Hạn hán chưa từng có ở Tây Ban Nha
Tây Ban Nha đang cạn kiệt nước. Sau một đợt hạn hán kéo dài, quốc gia này lại tiếp tục hứng chịu một đợt nắng nóng đến sớm bất thường khiến lượng nước - được mệnh danh là "vàng xanh" - còn sót lại trong các hồ chứa càng bốc hơi nhiều hơn.
Người Tây Ban Nha có một thành ngữ nổi tiếng là " En Abril, aguas mil" (tạm dịch: Tháng Tư đến sẽ mang theo những cơn mưa) nhưng trong năm nay, điều này không xảy ra.
Tháng 4/2023 được ghi nhận là tháng khô hạn nhất trong lịch sử Tây Ban Nha. Tại một số thành phố như Cordoba, có thời điểm nhiệt độ lên tới 38,7°C hay Seville với 37,8°C.
"Tình hình đặc biệt đáng báo động ở các vùng Catalonia và Andalusia, nơi các hồ chứa nước chỉ còn dưới 25% công suất", Jorge Olcina, Trưởng phòng thí nghiệm khí hậu tại Đại học Alicante, nói với AFP.
Do các quy định liên quan đến nguồn nước, từ cuối tháng 2 vừa qua, người dân ở hai khu vực này không còn được phép tưới vườn hoặc đổ đầy bể bơi. Nông dân cũng được yêu cầu giảm tưới tiêu.
"Và phần còn lại của Tây Ban Nha cũng không thoát khỏi nguy hiểm. Tình trạng dự trữ ngày càng đáng lo ngại ở các vùng Valencia, Murcia, Castile-La Mancha và Extremadura. Nguồn nước sẵn có đã giảm xuống dưới 40%", ông Olcina nói.
Ricardo Ferri, một nông dân đến từ Valencian, cũng đang nhăn nhó vì hạn hán. Đối với Ferri, bài toán học về hạn hán cực kỳ đơn giản: Sau 100 ngày không mưa, ông đã mất 100% mùa màng.
Khu đất rộng 55 ha của ông bị khô hạn nghiêm trọng. Cây lúa mì còi cọc, chỉ lớn bằng 1/4 kích thước vốn có – về cơ bản chúng đã ngừng phát triển kể từ trận mưa cuối cùng vào đầu tháng 2.
"Nhìn đâu cũng thấy toàn là đất khô, không có lấy một giọt nước! Đây là lần đầu tiên tôi mất tất cả vì hạn hán... Tất cả nông dân trồng ngũ cốc ở khu vực này cũng vậy", Ferri nói.
Serge Zaka, một chuyên gia về khí hậu nông nghiệp, mô tả Tây Ban Nha đang ở trong "tình trạng hạn hán nghiêm trọng", gánh chịu hậu quả nặng nề của đợt hạn hán vào mùa hè năm 2022 và tiếp theo là mùa đông khô hạn sau đó. "Đây là điều hoàn toàn chưa từng có".
Ông Ferri nguy cơ mất mùa 100%. Ảnh: Mehdi Chebil
Vườn sau của châu Âu trong tình trạng nguy hiểm?
Tây Ban Nha được mệnh danh là "vườn sau của châu Âu" vì đây là nước xuất khẩu nông sản lớn nhất cho khu vực và nông dân Tây Ban Nha, không có gì ngạc nhiên, nằm trong số những người đầu tiên phải gánh chịu hậu quả của tình trạng hạn hán.
Theo COAG, tổ chức điều phối nông nghiệp-trang trại chăn nuôi và là một trong những hiệp hội nông nghiệp lớn của Tây Ban Nha, 60% ngũ cốc không được tưới tiêu của nước này đã bị "ngạt thở" do thiếu mưa.
"Đây là những loại ngũ cốc được trồng vào mùa thu và thu hoạch vào mùa xuân, giống như lúa mì và lúa mạch", ông Zaka giải thích. "Nhưng vì thiếu nước, sự phát triển của chúng bị gián đoạn trước khi chúng có thể trưởng thành. Và vì vậy sẽ không thể thu hoạch".
Ông cho biết thêm: "Việc trồng cây ô liu, cây hạt dẻ cười và cây hạnh nhân cũng có khả năng giảm. Bởi vì ngay cả khi những loại cây này đã quen với khí hậu khô hạn, chúng cũng đang phải chịu nhiệt độ nóng hơn bình thường".
Việc trì hoãn trồng một số loại cây trồng mang lại cho nông dân một lựa chọn để chống lại hạn hán nhưng nó đi kèm với những rủi ro.
Đối với các loại trái cây và rau củ, đặc biệt những loại được trồng trong các trang trại nhỏ hơn không có nước tưới, nông dân cố gắng hoãn thời gian gieo hạt càng lâu càng tốt chờ điều kiện tốt hơn. Nhưng thời gian càng trôi qua, họ càng đối mặt nguy cơ mất mùa.
Ngoài ra, những cánh đồng trồng trọt được tưới tiêu rộng lớn ở miền nam Tây Ban Nha có thể không bị ảnh hưởng nặng nề nhưng với tình trạng thiếu nước và những hạn chế đã được đưa ra, người nông dân khu vực này cũng sẽ phải giảm lợi nhuận
Tóm lại, chỉ những cây trồng mọc gần bờ biển và được tưới bằng nước từ các nhà máy khử muối mới có thể vượt qua đợt khô hạn này.
Nhiều hồ nước ở Tây Ban Nha cạn kiệt. Ảnh: AFP
'Sa mạc hóa'
Patricio Garcia-Fayos, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Sa mạc hóa ở Valencia, cho biết biến đổi khí hậu cùng với việc khai thác quá mức nguồn nước ngầm đang đẩy nhanh "quá trình sa mạc hóa ở Tây Ban Nha".
"Điều cần thiết là phải chống lại biến đổi khí hậu, đồng thời học cách quản lý nguồn nước tốt hơn. Nếu không, một phần lớn Tây Ban Nha sẽ trở thành sa mạc trong vài năm nữa".
Liên Hợp Quốc đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng khan hiếm nước ngày càng tăng của Tây Ban Nha, ước tính rằng gần 75% lãnh thổ nước này đang trong quá trình sa mạc hóa.
Sa mạc hóa cũng làm tăng nguy cơ cháy rừng, vì thảm thực vật khô là vật liệu dễ bắt lửa lý tưởng. Năm ngoái, Tây Ban Nha hứng chịu số vụ cháy rừng lớn nhất ở châu Âu, ghi nhận hơn 500 vụ, với hơn 300.000 ha bốc cháy, theo Hệ thống thông tin cháy rừng châu Âu .
Năm nay, khoảng 40.000 ha đã bị ngọn lửa thiêu rụi do nhiệt độ cao hơn, đất khô hơn và gió nóng hơn. Cơ quan Khí tượng Quốc gia Tây Ban Nha đã đưa ra cảnh báo về "nguy cơ hỏa hoạn rất cao" đối với một phần lớn đất nước.