc biệt nếu Microsoft đảm bảo quyền truy cập vào các tựa game của Activision.
Trong khi các tòa án Mỹ cởi mở hơn trong việc bác bỏ các sáng kiến chống độc quyền của chính phủ, thì ở Anh, các phán quyết của Cơ quan cạnh tranh và thị trường ít khi bị đảo ngược.
Việc thất bại ở một trong 2 quốc gia sẽ khiến thỏa thuận này sụp đổ do tính chất toàn cầu hóa và liên kết với nhau của ngành công nghiệp trò chơi điện tử, cũng như công nghệ mà ngành này sử dụng.
Nguyễn Tuyết (Theo CNN, NY Times, The Guardian)