Chiều 9-11, tại Khu công nghiệp chuyên sâu Phú Mỹ 3, UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu phối hợp với Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Pháp tại Việt Nam (CCI France VietNam), KCN Phú Mỹ 3 tổ chức hội thảo “Vai trò của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu: Thượng nguồn chuỗi cung ứng trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam”.
Tại hội thảo, ông Nguyễn Công Vinh, phó chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu bày tỏ sự vui mừng, chào đón các doanh nghiệp, Phòng Thương mại và Công nghiệp Pháp tại Việt Nam thăm và làm việc tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.
Trung tâm biển quốc gia, dịch vụ hàng hải khu vực Đông Nam Á
Theo ông Nguyễn Công Vinh, Bà Rịa-Vũng Tàu có vị trí chiến lược, đóng vai trò là trung tâm kết nối và là cửa ngõ ra Biển Đông của Việt Nam. Tỉnh là cửa ngõ ra hành lang kinh tế Đông- Tây, cũng như là một trong những khu vực có tầm phát triển quan trọng của vùng Đông Nam Bộ, bao gồm TP.HCM- Bình Dương- Đồng Nai- Bà Rịa- Vũng Tàu- Tây Ninh- Bình Phước.
Đông Nam Bộ là khu vực phát triển năng động, có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, động lực tăng trưởng lớn nhất cả nước và đóng vai trò là đầu tàu trong phát triển kinh tế của Việt Nam với một số mục tiêu phát triển đến năm 2030 của Vùng, như: Phát triển mạnh mẽ khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, công nghiệp công nghệ cao, logistics và trung tâm tài chính quốc tế có tính cạnh tranh cao trong khu vực.
Quang cảnh hội thảo chiều 9-11.Ảnh:TK |
Vùng cũng thu hút dòng vốn FDI vào phát triển mạnh một số ngành công nghiệp như cơ khí chế tạo, hoá dầu, sản phẩm hạ nguồn của ngành công nghiệp hoá dầu, chế biến sản phẩm từ dầu, hoá chất; các ngành công nghiệp hỗ trợ.
Bà Rịa - Vũng Tàu tập trung vào phát triển cảng biển Cái Mép-Thị Vải trở thành cảng trung chuyển quốc tế. Phát triển các dịch vụ có chất lượng và giá trị gia tăng cao trong các lĩnh vực như tài chính, ngân hàng, thương mại, du lịch, logistics…
Hạ tầng giao thông nội tỉnh, liên vùng đang được Bà Rịa-Vũng Tàu đầu tư, phối hợp cùng các bộ, ngành, địa phương khác triển khai hoàn thiện-Ảnh:TK |
Riêng Bà Rịa-Vũng Tàu, tầm nhìn đến năm 2050 được định hướng sẽ trở thành trung tâm kinh tế biển quốc gia; trung tâm dịch vụ hàng hải của khu vực Đông Nam Á; trung tâm du lịch chất lượng cao đẳng cấp quốc tế; đồng thời là trung tâm công nghiệp lớn của vùng Đông Nam Bộ.
Đồng thời sẽ trở thành tỉnh đầu tiên ở Việt Nam đạt được mục tiêu đưa mức phát thải carbon dioxide về trạng thái trung tính “net-zero”.
Tại hội thảo, Ban quản lý các KCN, Sở GTVT tỉnh cũng đã giới thiệu đến các đại biểu, doanh nghiệp Pháp về môi trường đầu tư trong việc thu hút dòng vốn FDI; vai trò của tỉnh trong chuỗi cung ứng của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; tình hình phát triển hạ tầng giao thông của tỉnh, định hướng đầu tư phát triển trong thời gian sắp tới…
Nhiều doanh nghiệp Pháp chọn đầu tư tại Bà Rịa-Vũng Tàu
Phát biểu tại hội nghị, ông Thibaut Giroux, chủ tịch CCI France VietNam cho biết, CCI France Việt Nam có gần 300 thành viên, bao gồm các công ty đã thành lập tại Việt Nam. Một trong số đó đã đầu tư ở tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, trong đó có công ty cảng Gemalink.
Qua hội thảo, ông Thibaut Giroux mong muốn giới thiệu với cộng đồng doanh nghiệp Pháp và Châu Âu những cơ hội mà tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu mang lại như một điểm đến đầu tư hấp dẫn tại Việt Nam.
Bởi từ sau khi Việt Nam mở cửa sau đại dịch, CCI France Vietnam liên tục nhận được các yêu cầu thăm dò thị trường mong muốn đầu tư và phát triển thương mại tại Việt Nam từ các công ty Pháp và Châu Âu. Trong số đó một số tập đoàn lớn của Pháp đang dịch chuyển dần sang thị trường Việt Nam…
Cảng Gemalink tại Cái Mép-Thị Vải do tập đoàn đến từ Pháp liên doanh đầu tư-Ảnh:TK |
Trong thời gian sắp tới, CCI France Vietnam hy vọng sẽ có cơ hội làm việc chặt chẽ hơn với tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu để tiếp tục hành trình xúc tiến và quảng bá môi trường đầu tư của tỉnh, đặc biệt là trong khuôn khổ của hiệp định thương mại tự do lịch sử được ký kết giữa Liên minh Châu Âu và Việt Nam.
Để tiếp tục thu hút các nhà đầu tư vào tỉnh, theo ông Thibaut Giroux, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư với các ưu đãi hấp dẫn, nhằm tăng khả năng cạnh tranh so với các khu vực khác.
Tiếp tục phát triển cơ sở hạ tầng và đặc biệt là cơ sở hạ tầng xanh và bền vững trong khu vực, phù hợp với cam kết của Việt Nam đối với Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc năm 2021 (COP26), được tái khẳng định trong COP27 mới diễn ra và phù hợp với các tiêu chí của các đối tác châu Âu…
Các đại biểu chụp hình lưu niệm sau hội thảo-Ảnh:TK |
Đại diện một số doanh nghiệp Pháp cũng đặt các câu hỏi quan tâm về vấn đề ưu đãi thuế, nguồn nhân lực lao động khi đầu tư tại tỉnh; tỉnh đã ưu tiên phát triển hóa dầu thì có ưu tiên phát triển du lịch hay không...
Những vấn đề này cũng đã được Ban quản lý các Khu công nghiệp và ông Nguyễn Công Vinh, phó chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu thông tin rõ. Trong đó ông Vinh nhấn mạnh đến các tiềm năng, lợi thế riêng của tỉnh về cảng biển, vị trí địa lý, phát triển du lịch cũng như các giải pháp để thu hút các nhà đầu tư đến tỉnh trong hiện tại, tương lai.
Ông Nguyễn Anh Triết, giám đốc BQL các Khu công nghiệp tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu:
Đã thu hút 271 dự án đầu tư FDI
Đến nay tỉnh đã thành lập được 15 KCN với 547 dự án đầu tư còn hiệu lực, tổng diện tích đất thuê là 3.388 ha, đạt tỉ lệ lấp đầy là 57,67% trên tổng số KCN và 68,52% trên số KCN đã hoàn thiện xây dựng hạ tầng (13 KCN); bao gồm 276 dự án đầu tư trong nước với vốn đầu tư đăng ký 136.928 tỷ đồng và 1,018 tỷ USD, 271 dự án đầu tư FDI với vốn đầu tư đăng ký 12,609 tỷ USD.
Các quốc gia và vùng lãnh thổ Châu Âu hiện đang chiếm khoảng 15% nguồn vốn đầu tư FDI trong các KCN trên địa bàn tỉnh (1,896 tỷ USD/12,609 tỷ USD) với 43/271 dự án.
Trong đó Pháp là quốc gia Châu Âu hiện đang đầu tư 03 dự án với vốn đầu tư 484,4 triệu USD, đang đứng thứ 2 sau British Virgin Islands; mà điển hình là dự án Nhà máy điện BOT Phú Mỹ 2.2 của CÔNG TY NĂNG LƯỢNG MÊ KONG với vốn đầu tư đăng ký 480 triệu USD.
Ông Lương Anh Tuấn, phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu:
Tập trung nguồn lực hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông kết nối liên vùng
Bà Rịa- Vũng Tàu đã xây dựng quy hoạch mạng lưới giao thông đường bộ, đường sắt, cảng biển, đường thủy nội địa đến năm 2030, định hướng đến năm 2050 trong đó có kế hoạch đầu tư kết nối các phương thức vận tải và kết nối mạng lưới giao thông giữa tỉnh với các tỉnh trong vùng, nâng cao chất lượng vận tải, giảm chi phí logistics, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội.
Trong thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục tập trung nguồn lực, phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải, các địa phương liên quan thực hiện các dự án trọng điểm kết nối liên vùng. Gồm: cao tốc Biên Hòa- Vũng Tàu đoạn qua tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, dự kiến khởi công tháng 6/2023; Cầu Phước An kết nối đường liên cảng Cái Mép – Thị Vải với Đồng Nai để vào tuyến cao tốc Bến Lức – Long Thành (khởi công vào cuối năm 2022).
Đường Vành đai 4 TP.HCM; Nạo vét các luồng hàng hải Vũng Tàu – Thị Vải theo quy hoạch được duyệt để tiếp nhận tàu có tải trọng 250.000 DWT; Nghiên cứu triển khai tuyến đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu; Di dời sân bay Vũng Tàu sang Gò Găng, Long Sơn.
Tập trung phát triển các trung tâm logistics trên hành lang kinh tế ven biển phía Tây (khu vực dọc sông Thị Vải - Cái Mép, sông Dinh, khu vực Long Sơn). Tỉnh cũng đã triển khai lập quy hoạch Trung tâm Logistics Cái Mép Hạ quy mô diện tích 1.686,73ha.