Hôm 17/5, Thẩm phán Edward Davila – người xét xử vụ án của Elizabeth Holmes – đã yêu cầu cô đến Cơ quan Trại giam Liên bang Mỹ trước ngày 30/5 để bắt đầu thi hành án. Holmes bị kết án 11 năm tù giam từ tháng 11 năm ngoái, thời gian thi hành từ ngày 27/4.
Vài ngày trước thời hạn này, cô nộp đơn kháng cáo, muốn được tiếp tục tại ngoại để lật lại bản án. Dù vậy, trong phán quyết hôm 16/5, thẩm phán đã bác bỏ yêu cầu này. Một ngày sau, các luật sư của Holmes đề nghị lùi ngày trình diện sang 30/5, với lý do cô cần chuẩn bị về y tế và chăm sóc con nhỏ trước khi bắt đầu thi hành án. Davila đã đồng ý với thời hạn mới này.
Thẩm phán này cũng yêu cầu Holmes và cựu COO Theranos Ramesh "Sunny" Balwani bồi thường 452 triệu USD cho các nạn nhân. Balwani cũng bị kết tội lừa đảo và đã ngồi tù từ tháng trước với bản án gần 13 năm.
Holmes là doanh nhân hiếm hoi tại Thung lũng Silicon bị kết tội lừa đảo. Cô bỏ Đại học Stanford năm 19 tuổi để gây dựng Theranos và từng được coi là Steve Jobs phiên bản nữ nhờ lời hứa hẹn đầy tham vọng về công nghệ xét nghiệm hàng loạt bệnh chỉ bằng vài giọt máu.
Nhà đầu tư, bệnh nhân và cả người hâm mộ đã tin vào câu chuyện này. Theranos huy động được hơn 700 triệu USD từ các nhà đầu tư, qua mặt được cả những người thông minh nhất ở Thung lũng Silicon.
Vụ việc bị đưa ra ánh sáng sau một cuộc điều tra của Wall Street Journal năm 2015. Theo đó, Theranos chỉ thực hiện khoảng 12 trong số hàng trăm xét nghiệm bằng công nghệ mà họ cam kết là độc quyền. Thậm chí, kết quả này còn bị nghi ngờ về độ chính xác. Sau đó, Theranos còn bị phát hiện sử dụng thiết bị của bên thứ ba để làm các xét nghiệm máu truyền thống, thay vì dùng công nghệ của họ.
Theranos từng là startup được định giá tới 9 tỷ USD, giúp Holmes thành nữ tỷ phú tự thân trẻ nhất thế giới năm 2015 với tài sản 4,5 tỷ USD, cả Theranos và Holmes giờ đều không còn gì. Việc xét xử kéo dài nhiều năm. Đến đầu năm 2022, Holmes bị xác định phạm 4 tội danh lừa đảo, đặt dấu chấm hết cho biểu tượng công nghệ một thời.
Hà Thu (theo CNN)