Trao đổi với Tuổi Trẻ Online trước việc nhiều tỉnh thành rơi vào tình trạng thiếu hụt vắc xin tiêm chủng mở rộng triền miên, mới nhất là TP.HCM thông báo hết hoàn toàn vắc xin "5 trong 1" DPT-VGB-HiB, đại biểu Quốc hội Phạm Khánh Phong Lan khẳng định:
"Để xảy ra tình trạng này là trách nhiệm của nhiều cơ quan, nhưng phải tìm cách giải quyết nhanh, đừng vô cảm với nguy hiểm của trẻ em".
Đề xuất Bộ Y tế đấu thầu, địa phương chi trả
Bà Lan không đồng tình việc chuyển đấu thầu vắc xin tiêm chủng mở rộng về cho các sở y tế địa phương. Điều này, theo bà, không đúng chủ trương đấu thầu tập trung cấp quốc gia. Cụ thể, với các mặt hàng có tỉ trọng sử dụng nhiều như vắc xin tiêm chủng mở rộng, nếu đấu thầu cấp quốc gia sẽ giúp giá thành, cũng như các chi phí phát sinh giảm so với việc "chẻ nhỏ" ra thành các gói nhỏ.
Việc đấu thầu riêng từng tỉnh cũng sẽ dẫn đến khả năng giá trúng thầu sai lệch, các loại vắc xin có thể cũng khác nhau. Điều này sẽ dẫn đến tình huống mỗi tỉnh có thể sẽ tiêm 1 loại vắc xin khác nhau.
Ngoài ra, bản chất của vắc xin tiêm chủng mở rộng có rất ít nhà thầu tham dự. Do đó, việc Bộ Y tế lấy phương diện quốc gia đứng ra đấu thầu như trước là phù hợp; khả năng đảm bảo nguồn, giá và cung ứng an toàn hơn.
Đặc biệt, theo bà Lan, vắc xin tiêm chủng mở rộng là miễn phí. Khi lấy kinh phí địa phương mua phải phân biệt được trẻ của tỉnh này và tỉnh khác, bởi dự trù số lượng mua bao giờ cũng phải căn cứ số trẻ của tỉnh.
"Vậy các trẻ đang tạm trú tại tỉnh có được tiêm hay phải về quê để tiêm. Nếu tiêm mũi 1 ở tỉnh A rồi đến mũi 2 qua tỉnh B nhưng thuốc trúng thầu không giống nhau thì sao?" - bà Lan đặt giả thiết.
Liên quan đến vấn đề Bộ Y tế nêu lý do Bộ Tài chính không bố trí ngân sách trung ương cho Bộ Y tế mua vắc xin tiêm chủng mở rộng, bà Lan cho rằng "vấn đề này không liên quan".
Bà khẳng định Bộ Y tế với tư cách là cơ quan chuyên môn và quản lý nhà nước về mặt y tế cao nhất vẫn có thể "thay mặt các địa phương" đứng ra làm chủ đầu tư đấu thầu đảm bảo về giá, chất lượng của nhà cung cấp.
Các địa phương sẽ căn cứ vào đây để bố trí nguồn ngân sách mua vắc xin tiêm chủng mở rộng. Bà đề nghị Bộ Y tế phải phát huy vai trò của mình, ít nhất trong việc đàm phán giá.
Nguy cơ nhiều bệnh trở lại, nếu...
Về góc độ chuyên môn, bà Lan khẳng định vắc xin tiêm chủng mở rộng chính là hàng rào bảo vệ cho người dân, đặc biệt là trẻ em. Trên thực tế, có lúc còn phải thuyết phục người dân đưa con đi tiêm.
"Còn tình hình hiện nay thì ngược lại, nếu tiếp tục gián đoạn tiêm, tiêm không đủ hoặc bỏ tiêm vắc xin sẽ tạo thời cơ cho rất nhiều bệnh nguy hiểm quay trở lại. Lúc đó chữa bệnh sẽ gánh hết vấn đề phòng bệnh" - bà Lan phân tích và khẳng định việc duy trì liền mạch vắc xin tiêm chủng mở rộng là nhu cầu tối thiểu mà trẻ em cần được đáp ứng.
Bà còn dẫn chứng khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Bộ Y tế luôn yêu cầu người dân tham gia tiêm chủng mở rộng phải "đúng lịch, không trì hoãn, không chậm trễ".
Dự phòng quan trọng hơn điều trị, trong đó vắc xin tiêm chủng mở rộng cho trẻ em là điều vô cùng quan trọng, nhưng theo bà, việc chăm lo tiêm chủng còn ì ạch năm này qua năm khác.
"Tại sao bao nhiêu bệnh từ bại liệt, viêm não Nhật Bản… đều đẩy lùi được, bởi là nhờ tiêm chủng. Nhưng đâu phải ai cũng đủ điều kiện tiêm chủng dịch vụ, vì thế Bộ Y tế với chương trình tiêm chủng mở rộng cần phải xướng lĩnh trách nhiệm này để bảo vệ trẻ em, nhất là vùng ít có điều kiện" - bà Lan đặt vấn đề.
Sẽ đưa việc thiếu vắc xin ra Quốc hội
Bà Lan khẳng định việc gián đoạn, thiếu hụt vắc xin tiêm chủng mở rộng đang gây bức xúc ở nhiều địa phương. Một số địa phương đề nghị bà nêu quan điểm trước Quốc hội về vấn đề này, và hiện bà đang đi nắm tình hình thực tế. "Tôi sẽ đưa vấn đề này ra diễn đàn Quốc hội" - bà Lan khẳng định.
Từ ngày 15-5, các cơ sở tiêm chủng tại TP.HCM hết hoàn toàn vắc xin "5 trong 1" trong chương trình tiêm chủng mở rộng DPT-VGB-HiB. Đây là vắc xin phòng bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm phổi và viêm màng não mủ do vi khuẩn Hib.