Vợ chồng Michael, 44 tuổi và Rina 34 tuổi, sống trên đảo Gozo (Malta), thuộc Địa Trung Hải. Tháng 1/2000, Rina mang thai, được khoảng 16 tuần thì kết quả siêu âm cho thấy là song thai dính liền. Rina được khuyên đến điều trị và theo dõi tại St. Mary, Manchester, bệnh viện nổi tiếng của Anh, có kinh nghiệm trong các ca mang thai nhiều rủi ro.
Do thỏa thuận giữa Malta và Vương quốc Anh, bệnh nhân đã được chuyển giao cho Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh chăm sóc. Vợ chồng Rina được chính quyền đài thọ kinh phí để đến Manchester vào tháng 5/2000.
Phim chụp cộng hưởng từ cho thấy những vấn đề nghiêm trọng với thai kỳ. Đứa nhỏ hơn trong cặp song sinh được bác sĩ kết luận "không thể sống sót". Vợ chồng Rina vì quan niệm tôn giáo "ai cũng có quyền sống" nên từ chối phương án bỏ thai.
Ngày 8/8/2000, cặp song sinh chào đời với tổng cân nặng 6 kg, ngay lập tức được đưa đến điểm hồi sức, đặt nội khí quản. Hai cô bé dính liền liên kết ở xương chậu với các gai và dây cột sống hợp nhất.
Cô bé Gracie khỏe mạnh hơn, có não, tim, phổi và gan bình thường về mặt giải phẫu, chung bàng quang và một động mạch chủ với em gái. Cô bé còn lại, Rosie rất yếu, bị dị tật nghiêm trọng ở ba khía cạnh: não, tim và phổi. Rosie có một bộ não bị teo, tim hơi phù và hoạt động kém, phổi hầu như không hoạt động và được kết luận "không có khả năng tồn tại độc lập". Rosie sống bằng các chức năng "vay mượn" từ cơ thể chị.
Cha mẹ hai bé và các bác sĩ đứng trước ba lựa chọn khó khăn. Thứ nhất, để hai bé dính liền và cả hai sẽ chỉ sống được 3-6 tháng. Thứ hai, phẫu thuật tách ngẫu nhiên. Tỷ lệ tử vong của Gracie khi này là 60%, còn của em gái là 100%.
Cuối cùng là lựa chọn phẫu thuật tách có chọn lọc. Các bác sĩ của Bệnh viện St. Mary đánh giá, điều này 100% dẫn đến cái chết của Rosie nhưng lại cho Gracie cơ hội sống lên tới 94%, giúp Gracie có cuộc sống độc lập và khỏe mạnh, chỉ cần thêm một số ca phẫu thuật nhỏ để sửa chữa bàng quang và bộ phận sinh dục.
Các vấn đề y tế, đạo đức và pháp lý đặt ra trong trường hợp này rất phức tạp và gây nhiều tranh cãi khắp nước Anh và được bàn luận khắp châu Âu.
Về khía cạnh y tế, tách Rosie và Gracie là ca phẫu thuật ít rủi ro, vì ít ra hai bé có hai trái tim riêng biệt. Song về đạo đức, vụ việc lại nảy sinh một vấn đề chưa từng có: Cha mẹ phản đối phẫu thuật.
Vợ chồng Rina những người Công giáo sùng đạo, tin rằng nên để tự nhiên diễn ra theo quy luật của nó và chấp nhận để số phận các con mình trong bàn tay Chúa. Họ không thể chấp nhận một trong hai con phải chết để đứa kia được sống.
"Chúng tôi không thể đưa ra quyết định về con cái của mình. Dù tôn trọng quan điểm các bác sĩ và hiểu rằng chúng tôi phải chịu sự điều chỉnh của luật pháp nước Anh", họ bày tỏ.
Vụ việc đã được Tòa án Hoàng gia London xét xử tháng 8/2000, với nguyên đơn là bác sĩ và bệnh viện, còn bị đơn là cha mẹ hai cô bé.
Việc này làm dấy lên lo ngại và thắc mắc của công chúng về lý do tại sao tòa án lại tham gia vào tranh chấp này? Lý giải, chủ tọa nói các bác sĩ của bệnh viện St. Mary không thể xoa dịu lương tâm nếu để hai đứa trẻ dính liền đến chết mà biết rõ rằng, chắc chắn một đứa có thể được cứu.
Song mặt khác, bác sĩ không thể tiến hành phẫu thuật tách chọn lọc nếu không có sự đồng ý của cha mẹ. "Trọng tài" duy nhất có thể đưa ra phán quyết cho sự khác biệt quan điểm này, chỉ có thể là tòa án. Việc quyết định các vấn đề tranh chấp về sự sống và cái chết, là một vấn đề chắc chắn cần tòa án phán xét.
Chủ tọa đánh giá, điểm đáng khen ngợi trong vụ kiện là dù quan điểm trái ngược, nhưng cha mẹ và bệnh viện đã duy trì mối quan hệ tôn trọng suốt thời gian qua. Các bác sĩ đều hết lòng cho cả hai bệnh nhi, còn cha mẹ, luôn biết ơn sự tận tụy của cán bộ, bác sĩ tại bệnh viện.
Chủ tọa nhấn mạnh, thông cảm với tình cảnh khó khăn vợ chồng Rina đang trải qua, và dù phán quyết có thế nào, luật pháp nước Anh vẫn luôn tôn trọng những phụ huynh này.
Bản án đánh giá, quyền cha mẹ vô cùng quan trọng, nhưng quyền được sống của trẻ em, là tối quan trọng. Dù tình trạng của Rosie đáng thương, nhưng sự thật là dù có được tách rời hay không, cô bé vẫn sẽ chết. Nhưng Gracie thì khác, cô bé có tới 94% được sống, và luật pháp phải bảo vệ điều đó, dù trên cơ sở y đức, y tế hay pháp luật, việc cứu Gracie cần được ưu tiên.
Tòa sơ thẩm đưa ra phán quyết, trao quyền thực hiện ca phẫu thuật chọn lọc cho các bác sĩ Bệnh viện St. Mary.
Cha mẹ hai cô bé tiếp tục kháng cáo, song bất thành. Tòa phúc thẩm giữ nguyên bản án sơ thẩm, giải thích không nên hiểu là "đằng nào Rosie cũng chết" mà "mục đích cuối cùng của cuộc phẫu thuật, là giành lại sự sống cho Gracie, quyền mà cô bé xứng đáng có", bản án ngày 22/9/2000 nêu.
Luật sư của vợ chồng Rina cho biết, thân chủ dù không có quyền tự quyết song họ bằng lòng với phán quyết của tòa. Tòa đã giúp họ đưa ra phán quyết mà họ không dám tự mình nói ra, trên cương vị cha mẹ: Đứa con này cứu đứa con kia. Thực tế, vợ chồng Rina sau đó không kháng cáo lên tòa tối cao.
Ca phẫu thuật kéo dài 20 giờ để tách cặp song sinh diễn ra vào ngày 7/11/2000. Đúng như dự đoán, Gracie sống sót sau ca phẫu thuật, Rosie qua đời.
Gracie có thêm một em gái và muốn sau này trở thành bác sĩ.
Hải Thư (Theo The Guardian, BMJ, Kent Academy)
Xem thêm: lmth.8735064-tom-yal-uuc-ed-neil-hnid-hnis-gnos-pac-hcat-ihk-taul-pahp-av-cud-y/ten.sserpxenv