Tăng trưởng kinh tế TP Hồ Chí Minh chậm lại đáng kể, chỉ đạt 0,7% trong quý I, thấp hơn nhiều mức tăng bình quân của cả nước. Trong bối cảnh được dự báo còn nhiều khó khăn, thách thức, làm thế nào để phục hồi đà tăng trưởng kinh tế thành phố là bài toán đang được ưu tiên tháo gỡ. Tại Tọa đàm Tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy kinh tế TP Hồ Chí Minh phát triển do báo Người lao động tổ chức, nhiều chuyên gia cho rằng, bên cạnh những cơ chế đột phá, cũng cần những dự án đột phá cho thành phố.
TP Hồ Chí Minh với vai trò đầu tàu kinh tế, tuy nhiên theo chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên, suốt 15 - 20 năm qua, thành phố chưa có những thay đổi cơ bản. Nhiều nút thắt, điểm nghẽn tăng trưởng chưa được tháo gỡ triệt để mà có xu hướng tăng thêm như giao thông, ngập nước, hay tắc nghẽn về hạ tầng, do đó rất cần những đột phá, động lực mới cho kinh tế thành phố.
"TP Hồ Chí Minh phải có sự bứt phá theo kiểu hội nhập quốc tế thì cách đặt vấn đề như cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ là một dự án mang tính đột phá. Tới đây bên cạnh đó có dự án trung tâm tài chính, phải bàn theo cấp độ vùng chứ không chỉ TP Hồ Chí Minh mà cho cả vùng này", ông Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, nói.
Tăng trưởng kinh tế TP Hồ Chí Minh chậm lại đáng kể, chỉ đạt 0,7% trong quý I. (Ảnh: Dân trí)
Các chuyên gia kinh tế đặt nhiều kỳ vọng vào Dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hồ Chí Minh, thay thế Nghị quyết 54/2017, sẽ trình Quốc hội ngay tại kỳ họp dự kiến khai mạc đầu tuần sau.
Nghị quyết mới này được kỳ vọng sẽ tạo sức bật cho những phát triển đột phá của thành phố thời gian tới, tạo sự lan tỏa tích cực cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam cũng như cả nước.
"Với nội dung hiện nay trình Quốc hội, 7 nhóm vấn đề và hơn 40 nội dung, phải nói lần đầu tiên, nếu được Quốc hội thông qua, lần đầu tiên thành phố có một thể chế liên quan đến phân cấp, phân quyền và chính sách động lực chưa bao giờ có. Với sự chuẩn bị hiện nay, kể cả ban hành nghị định của Chính phủ và các dự án, chương trình thông qua HĐND, tôi cho rằng nếu tạo được thì đây là cách tháo gỡ căn cơ về mặt thể chế", ông Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia, đánh giá.
Bên cạnh các giải pháp mang tính căn cơ liên quan tới thể chế, các chuyên gia kinh tế, đại diện các doanh nghiệp lớn trên địa bàn cũng mong muốn Chính phủ có thêm các giải pháp kích cầu tiêu dùng nội địa trong bối cảnh thị trường thế giới gặp khó khăn như xem xét giảm thêm thuế VAT về 5 - 7%, đẩy mạnh tín dụng tiêu dùng, giảm thêm lãi vay, đặc biệt là gỡ khó cho thị trường bất động sản, để có thể tạo đà hồi phục cho các ngành, lĩnh vực kinh tế khác.
VTV.vn - Hàng loạt dự án cao tốc nối TP Hồ Chí Minh với các địa phương đã đưa vào sử dụng hoặc sắp khởi công sẽ mở ra không gian phát triển rộng lớn cho các tỉnh phía Nam.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.73225541171503202-hnim-ihc-oh-pt-et-hnik-ohc-tab-cus-oat-gnov-yk-ahp-tod-ehc-oc/et-hnik/nv.vtv