Gần đây, một số chính trị gia Đức đã nhiều lần kêu gọi các công ty Đức giảm bớt sự phụ thuộc vào Trung Quốc, điều này đã gây ra những cuộc thảo luận sôi nổi trong dư luận Đức về những hậu quả có thể xảy ra của việc "tách rời" Trung Quốc.
"Tách rời" Trung Quốc sẽ khiến GDP của Đức giảm 2%
Tờ Deutsche Welle trích dẫn báo cáo nghiên cứu mới nhất của Viện Nghiên cứu Kinh tế Áo ngày 7/5 cho biết, nếu nền kinh tế Đức thực sự "tách rời" Trung Quốc, điều này sẽ khiến GDP của Đức giảm 2%, tương đương với mức giảm 60 tỷ euro.
Được biết, nghiên cứu do Quỹ Doanh nghiệp Gia đình Munich ủy thác thực hiện trong bối cảnh các cuộc thảo luận về sự phụ thuộc của nền kinh tế Đức vào Trung Quốc và các nước khác.
Ngoài Trung Quốc, nghiên cứu cũng đề cập đến tác động của việc "tách rời" Anh và Mỹ, với GDP của Đức giảm lần lượt là 2% và 3%.
Tờ Der Spiegel trích dẫn nghiên cứu cho biết, ngay cả khi đã thích nghi với việc "tách rời" trong nhiều năm, nền kinh tế Đức vẫn sẽ bị ảnh hưởng và thiệt hại có thể lên tới 0,6%, tương đương khoảng 17 tỷ euro.
Các thành phố có mối liên kết chặt chẽ với thương mại thế giới, chẳng hạn như Wolfsburg - trụ sở của Tập đoàn Volkswagen vốn định hướng xuất khẩu – sẽ chịu ảnh hưởng nhiều hơn bởi việc "tách rời". Sau khi "tách rời", GRDP (tổng sản phẩm trên địa bàn) của Wolfsburg sẽ giảm gần 1/5.
Nghiên cứu viết, việc “tách rời” sẽ gây ra những hậu quả lâu dài đối với nền kinh tế quốc dân của Đức, "vì vậy các chính trị gia phải tiếp cận vấn đề này hết sức thận trọng, ngay cả khi các biện pháp không đủ để tách rời hoàn toàn các quốc gia hoặc khu vực cung ứng riêng lẻ".
Doanh nghiệp Đức không hài lòng
Theo Thời báo Hoàn cầu, trong khi dư luận Đức đang thảo luận sôi nổi về tác động tiêu cực của việc "tách rời" Trung Quốc, cộng đồng doanh nghiệp Đức lại bày tỏ sự không hài lòng với việc một số chính trị gia cản trở sự hợp tác bình thường giữa các công ty Đức với phía Trung Quốc.
Tờ Bild của Đức ngày 7/5 đưa tin, trong một cuộc phỏng vấn với giới truyền thông, Klaus-Michael Kuhn - ông trùm ngành logistic của Đức - đã không hài lòng với Bộ trưởng Kinh tế Robert Habeck, thành viên Đảng Xanh, vì đã cản trở việc mua lại cổ phần Cảng Hamburg của công ty Trung Quốc COSCO Shipping Ports.
Theo quan điểm của ông Kuhn, đây là sự phủ nhận quyết định của Thủ tướng Đức Olaf Scholz vào năm ngoái.
Tháng 10/2022, Nội các Liên bang Đức đã phê duyệt việc COSCO Shipping Ports mua lại 24,9% cổ phần bến cảng container Tollerort thuộc Cảng Hamburg. Theo quan điểm của ông Kuhn, ngay từ đầu Bộ trưởng Habeck đã muốn cản trở thỏa thuận với Trung Quốc; và giờ đây, ông Habeck cuối cùng đã tìm được lý do.
Vào cuối tháng 4, Bộ Kinh tế Đức tuyên bố rằng, Cảng Hamburg đã vi phạm các quy định của Văn phòng An ninh Công nghệ Thông tin Liên bang (BSI) ban hành khi trì hoãn việc báo cáo bến cảng container Tollerort là "cơ sở hạ tầng quan trọng". Điều này có nghĩa là Bộ Kinh tế Đức sẽ thẩm tra lại việc công ty Trung Quốc mua lại bến cảng và việc công bố kết quả thẩm tra sẽ không có thời hạn cụ thể.
Bild đưa tin rằng, Công ty Hậu cần và Cảng Hamburg (HHLA) - nhà điều hành Cảng Hamburg - đã phủ nhận cái gọi là “trì hoãn” trong một cuộc phỏng vấn với tờ báo này, chỉ ra rằng họ đã đăng ký thông tin trước đó theo yêu cầu. Vào thời điểm đó, khi chính phủ liên bang đưa ra quyết định của mình, cả Bộ Kinh tế của ông Harbeck và BSI đều biết tất cả các nội dung chi tiết.
Peter Tschentscher - Thị trưởng thứ Nhất của Hamburg - cũng từng nhấn mạnh rằng, sự hiện diện của COSCO Shipping Ports tại đây là vô cùng quan trọng đối với Cảng Hamburg, bởi vì sẽ có thêm nhiều tàu Trung Quốc ghé vào cảng.
Xem thêm: nhc.563650121915032881-orue-yt-06-tam-es-cud-couq-gnurt-iov-yan-ueid-mal-uen/nv.fefac