2/85 dự án điện gió, điện mặt trời được duyệt giá tạm
Ngày 16-5, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết có 31/85 dự án điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp với tổng công suất chưa vận hành thương mại (COD) là 1.956,8MW đã nộp hồ sơ đàm phán mua điện với EVN (tính đến ngày 10-5). Trong đó, có 2 nhà máy đã được EVN duyệt giá tạm thời.
Cụ thể, có 15 dự án hoàn thiện hồ sơ và đang tiến hành thỏa thuận giá điện với EVN, 11 dự án chưa gửi đầy đủ hồ sơ và cần làm rõ một số vấn đề liên quan đến pháp lý của dự án, 5 dự án mới gửi hồ sơ đang được EVN rà soát.
Đáng chú ý, có 16 nhà đầu tư đề xuất về việc áp dụng mức giá tạm trong thời gian đàm phán. Trong đó có 6 nhà máy điện đã họp và thống nhất mức giá điện tạm thời với EVN bao gồm: Nhà máy điện gió Nam Bình 1, Nhà máy điện gió Viên An, Nhà máy điện gió Hưng Hải Gia Lai, Nhà máy điện gió mặt trời Phù Mỹ 1, Nhà máy điện mặt trời Phù Mỹ 3 và Nhà máy điện gió Hanbaram.
Ngày 10-5, EVN đã phê duyệt giá tạm thời cho Nhà máy điện gió Nam Bình 1 và Nhà máy điện gió Viên An.
Chỉ khai thác dự án khi đã có giấy phép hoạt động điện lực
Theo quy định của Luật Điện lực, dự án điện chỉ được đưa vào khai thác khi đã được cấp giấy phép hoạt động điện lực.
Tuy nhiên, theo hồ sơ nhà đầu tư gửi, mới chỉ có 13/85 nhà máy năng lượng chuyển tiếp (chiếm khoảng 15%) đã được Bộ Công Thương cấp giấy phép hoạt động điện lực.
Trong số 6 nhà máy điện đã thống nhất giá tạm thời, mới có 3 nhà máy điện gió Nam Bình 1, Hưng Hải Gia Lai, Habaram được cấp giấy phép.
Trước đó, nhiều nhà đầu tư đã đề xuất phát điện lên lưới xin được phát điện tạm thời, với giá bằng 50% khung giá cho nhà máy điện gió trong đất liền.
Như vậy, với mức giá khung cho nhà máy điện gió trong đất liền được Bộ Công Thương ban hành tại quyết định 21 là hơn 1.587 đồng/kWh, mức giá tạm thời của chủ đầu tư yêu cầu chỉ 50%, là chưa tới 800 đồng/kWh.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Bùi Văn Thịnh - chủ tịch Hiệp hội Điện gió và mặt trời Bình Thuận - cho biết việc phát điện lên lưới và EVN tạm ứng tiền điện với mức 50% giá trần mà Bộ Công Thương đưa ra sẽ giúp các nhà đầu tư trang trải các chi phí vận hành ban đầu.
Theo ông Thịnh, việc để máy móc hàng trăm, hàng ngàn tỉ của các dự án điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp phơi nắng phơi sương rất lãng phí.
Hàng chục ngàn tỉ đồng được các doanh nghiệp đổ vào đầu tư cho điện sạch đang bị lãng phí, sau một thời gian được khuyến khích đầu tư.
Xem thêm: mth.26002915161503202-ioht-mat-neid-aum-aig-teyud-coud-oig-neid-yam-ahn-2/nv.ertiout