Xuất khẩu gốm sứ mỹ nghệ Việt Nam tăng trở lại sau 3 tháng liên tiếp giảm
Theo Tổng cục Hải quan, xuất khẩu gốm sứ mỹ nghệ của Việt Nam trong tháng 4-2023 ước tính tăng trở lại sau 3 tháng liên tiếp giảm, đạt 13,5 triệu USD, tăng 6,7% so với tháng 3-2023 nhưng vẫn giảm tới 44,8% so với cùng kỳ 2022.
Tính chung trong 4 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu gốm sứ mỹ nghệ của Việt Nam đạt 52,95 triệu USD, giảm 48% so với cùng kỳ.
Trong đó, về mặt hàng, tính chung trong quý 1-2023 xuất khẩu chậu gốm sứ chiếm 69,5% tổng kim ngạch xuất khẩu gốm sứ mỹ nghệ của cả nước, đạt 27,42 triệu USD, giảm 53,4% so với cùng kỳ năm 2022.
Cũng trong quý 1-2023, gốm sứ trang trí chiếm 22,2% tổng kim ngạch xuất khẩu gốm sứ mỹ nghệ của cả nước đạt 8,76 triệu USD, giảm 37,8% so với cùng kỳ năm 2022; gốm sứ gia dụng đạt 2,51 triệu USD; bình gốm sứ đạt 640.000 USD.
Về thị trường, tính chung trong quý 1-2023, xuất khẩu gốm sứ mỹ nghệ sang EU chiếm 33,4% tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này của cả nước, đạt 13,18 triệu USD; gốm sứ mỹ nghệ sang Mỹ quý 1-2023 chiếm 38,2% tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này của cả nước, đạt 15,06 triệu USD.
TP.HCM có thêm nhiều tòa nhà văn phòng
Bà Lại Thị Như Quỳnh - quản lý cấp cao dịch vụ cho thuê văn phòng Savills TP.HCM - cho biết trong năm nay TP.HCM sẽ có hơn 10 dự án văn phòng cho thuê đi vào hoạt động.
Khu vực trung tâm TP.HCM có 2 tòa hạng A, TP Thủ Đức có 2 tòa hạng A và có thêm 1 dự án hạng B, 6 dự án hạng C. Tại khu đô thị mới Thủ Thiêm, tòa nhà hạng A+ The Meet (chủ đầu tư Sơn Kim Land) sắp đưa vào vận hành gồm 23 tầng với diện tích cho thuê là 28.000m².
Theo bà Quỳnh, công suất thuê của các tòa nhà văn phòng ở TP.HCM đạt 92% trong quý 1-2023 với giá thuê đạt 737.000 đồng/m²/tháng, giảm -1% theo quý. Riêng quận 1 có diện tích trống rất hạn chế với công suất đạt 95%, giá thuê theo quý 1.023.400 đồng/m²/tháng.
Giá thuê văn phòng hạng A trong trung tâm là 1.466.700 đồng/m²/tháng giảm -2% theo quý, nhưng tăng 5% theo năm. Theo bà Quỳnh, các giao dịch thành lập văn phòng mới chiếm tỉ trọng lớn với 63% diện tích đã thuê, trong khi mở rộng chiếm 32% và di dời là 4%.
Đối với khách thuê, khách hàng tư vấn có nhiều giao dịch nhất với 28% diện tích cho thuê, tiếp theo là ngành công nghệ thông tin và sản xuất với 14% mỗi ngành, dược phẩm và chăm sóc sức khỏe, bất động sản cùng chiếm 10% trong khi tài chính, ngân hàng và nảo hiểm 9%.
Lo thiếu điện, EVN kiến nghị các tỉnh giảm dùng điện
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết có 11/47 hồ thủy điện lớn có mực nước đã về mực nước chết hoặc gần mức nước chết; 16 hồ có mực nước thấp hơn mực nước tối thiểu của quy trình vận hành liên hồ chứa. Đặc biệt, đối với các hồ thủy điện khu vực miền Bắc, tất cả 12/12 hồ thủy điện lớn có lưu lượng nước về hồ rất kém, tần suất nước về nhiều hồ kém nhất trong 100 năm qua.
Do mực nước thủy điện thấp, tiêu thụ điện tăng cao nên EVN đã phải gửi văn bản đến các tỉnh, thành sử dụng điện tiết kiệm.
Đáng chú ý, EVN kiến nghị các đơn vị hành chính sự nghiệp tiết kiệm điện năng tiêu thụ hàng tháng 10% so với cùng kỳ, các trường học, bệnh viện, bệnh xá, trạm xá, khu điều dưỡng tiết kiệm điện năng tiêu thụ hàng tháng 5% so với cùng kỳ.
Riêng các đơn vị chiếu sáng công cộng áp dụng các biện pháp để tiết kiệm điện năng tiêu thụ hàng tháng 50% so với cùng kỳ.
Các nhà hàng, khách sạn, cơ sở dịch vụ thương mại, tổ hợp văn phòng và tòa nhà chung cư giảm 50% công suất chiếu sáng quảng cáo trang trí ngoài trời vào ban đêm, sẵn sàng cắt, giảm nhu cầu dùng điện khi có thông báo trong trường hợp thiếu điện.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Võ Quang Lâm - phó tổng giám đốc EVN - cho biết thách thức lớn nhất hiện nay đối với nguồn điện của Việt Nam là vấn đề lượng nước về các hồ thủy điện thấp, một số hồ thủy điện dưới mực nước chết.
"Hiện nay, việc đảm bảo đủ điện, cung ứng điện cho nền kinh tế rất khó khăn. Vì vậy tập đoàn đã thành lập ban chỉ đạo cung ứng điện, giao trách nhiệm với từng đồng chí lãnh đạo tập đoàn có trách nhiệm cụ thể trong việc thực hiện các nhiệm vụ, để đảm bảo cung ứng nguồn được đáp ứng ở mức độ tối đa", ông Lâm nói.
9 nhóm đối tượng được tăng lương cơ sở từ 1-7-2023
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 24 quy định mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang. Theo đó, từ ngày 1-7 tới áp dụng mức lương cơ sở 1,8 triệu đồng/tháng đối với 9 nhóm đối tượng.
Người hưởng lương, phụ cấp quy định tại Nghị định này bao gồm:
1. Cán bộ, công chức từ trung ương đến cấp huyện quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 4 Luật Cán bộ, công chức năm 2008 (sửa đổi, bổ sung tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức năm 2019).
2. Cán bộ, công chức cấp xã quy định tại khoản 3 Điều 4 Luật Cán bộ, công chức năm 2008 (sửa đổi, bổ sung tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức năm 2019).
3. Viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định tại Luật Viên chức năm 2010 (sửa đổi, bổ sung tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức năm 2019).
4. Người làm các công việc theo chế độ hợp đồng lao động quy định tại Nghị định 111-2022/NĐ-CP của Chính phủ về hợp đồng đối với một số loại công việc trong cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập.
5. Người làm việc trong chỉ tiêu biên chế tại các hội được ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí hoạt động theo quy định tại Nghị định số 45/2010 của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội (sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 33/2012).
6. Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ, công nhân, viên chức quốc phòng và lao động hợp đồng thuộc Quân đội nhân dân Việt Nam.
7. Sĩ quan, hạ sĩ quan hưởng lương, hạ sĩ quan, chiến sĩ nghĩa vụ, công nhân công an và lao động hợp đồng thuộc Công an nhân dân.
8. Người làm việc trong tổ chức cơ yếu.
9. Người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn và tổ dân phố.
Một số tin tức đáng chú ý: Xử phạt một công ty tại Khu chế xuất Tân Thuận 320 triệu đồng; Chấp thuận chủ trương đầu tư hạ tầng Khu công nghiệp VSIP Lạng Sơn; TP.HCM khôi phục hoạt động tuyến xe buýt số 57...