Hà Nội sẽ cần nhân lực về công nghệ
Chiều 18-5, tại khu Công nghiệp Nội Bài (huyện Sóc Sơn, Hà Nội), UBND TP Hà Nội và Liên đoàn Lao động TP Hà Nội đã tổ chức hội nghị gặp gỡ, đối thoại với công nhân lao động Thủ đô năm 2023.
Tại hội nghị, đông đảo công nhân đã đặt câu hỏi, nêu ý kiến, đề nghị về tiếp cận nhà ở, khám chữa bệnh, trường học cho con em... để đảm bảo người lao động yên tâm sinh sống, làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất trên địa bàn TP.
Đại diện công nhân nêu ý kiến, kiến nghị tại hội nghị đối thoại. (Ảnh: Trọng Phú) |
Trả lời người lao động, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh cảm ơn và ghi nhận những góp ý, kiến nghị rất xác đáng của công nhân. Ông cũng thay mặt lãnh đạo TP gửi lời cảm ơn tới sự đóng góp to lớn của đội ngũ công nhân lao động trong việc xây dựng, phát triển Thủ đô, nhất là giai đoạn khó khăn do dịch COVID-19...
Chủ tịch Hà Nội cho biết hướng phát triển của TP là tập trung cho công nghệ cao, vì vậy rất cần nguồn nhân lực về công nghệ để đáp ứng nhu cầu này.
“Thành phố sẽ có những chính sách cụ thể, rõ ràng về phát triển công nghiệp, công nhân, nhân lực chất lượng cao sau khi Luật Thủ đô tới đây được ban hành, Quy hoạch Thủ đô được phê duyệt, Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô được điều chỉnh”, Chủ tịch Hà Nội nói.
Làm rõ có hay không việc lợi dụng thủ tục để hành công nhân
Đặc biệt tại hội nghị, Chủ tịch Hà Nội đã đề cập câu chuyện người dân đứng xếp hàng từ tờ mờ sáng đợi làm thủ tục cấp lý lịch tư pháp và yêu cầu lãnh đạo Sở Tư pháp trao đổi về vấn đề này.
Theo Phó giám đốc Sở Tư pháp Phạm Thị Thanh Hương, thời gian qua, thủ tục đề nghị cấp phiếu lý lịch tư pháp trên địa bàn có sự gia tăng đột biến do rơi vào thời điểm sinh viên ra trường đi làm; do sau dịch Covid-19, các doanh nghiệp khởi động trở lại thu hút đông đảo đội ngũ công nhân lao động tham gia...
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh. (Ảnh: Trọng Phú) |
“Luật Lý lịch tư pháp không quy định thời hạn giá trị phiếu lý lịch tư pháp nhưng qua kiểm tra, có doanh nghiệp yêu cầu người lao động sau 6 tháng làm việc phải có phiếu mới, dù người này vẫn làm việc bình thường tại doanh nghiệp”, bà Hương nói và cho biết, trong thời gian tới sẽ đề xuất cơ quan có thẩm quyền, đề nghị nêu rõ mục đích cần phải có phiếu lý lịch tư pháp để không gây khó khăn cho người lao động.
Trước thông tin trên, Chủ tịch Hà Nội chỉ đạo Sở Tư pháp kiểm tra ngay yêu cầu trên của doanh nghiệp đối với người lao động có đúng luật hay không để có biện pháp xử lý, không để “lợi dụng kẽ hở để hành công nhân”.
“Phải ghi nhận, kiểm tra những trường hợp này báo cáo cho Bộ Tư pháp, báo cáo lại thành phố để xử lý. Trước mắt cần làm gì, dài hạn cần làm gì?. Trong bối cảnh khó khăn như thế này mà lợi dụng kẽ hở để hành công nhân. Vừa tốn kém thời gian, vừa tốn kém tiền bạc; tiền phí lên tới 200 nghìn đồng trong khi lương của công nhân không được bao nhiêu tiền” – Chủ tịch Hà Nội nêu quan điểm.
Giải đáp vấn đề nhà ở cho công nhân tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết trong nhiệm kỳ này TP sẽ khởi công một số dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân theo chương trình 1 triệu căn nhà ở xã hội của Chính phủ. Trong đó, sẽ có các chính sách để người lao động có mức thu nhập bình quân 7 triệu đồng/tháng có thể tiếp cận với nhà ở một cách khả thi.
Về khám chữa bệnh, Chủ tịch Hà Nội khẳng định TP sẽ tổ chức nhiều kênh, nhiều hình thức để công nhân có cơ hội khám chữa bệnh tại bệnh viện công vào những ngày thuận lợi cho công nhân.
Về vấn đề giáo dục cho con em công nhân, Chủ tịch Hà Nội nhấn mạnh cần có lộ trình, phương pháp tiếp cận để công bằng và hài hòa. Ông thông tin trong tháng 7-2023, TP sẽ hoàn thành đề án nghiên cứu định mức đơn giá tối thiểu trong giáo dục và y tế, trước mắt là giáo dục… trong đó sẽ đảm bảo quyền lợi hài hòa cho các em học sinh là con em công nhân…