Chủ nuôi chó dữ có thể bị xử lý hình sự
Theo luật sư Lê Trung Phát (Đoàn luật sư TP.HCM), đây là sự việc đau lòng, không ai mong muốn. Chuyện chó dữ tấn công người, thậm chí cắn chết người không phải là lần đầu, nhưng nhiều người nuôi chó vẫn chưa thật sự quan tâm, cảnh giác.
Pháp luật hiện nay cho phép người dân được nuôi chó, nhưng khi nuôi chó phải tuân thủ các quy định như: chích ngừa vắc xin dại, khi đưa chó ra nơi công cộng phải có biện pháp rọ mõm, có dây xích giữ chó và có người dắt.
Nếu vi phạm thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại khoản 3 điều 2 nghị định 04/2020, với số tiền phạt từ 1 triệu đến 2 triệu đồng.
Riêng đối với trường hợp chó tấn công và khiến nạn nhân tử vong tại chỗ, thì chủ nhân của chó pitbull có thể sẽ bị xử lý hình sự về tội vô ý làm chết người theo điều 128 Bộ luật Hình sự và phải đối mặt với hình phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 đến 5 năm.
Bởi chủ chó phải nhận thức rằng, chó pitbull có thể cắn chết người, nhưng trong quá trình nuôi đã không rọ mõm, lúc mở lồng sắt thì không có dây xích giữ chó, dù hậu quả xảy ra nằm ngoài mong muốn của họ.
Theo luật sư Phát, việc nuôi chó cũng là một thú vui cho một số người dân. Nhưng chúng ta cần có những quy định cụ thể hơn nữa những loại chó nào mà người dân được nuôi, chó nào chỉ để cho lực lượng chức năng huấn luyện mới được nuôi.
Hiện nay, trách nhiệm này thuộc về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong việc ban hành thông tư hướng dẫn. Đặc biệt là không nên cho người dân nuôi các loại chó ngoại nhập mà chúng có nguồn gốc là các loại chó săn hoặc hung dữ, hoặc có trọng lượng lớn.
Vì suy cho cùng, bản năng của chúng vẫn còn, việc huấn luyện nếu có cũng chỉ thời gian ngắn, nên không thể nói là đã thuần hóa hoàn toàn để đảm bảo cho việc nuôi giữ không xảy ra như những trường hợp đau lòng vừa qua.
Cần có quy định hạn chế nuôi các giống chó dữ
Luật sư Lê Văn Hoan (Đoàn luật sư TP.HCM) cho rằng theo điều 66 Luật Chăn nuôi năm 2018 quy định khi nuôi chó, chủ vật nuôi phải thực hiện các yêu cầu như thực hiện tiêm vắc xin phòng bệnh dại theo quy định. Đồng thời, chủ nuôi phải có biện pháp bảo đảm an toàn cho người và vật nuôi khác, giữ gìn vệ sinh môi trường, bảo đảm điều kiện vệ sinh thú y.
Trường hợp chó, mèo tấn công, gây thiệt hại thì phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng được quy định trong Bộ luật Dân sự.
Về việc quản lý vật nuôi là chó, phụ lục 15, thông tư 07/2016 (được sửa đổi, bổ sung bởi thông tư 09/2021) của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã quy định rõ chủ chó phải đăng ký việc nuôi chó với UBND cấp xã tại các đô thị, nơi đông dân cư.
Chủ chó phải xích, nhốt hoặc giữ chó trong khuôn viên gia đình; bảo đảm vệ sinh môi trường, không ảnh hưởng xấu tới người xung quanh. Khi đưa chó ra nơi công cộng phải bảo đảm an toàn cho người xung quanh bằng cách đeo rọ mõm cho chó hoặc xích giữ chó và có người dắt. Như vậy, luật có quy định về quản lý vật nuôi là chó, mèo.
Mặc dù hiện nay pháp luật quy định là vậy, nhưng có lẽ pháp luật vẫn chưa theo kịp sự phát triển của xã hội. Việc gia đình, cá nhân nuôi chó, nhưng không phải loại chó nào cũng hiền và mức độ nguy hiểm là khác nhau, tuy nhiên pháp luật chưa có sự phân biệt về tiêu chí liên quan đến mức độ nguy hiểm của các loại vật nuôi, trong đó có chó.
Với tình trạng nguy hiểm của một số loại chó như pitbull thì chúng ta cần có chính sách hạn chế nuôi, hoặc quy định điều kiện cụ thể đối với việc nuôi loại chó này nhằm hạn chế việc gây nguy hại đến con người, tránh tình trạng đáng tiếc có thể xảy ra như trong thời gian vừa qua.
Tại Bình Dương, con chó pitbull cắn chết mẹ ruột của nữ chủ nhà. Con gái nạn nhân chứng kiến sự việc nhưng cũng không thể cứu được mẹ.
Xem thêm: mth.43863355181503202-cahk-iougn-nal-ahn-uhc-ohc-aoh-meih-ud-ohc-ioun/nv.ertiout