Đầu tuần này, IEA công bố báo cáo về thị trường dầu toàn cầu. Theo đó, cơ quan này tiếp tục nâng dự báo nhu cầu, lên kỷ lục 102 triệu thùng một ngày năm nay, tăng 2,2 triệu thùng so với năm ngoái.
Trong đó, Trung Quốc đóng góp phần lớn mức tăng, với 60%. Tiêu thụ dầu thô tại nước này cũng lập đỉnh với 16 triệu thùng một ngày trong tháng 3.
Dù các số liệu kinh tế mới nhất cho thấy đà phục hồi của Trung Quốc còn mong manh, IEA nhận định "triển vọng phục hồi nhu cầu dầu của nước này vẫn đang đi đúng dự báo". Trung Quốc hiện là nước tiêu thụ dầu hàng đầu thế giới.
Bắc Kinh gần đây tích cực nhập khẩu dầu Nga. Mục tiêu hiện tại là vực dậy nền kinh tế sau nhiều năm áp dụng chính sách Zero Covid. Vì thế, họ cần năng lượng giá rẻ để vận hành ngành công nghiệp sản xuất khổng lồ.
Báo cáo của IEA công bố hàng tháng và được thị trường theo dõi sát sao. Lần này, báo cáo chỉ ra sự khác biệt ngày càng lớn giữa nhu cầu dầu thô tại các nước đang phát triển và khu vực châu Âu, Bắc Mỹ - nơi triển vọng kinh tế không mấy sáng sủa.
Nhu cầu được dự báo bùng nổ tại Trung Quốc và các nước đang phát triển. Ngược lại, lãi suất cao và lạm phát tràn lan tại các nền kinh tế phát triển có thể ghìm nhu cầu tại đây.
Nỗ lực của các nước phương Tây nhằm từ bỏ dần nhiên liệu hóa thạch đang làm rộng thêm khoảng cách này. Các nước đang phát triển thì vẫn coi dầu thô và than đá là nhiên liệu có chi phí vừa phải.
Khi nhu cầu được dự báo tăng, nguồn cung lại khó bắt kịp. Năm nay, nguồn cung dầu toàn cầu được dự báo đạt trung bình hơn 101 triệu thùng một ngày, tăng 1,2 triệu thùng so với năm ngoái.
Tổ chức các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) từ tháng này bắt đầu cắt giảm sản xuất hơn một triệu thùng mỗi ngày. Các hãng dầu ở Mỹ cũng ngần ngại đầu tư vào sản xuất mới.
Tuy nhiên, bất chấp dự báo của IEA về thị trường dầu căng thẳng, giá dầu thô hiện vẫn trong xu hướng giảm. Lo ngại về sức khỏe hệ thống ngân hàng Mỹ là vấn đề mới nhất tác động lên triển vọng kinh tế toàn cầu, gây sức ép lên giá dầu thô.
Hà Thu (theo WSJ)