Chương trình được triển khai từ năm 2020, là phương thức kết nối và tổ chức học cùng lúc hai chương trình thuộc hai ngành đào tạo khác nhau giữa các trường thành viên hoặc trong một trường trên cơ sở đảm bảo chuẩn đầu ra của người học sau khi tốt nghiệp cả hai chương trình.
Rút ngắn thời gian, tiết kiệm chi phí
Theo ban đào tạo ĐH Quốc gia TP.HCM, chương trình đào tạo song ngành gồm hai phần: ngành thứ nhất có khối lượng kiến thức theo quy định của khung trình độ quốc gia Việt Nam, ngành thứ hai có khối lượng kiến thức tối thiểu 30 tín chỉ, tối đa 80 tín chỉ và tổng khối lượng kiến thức (gồm các tín chỉ trùng nhau và được công nhận tương đương giữa hai chương trình) phù hợp với quy định hiện hành.
Việc công nhận và chuyển đổi tín chỉ phải đảm bảo kết quả đối sánh chuẩn đầu ra môn học/nhóm môn học, chương trình đào tạo. Khối kiến thức giáo dục đại cương, kiến thức bổ trợ, thực tập, khóa luận/luận văn tốt nghiệp có thể được xem xét công nhận chuyển đổi giữa các chương trình đào tạo.
TS Huỳnh Khả Tú - trưởng phòng đào tạo đại học Trường ĐH Quốc tế - cho biết các chương trình đào tạo song ngành được thiết kế tối ưu, giúp sinh viên khi lựa chọn theo học có nhiều thuận lợi nhất.
"Sinh viên sẽ được công nhận chuyển đổi tín chỉ chung hoặc tương đương giữa hai ngành để rút ngắn tổng thời gian học tập so với việc học hai ngành riêng biệt cũng như tiết kiệm được chi phí học tập. Hiện trường chúng tôi có 12 chuyên ngành cho phép học bằng thứ hai tại trường" - bà Tú nói.
Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn đang triển khai chương trình song bằng với năm ngành: báo chí, quan hệ quốc tế, tâm lý học, ngôn ngữ Anh và quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành. Trường ĐH Kinh tế - Luật cũng có ba chương trình tham gia đề án đào tạo song bằng của ĐH Quốc gia TP.HCM: kinh tế đối ngoại, quản trị kinh doanh, luật kinh doanh.
"Chương trình song bằng trường bắt đầu triển khai từ năm học 2020-2021, đến nay có 27 sinh viên các trường thành viên ĐH Quốc gia TP.HCM như Trường ĐH Công nghệ thông tin, Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn đang theo học ba chuyên ngành trên" - ThS Cù Xuân Tiến, trưởng phòng tuyển sinh và công tác sinh viên Trường ĐH Kinh tế - Luật, cho hay.
Trong khi đó, PGS.TS Bùi Hoài Thắng - trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Bách khoa - cho biết: "Nhà trường đang xem xét đào tạo song ngành giữa Bách khoa và một trường trong ĐH Quốc gia. Còn đào tạo song ngành trong cùng trường thì từ khóa tuyển sinh năm 2019, trường đã tuyển sinh đào tạo song ngành kỹ thuật hàng không, kỹ thuật tàu thủy".
Xét tuyển kết quả học tập năm thứ nhất
Theo TS Dương Tôn Thái Dương - phó trưởng ban đào tạo ĐH Quốc gia TP.HCM - dự kiến năm 2023, ĐH Quốc gia TP.HCM sẽ triển khai thêm ít nhất năm chương trình đào tạo song ngành nhằm mở rộng phạm vi, quy mô và tăng cường hiệu quả hoạt động liên thông, liên kết chương trình đào tạo trong toàn hệ thống.
Sinh viên đại học chính quy đang học tại các trường thành viên được đăng ký học thêm chương trình đào tạo thứ hai nếu đồng thời thỏa mãn các điều kiện như: ngành thứ hai phải khác ngành thứ nhất; đã hoàn thành năm đầu tiên của chương trình đào tạo ngành thứ nhất và xếp loại học lực từ khá trở lên (7.0 trên thang điểm 10).
TS Phạm Tấn Hạ - phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn - cho biết thêm ngoài việc đáp ứng những điều kiện đầu vào theo quy định chung và quy định riêng tùy ngành, ngành đào tạo thứ hai phải khác ngành đào tạo thứ nhất và sinh viên đang không theo học chương trình thứ hai khác.
Đồng thời, sinh viên phải hoàn thành năm thứ nhất với số tín chỉ tối thiểu tích lũy là 25 tín chỉ, có điểm trung bình từ 7.0 và không bị kỷ luật từ mức cảnh cáo trở lên.
"Trên thực tế, việc học song ngành chưa bao giờ là dễ dàng. Chuyện trùng lịch học, lịch thi, hay quá tải bài tập là điều khó tránh khỏi với sinh viên học song ngành. Để quyết định lựa chọn học song ngành, sinh viên phải lượng sức, cân nhắc kỹ và nỗ lực nhiều mới đạt kết quả tốt" - ông Hạ lưu ý.
Nhiều học sinh lo lắng học một ngành sẽ khó có việc làm và muốn học song ngành để có thêm cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp đại học.
Xem thêm: mth.6015008081503202-coh-coud-ia-hnagn-gnos-oat-oad-oan-gnourt/nv.ertiout