Sáng 17-5 tại Hà Nội, Bộ Quốc phòng họp báo giới thiệu dự án Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự.
Đồng chủ trì họp báo có Trung tướng Nguyễn Văn Đức - cục trưởng Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam - người phát ngôn Bộ Quốc phòng; Thiếu tướng Lưu Quang Vụ - phó cục trưởng Cục Tác chiến, Bộ Tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam.
Nâng cấp pháp lệnh, đáp ứng tình hình mới
Thông tin tại họp báo, Trung tướng Nguyễn Văn Đức cho biết việc triển khai xây dựng các công trình quốc phòng, khu quân sự được xác định là trách nhiệm chung của cả hệ thống chính trị, của toàn xã hội.
"Thời gian qua tình hình thế giới, tình hình khu vực diễn biến hết sức phức tạp. Diễn biến đó cho chúng ta rất nhiều bài học, trong đó có bài học cần tăng cường xây dựng, bảo vệ các công trình quốc phòng, khu quân sự để đáp ứng yêu cầu khi có tình huống xảy ra" - ông Đức nói.
Người phát ngôn Bộ Quốc phòng cũng cho biết trước đây đã có Pháp lệnh bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự, tuy nhiên điều cần thiết là phải nâng cấp pháp lệnh để có luật triển khai hiệu quả, đáp ứng trong tình hình mới.
Thiếu tướng Trần Đức Thuận - ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội - cho biết dự án luật được xây dựng trên cơ sở Pháp lệnh bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự đã qua 28 năm thực hiện.
Theo đó Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội nhất trí cao sự cần thiết phải xây dựng Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự để thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, bảo vệ đất nước từ sớm, từ xa.
Xây dựng luật trên 4 nhóm chính sách
Dự án Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự gồm 6 chương, 34 điều, được xây dựng dựa trên 4 nhóm chính sách, bao gồm:
Chính sách 1: Hoàn thiện quy định về xác định phạm vi bảo vệ công trình quốc phòng, khu quân sự và nội dung quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự.
Chính sách 2: Chế độ quản lý, bảo vệ đối với khu vực cấm, khu vực bảo vệ, vành đai an toàn, vành đai an toàn kho đạn dược, hành lang an toàn kỹ thuật hệ thống ăng ten quân sự của các công trình quốc phòng và khu quân sự.
Chính sách 3: Chuyển đổi mục đích sử dụng, phá dỡ, di dời công trình quốc phòng và khu quân sự.
Chính sách 4: Chính sách đối với địa phương, cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân và địa bàn khu vực bị ảnh hưởng do yêu cầu của công tác quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự.
Theo kế hoạch, Quốc hội khóa XV sẽ cho ý kiến đối với dự án luật lần thứ nhất tại kỳ họp thứ 5 và thông qua tại kỳ họp thứ 6.
TTO - Dự thảo Luật phòng thủ dân sự được trình Quốc hội đưa ra 4 cấp độ. Trong đó chủ tịch UBND cấp huyện được ban bố, bãi bỏ phòng thủ dân sự cấp độ 1; chủ tịch UBND cấp tỉnh được ban bố, bãi bỏ phòng thủ dân sự cấp độ 2.