Hơn bảy năm nay, ngọn lửa yêu thương ở đây đã tiếp thêm động lực trên hành trình điều trị lâu dài của những gia đình chẳng may có con mang bệnh hiểm nghèo.
Một không gian, hai thái cực
Chưa quá nửa buổi, nắng hè miền Trung đã thiêu đốt da thịt. Dù ở tầng 10 nhưng nhiều phòng bệnh ở khoa nhi tổng hợp Bệnh viện Phụ sản Nhi Đà Nẵng vẫn oi bức. Giường bệnh nhi "một kẹp hai", phụ huynh trẻ nhỏ mồ hôi kèm tiếng khóc tạo ra một không gian hỗn độn. Giữa tiếng lao xao, căn phòng ngay cửa khoa trở thành đặc biệt vì ở đó chỉ thấy nụ cười của trẻ nhỏ.
Căn phòng án chừng 30m2 nhưng chứa cả trăm loại đồ chơi lớn nhỏ từ tranh, sách, lego, búp bê, xe đạp... Hơn 10 bé lớn nhỏ tay còn vết kim băng xúm xít bày biện các trò chơi đồ hàng. Ngồi nhìn con nhỏ đưa cọ tô từng nét trên tượng, khuôn mặt chị Lê Thị Hạnh (huyện Mộ Đức, Quảng Ngãi) như giãn ra sau những ngày dài căng thẳng.
Chị nói vì đau nên cháu hay đập phá, quấy khóc. Cũng nhiều lần người thăm vào viện chơi mua quà cho nhưng chỉ chơi được vài hôm là hư hỏng. "Chỉ có căn phòng này là nơi nó lui tới chơi hoài không chán. Nhiều lúc chăm con mệt quá tôi ngủ thiếp đi, tỉnh dậy không thấy con bên cạnh là biết tìm ở đâu", chị Hạnh nói.
Cháu Nguyễn Mậu Anh Đức (con chị Hạnh) mới 5 tuổi thì cũng từng ấy thâm niên thường trú bệnh viện này vì chứng máu khó đông. Chị nhẩm tính ngoài giờ vào thuốc, thời gian còn lại cũng 50 - 50 hai mẹ con đều ở đây.
Phòng vui chơi này được hình thành từ năm 2016, từ sự khởi xướng của một nhóm du học sinh từ Pháp về nước. Trong một lần tới đây, thành viên của nhóm đã bị ám ảnh bởi tiếng khóc của trẻ bệnh. Hết kỳ trải nghiệm, nhóm quyết định làm một "căn phòng xả stress" ở nơi có nhiều tiếng khóc nhất để bù trừ sức khỏe tinh thần. Nhận được sự ủng hộ của bệnh viện, thế là phòng vui chơi này ra đời ngay sau mùa hè đó.
Là "người quen" của khoa này gần chục năm, chị Lê Thị Nguyên là người chứng kiến mọi cung bậc sinh - tử ở đây. Những bệnh nhi của khoa này hôm nay vui đó nhưng có khi ngày mai đã không còn nở nụ cười được nữa. Chị trân quý từng thời gian vui chơi cùng con nhỏ mang bệnh hiểm nghèo.
"Ở đây quá lâu nên cháu nó chơi thuộc làu hết những món đồ. Cái nào mới mua, cái nào sửa chắp vá từ nhiều đồ khác ghép lại nó biết hết. Đến cả mấy quyển truyện tranh trang nào vẽ cái gì nó cũng nhớ. Mình nghĩ cháu nó không có cơ hội học chữ nên mọi đầu óc đều tập trung ở căn phòng này", chị Nguyên rưng rưng nước mắt khi nhắc đến chuyện tới trường của đứa con 9 tuổi.
Con mang bệnh nhiều năm, vợ chồng chị bỏ việc tại Quảng Nam thay phiên nhau ở cùng con ngoài viện. Kinh tế kiệt quệ, chuyện bỏ bữa và ăn cơm từ thiện là thường ngày. Việc bỏ tiền đưa con đi chơi lại càng hiếm, bởi mọi nguồn lực đều phải dành cho thuốc men.
Hơn nữa con nhỏ ngán ngại đi xa, gia đình chị cũng chẳng có nhiều người thân ở thành phố này. Từ khi căn phòng đầy ắp đồ chơi ra đời, đây như là nơi dã ngoại của hai mẹ con mỗi ngày.
Cho con, cho mẹ
Trong căn phòng, ngoài khu vực tô tượng, vẽ tranh được đặt bàn ghế thì đồ chơi được sắp xếp ngăn nắp trên các giá đựng. Nơi các bé hoạt động được trải thảm sàn trẻ em, không gian sạch và đầy đủ tiện nghi không kém gì một khu vui chơi trẻ em có thu tiền ngoài phố. Để đảm bảo diệt khuẩn cho nhóm trẻ dễ bị tổn thương ở đây còn có cả một khu vực rửa tay, vệ sinh đồ chơi và vệ sinh cá nhân.
Từ khi được lập ra đến nay, căn phòng không chỉ là điểm vui chơi hằng ngày cho các bé mà còn là cầu nối cho các hoạt động cộng đồng, quyên góp cho trẻ hiểm nghèo. Anh Lê Văn Ánh, thành viên ban chủ nhiệm câu lạc bộ Máu nóng tay yêu thương Đà Nẵng, nói do các cháu đều mang bệnh nặng, đi đứng bất tiện nên khi có hoạt động câu lạc bộ thường xuyên tổ chức giao lưu, vui chơi tại chỗ.
"Vì nhóm bệnh nhi này thường có yêu cầu đặc biệt về vô trùng nên khi các bạn trong nhóm hoặc các nhà hảo tâm muốn có thời gian chia sẻ, trò chuyện không thể vào phòng bệnh mà kéo ra phòng này. Ở đây không khí bớt căng thẳng, nước mắt nên tiếp thêm sức mạnh cho họ trong việc chiến đấu với bệnh tật. Tôi hy vọng nhiều bệnh viện có bệnh nhi thường trú dài ngày cũng có không gian chăm sóc tinh thần như khu vui chơi này", anh Ánh nói.
Trên giá để sách, vẫn còn đó những nụ cười hồn nhiên của những bệnh nhi từng xem đây là ngôi nhà thứ hai. Ở đó, nhóm anh Ánh cùng cha mẹ của các cháu cùng chia sẻ khoảnh khắc thôi lo nghĩ. Anh Ánh nói việc giúp đỡ vật chất rất quan trọng với những gia đình khó khăn. Nhưng đã là người bệnh điều trị lâu dài thì ai cũng việc thắp lên ngọn lửa tinh thần, nhất là với gia đình bệnh nhi.
Con mang bệnh, người thân lo tiền chạy chữa đến mức không có thời gian cho con ra bên ngoài tham gia hoạt động vui chơi chứ đừng nói tới dành thời gian riêng cho mình. Theo chị Trần Cao Thanh Bình - phó phòng công tác xã hội Bệnh viện Phụ sản Nhi Đà Nẵng, phòng vui chơi ở tầng 10 không chỉ là nơi giải trí dành cho trẻ nhỏ mà còn là nơi các bậc cha mẹ được xả stress.
Chị Bình biết hầu hết các hoàn cảnh của gia đình 60 bệnh nhi của khoa này. Với họ, con đau đớn một thì cha mẹ đau đớn mười. Và niềm vui cũng vậy.
"Ai ở vào hoàn cảnh con đi viện mới hiểu hết cái bức bí, cùng cực vì vừa chăm lo sức khỏe cho con vừa lo tài chính để con theo điều trị. Đến nỗi có nhiều cha mẹ đã stress nặng vì lo lắng. Tôi nghĩ khi căn phòng mang lại niềm vui cho các con thì cũng giúp cha mẹ giải tỏa được phần nào tâm trạng", chị Bình nói.
Chị Bình cho biết chi phí để duy trì phòng vui chơi trong thời gian dài cho các bé là không nhỏ. Nhất là khi phải mua sắm, bổ sung đồ chơi hỏng, mua tập vẽ, tô tượng, tranh ảnh. Toàn bộ chi phí đều được nhóm tình nguyện viên từng là du học sinh nước ngoài quyên góp nên bệnh viện cũng mong muốn có thêm nhà hảo tâm đồng hành để khu vui chơi cho các cháu được hoàn thiện hơn.
Tình thương cộng hưởng
Phòng vui chơi tầng 10 mở cửa từ 10h, trẻ thích gì chơi nấy. Đến khi vắng trẻ, chị Nguyễn Thị Hạnh, quản lý phòng, lại dọn dẹp và vệ sinh tỉ mẩn từng chút một. Từ khi thành lập đến nay, nhận sự ủy thác của em gái (cũng là thành viên nhóm du học sinh năm xưa), chị Hạnh toàn tâm toàn ý bầu bạn 7/7 với bệnh nhi ở đây.
Kinh tế gia đình chẳng mấy dư dả, chồng chạy Grab nuôi hai con tuổi ăn học nhưng chị Hạnh chỉ nhận lương tượng trưng đủ để đổ xăng đi lại. Thậm chí nhiều khi còn bỏ tiền túi in tập vẽ, mua đồ chơi cho trẻ.
Hằng ngày sau khi cơm nước cho gia đình xong, chị chạy hơn 10km từ nhà đến đây để mở cửa phòng rồi ở lại cho tới chiều nên chị như người nhà của những đứa trẻ không may tại đây. Cùng trút bầu tâm sự, cùng chứng kiến sự đau đớn, ra đi đầy nước mắt với các bậc phụ huynh.
"Đi làm bảy năm ở đây, tôi bị đụng xe hai lần. Vừa rồi đợt dịch COVID-19 phát hiện ung thư phải đi mổ ba lần nhưng đến nay thì khỏi bệnh. Tôi tin vào nhân quả nên nghĩ có lẽ ông trời thương, các bé phù hộ cho mình. Còn sức khỏe là tôi còn gắn bó, cùng ăn cơm từ thiện mỗi trưa với tụi nhỏ ở đây", chị Hạnh nói.
Vượt qua "lời nguyền" cứu người đền mạng của dân sông nước, ông Võ Thu Anh (60 tuổi, thôn Phổ Trường, xã Nghĩa An, TP Quảng Ngãi) đã không biết bao nhiêu lần cứu sống người chới với giữa sóng nước.