Thông tin được Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy chia sẻ với Tuổi Trẻ Online.
Bà Thủy cho biết Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang lấy ý kiến góp ý để xây dựng dự thảo nghị định quy định về xét tặng danh hiệu "Nghệ sĩ nhân dân", "Nghệ sĩ ưu tú" (sửa đổi).
Bộ tính có thêm phương án khác
Theo đó, bộ đã gửi văn bản xin ý kiến chín hội chuyên ngành về việc mở rộng đối tượng xét danh hiệu NSND, NSƯT, bổ sung thêm người sáng tạo tác phẩm văn hóa, nghệ thuật chứ không chỉ những nghệ sĩ biểu diễn, nghệ sĩ trình bày như quy định hiện hành.
Bộ xin ý kiến các hội về đối tượng xét tặng danh hiệu và điều kiện, tiêu chuẩn, về cách tính thời gian tham gia hoạt động sáng tạo văn hóa nghệ thuật cho đối tượng xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT.
Bộ đã nhận ý kiến đóng góp của các hội. Kết quả, cho đến thời điểm này, ý kiến của các hội chuyên ngành không thống nhất.
Chín hội được xin ý kiến thì sáu hội không đề xuất bổ sung đối tượng xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT là nghệ sĩ sáng tạo tác phẩm văn hóa nghệ thuật.
Bao gồm: Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Mỹ thuật Việt Nam, Hội Văn nghệ dân gian, Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Hội Nghệ sĩ sân khấu, Hội Điện ảnh Việt Nam.
Chỉ có ba hội chuyên ngành đề xuất gồm: Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam, Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam, Hội Nhạc sĩ Việt Nam.
Hội Nghệ sĩ múa đề xuất thêm cho tác giả kịch bản múa.
Hội Nhạc sĩ Việt Nam đề xuất đối tượng nhạc sĩ sáng tác và phối khí. Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam đề xuất cho nghệ sĩ sáng tác, nhà nghiên cứu lý luận phê bình nhiếp ảnh, giảng viên giảng dạy nhiếp ảnh. Hội này còn đề xuất thêm đối tượng của hội khác là kiến trúc sư, soạn giả sân khấu.
Chính vì sự không thống nhất này nên Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang nghiên cứu theo hướng đối tượng chuyên ngành nào các hội đã đề xuất được tiêu chí, các điều kiện đáp ứng được các quy định đảm bảo thống nhất với các lĩnh vực khác, thì bộ sẽ tổng hợp để bổ sung trong dự thảo nghị định sửa đổi lần này. Đồng thời bộ sẽ xin ý kiến rộng rãi người dân, các bộ, ngành, địa phương.
Bộ cũng kiến nghị một phương án nữa để đảm bảo sự thống nhất chung trong pháp luật trong bối cảnh không thống nhất ý kiến giữa các hội.
"Chúng tôi cố gắng không bỏ sót đối tượng nhưng cũng phải đảm bảo tính thống nhất của pháp luật", bà Thủy nói.
Người làm sáng tạo đã được xét Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước
Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng cho biết theo quy định của pháp luật hiện hành, người làm sáng tạo tác phẩm văn hóa, nghệ thuật đã được xét trao Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước - giải thưởng cao quý nhất.
Bà Thủy nói thêm, theo quy định của luật, thành tích đã được dùng để đưa vào hồ sơ xét danh hiệu này rồi thì sẽ không dùng để đưa vào hồ sơ xét danh hiệu khác.
Vì vậy nếu bổ sung đối tượng xét danh hiệu NSND, NSƯT cho người sáng tạo tác phẩm văn hóa nghệ thuật thì xây dựng quy định về tiêu chí xét tặng cũng không đơn giản.
Về việc sáu hội không đề xuất bổ sung đối tượng xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT với hội viên của mình, theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ Online, lý do hầu hết là vì các đối tượng này đã được xét Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật, hoặc có danh hiệu cao quý khác.
Cụ thể, Hội Nhà văn Việt Nam nêu ý kiến: nhà văn không phải là nghệ sĩ. Danh xưng nhà văn là cao quý, thiêng liêng. Phần thưởng cao quý, động viên khích lệ các nhà văn sáng tạo, cống hiến cho sự nghiệp văn học, cách mạng Việt Nam đó là Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật.
Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam: Hội viên của hội đã có danh hiệu "Nghệ nhân dân gian" nhằm tri ân những người đang nắm giữ vốn di sản văn hóa vô cùng quý báu của dân tộc.
TTO - Trong danh sách mà Hội đồng cấp cơ sở trình Hội đồng cấp bộ xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân có những tên tuổi nghệ sĩ quen thuộc như Xuân Bắc, Chí Trung, Thanh Lam, Trần Lực, Đỗ Kỷ, Bùi Công Duy, Trần Ly Ly…