Nữ huấn luyện viên môn vật của Philippines, chị Maybelline Masuda, đã gây ấn tượng mạnh ở SEA Games 32 bằng hành động có một không hai trong làng huấn luyện viên thế giới. Chị chinh phục tất cả qua hình ảnh rất đời, rất phụ nữ khi thu xếp chu toàn để giỏi việc nước, đảm việc nhà.
Can đảm từ chối chế độ thai sản. Thay vì được phép ở lại quê nhà chăm con, chị tình nguyện bồng theo em bé mới hai tháng tuổi, sát cánh cùng đội tuyển vật thi đấu tại Campuchia. Tâm huyết nghề nghiệp của chị giúp tăng cường chuyên môn, và truyền ngọn lửa quyết chiến, quyết thắng cho các học trò.
Chị trở thành nguồn cảm hứng vô tận lập nên chiến tích giành hai huy chương vàng. Xua tan nỗi buồn từng trắng tay tại SEA Games 31.
Bà mẹ kiên cường Masuda không hề đơn độc. Khán giả theo dõi trực tiếp lẫn gián tiếp đều được chứng kiến câu chuyện thú vị "cả nhà thương nhau", khi bên cạnh nữ tướng có đủ hai cô con gái và người bạn đời thân yêu cũng là đồng nghiệp.
Được truyền lửa từ gia đình độc nhất vô nhị này, các học trò "chiến binh" của anh chị xung trận như có thêm sức mạnh vô song, lên ngôi vô địch đầy thuyết phục.
Chị xứng đáng được tặng huy chương đặc biệt, dành cho tấm lòng trung kiên với Tổ quốc, tận tâm với nghề nghiệp.
Đồng thời chứng minh rằng dù ở đâu trên thế gian này, thiên chức làm mẹ của tất cả phụ nữ đều giống nhau. Trong trái tim mọi người, chị đã trở thành nhà vô địch của những nhà vô địch.
Tôi liên tưởng đến những phụ nữ ở Tây Nguyên, thường địu con nhỏ sau lưng lúc lên nương rẫy. "Ngủ ngoan Akay ơi!", lời bài hát thắm tình mẫu tử.
Nữ hoàng dancesport Khánh Thi của Việt Nam, đang mang thai tháng thứ năm, cũng "đốn tim" người hâm mộ khi tận tình xoa bóp, giúp các vận động viên thư giãn, phục hồi thể lực.
Tại SEA Games năm nay, chị không tham gia ban huấn luyện nhưng vẫn tự nguyện đồng hành hỗ trợ vận động viên. Tình cảm ân cần và nguồn tiếp sức của một người mẹ, người chị đã góp phần giúp các tuyển thủ giành được một huy chương vàng, một huy chương bạc, dù cho bộ môn dancesport sở trường được thay thế bằng breakdance.
Đọng lại sau SEA Games lần này, có vô vàn câu chuyện nhân văn. Những điều chỉ bất ngờ xuất hiện trong hoàn cảnh đặc biệt. Chắc chắn bà mẹ bồng con Masuda sừng sững như tượng đài. Không rời thiên thần nhỏ, cũng không chịu xa các học trò, sẽ khiến người ta khâm phục và nhớ mãi chị. Hai con của chị cũng sớm học được ở mẹ quyết tâm "khó khăn nào cũng vượt qua".
Trong thành công của vận động viên, không bao giờ thiếu sự hy sinh thầm lặng mà cao cả của các huấn luyện viên. Họ luôn đứng phía sau làm điểm tựa, bệ phóng giúp học trò lên bục vinh quang. Những nữ tướng cầm quân chinh chiến còn đảm đương vai trò của bà mẹ vĩ đại.
Đẹp nhất, xúc động nhất và đáng nhớ nhất. Đó là những lời khen dành cho "người thầy" đáng kính Maybelline Masuda, Khánh Thi… khi SEA Games 32 khép lại.
SEA Games trong mắt tôi chính là hình ảnh người cha, người thầy thầm lặng: HLV Mai Đức Chung.
Xem thêm: mth.84382454181503202-iad-iv-em-ab-gnuhn-iot-tam-gnort-semag-aes/nv.ertiout