Các nhà lập pháp Mỹ đang tranh cãi về việc có tăng trần nợ công, điều quyết định số tiền mà chính phủ Mỹ có thể vay, hay không.
Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen cảnh báo, nếu không thể phá vỡ bế tắc giữa đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ, chính phủ sẽ không đủ tiền mặt để trả nợ, sớm nhất là vào ngày 1/6 tới.
Bế tắc chính trị về việc tăng trần nợ công ngày càng sâu sắc. Nếu không được giải quyết, chính phủ Mỹ có nguy cơ vỡ nợ. Hậu quả sẽ rất lớn và có tác động đối với toàn cầu.
Vì sao trần nợ của Mỹ vẫn chưa được nâng?
Từ năm 1917, Mỹ đã có luật quy định giới hạn tổng số nợ mà chính phủ được phép có. Giới hạn đầu tiên được đặt ở mức 11,5 tỷ USD. Trần nợ không tự động thay đổi để phản ánh các yếu tố như tăng trưởng dân số hoặc lạm phát.
Nợ của chính phủ Mỹ đã tăng lên theo mỗi thời tổng thống kể. từ Herbert Hoover. Trần nợ đã được nâng hơn 100 lần và hiện ở mức 31.400 tỷ USD. Nợ của chính phủ Mỹ đã chạm mức này vào tháng 1/2023, điều đó có nghĩa là chính phủ Mỹ không thể vay thêm tiền một cách hợp pháp.
Trần nợ có thể được nâng lên một lần nữa, nhưng chỉ khi nó được bỏ phiếu thông qua tại Hạ viện.
Hiện đảng Cộng hòa chiếm đa số tại Hạ viện, trong khi Tổng thống lại là thành viên của đảng Dân chủ. Khi đảng của Tổng thống đương nhiệm không chiếm đa số trong Hạ viện, như trường hợp hiện nay, không gì có thể đảm bảo các bên sẽ đạt được thỏa thuận nâng trần nợ.
Đảng Cộng hòa đang tìm cách tận dụng thời hạn chót để gây áp lực buộc Tổng thống Joe Biden phải đồng ý cắt giảm chi tiêu. Ngày 26/4, Hạ viện đã thông qua dự luật tăng giới hạn nợ thêm 1.5000 tỷ USD, nhưng chỉ với điều kiện chi tiêu phải được cắt giảm xuống mức của năm 2022 và sau đó giới hạn ở mức tăng 1% mỗi năm. Tuy nhiên, Thượng viện do đảng Dân chủ chiếm đa số được cho là sẽ không thông qua dự luật này.
Bế tắc chính trị đang đe dọa đẩy tương lai của nền kinh tế Mỹ vào hoàn cảnh khó khăn. Nếu lưỡng đảng Mỹ không thể đạt được một thỏa thuận nhanh chóng, hậu quả sẽ rất lớn.
Ông Biden, Tổng thống đảng Dân chủ, đang kêu gọi các nhà lập pháp tăng giới hạn vay tự áp đặt theo luật định của chính phủ liên bang mà không kèm điều kiện.
Trong khi đó, Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy (đảng Cộng hòa) nói rằng Hạ viện sẽ không thông qua bất kỳ thỏa thuận nào mà không kèm điều kiện cắt giảm chi tiêu để giải quyết thâm hụt ngân sách ngày càng tăng.
Các cuộc tranh cãi về trần nợ trước đây thường kết thúc bằng một thỏa thuận được dàn xếp vội vàng trong những giờ đàm phán cuối cùng để tránh tình trạng vỡ nợ.
Năm 2011, cuộc tranh cãi đã dẫn đến việc Mỹ bị hạ bậc xếp hạng tín dụng. Những người trong cuộc khi đó cảnh báo rằng, tình hình hiện tại còn nguy hiểm hơn vì sự chia rẽ chính trị ngày càng lớn.
Điều gì xảy ra nếu không thể tăng trần nợ?
Chính phủ Mỹ bị thâm hụt, có nghĩa là họ chi nhiều tiền hơn số tiền thu được từ thuế. Điều này có nghĩa là nếu không thể vay thêm tiền, chính phủ sẽ không thể trang trải mọi chi phí.
Số dư tiền mặt của Kho bạc Mỹ vào cuối tháng 4 là 316 tỷ USD. Câu hỏi đặt ra là khi nào số tiền này sẽ hết? Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen cho biết điều đó có thể xảy ra vào tháng 6 tới.
Khi số tiền này cạn kiệt, chính phủ Mỹ sẽ chỉ có thể chi tiêu số tiền mà họ nhận được từ thu thuế. Do đó, họ sẽ không thể đáp ứng tất cả các nghĩa vụ chi tiêu công, chẳng hạn như trả lương cho khu vực công, hoặc trả tất cả các khoản nợ hiện có.
Trái phiếu kho bạc đáo hạn vào tháng 6 có thể không được hoàn trả. Điều này có thể gây ra một cuộc khủng hoảng tài chính, ông Hunter nói.
Hậu quả nếu Mỹ vỡ nợ
Ông Andrew Hunter, chuyên gia kinh tế Mỹ tại Capital Economics, cho biết nếu Mỹ vỡ nợ, chi phí đi vay ở Mỹ sẽ tăng đột biến, từ đó sẽ gây ra sự gia tăng tương ứng về chi phí đi vay trên toàn thế giới.
Nợ của chính phủ Mỹ về cơ bản được coi là tài sản an toàn nhất trong hệ thống tài chính. Nếu Mỹ vỡ nợ, mọi tài sản an toàn bỗng nhiên kém an toàn hơn rất nhiều so với trước đây.
Việc vỡ nợ gần như chắc chắn sẽ đẩy Mỹ vào suy thoái, với tỷ lệ thất nghiệp cao. Các phân tích riêng của Goldman Sachs và Moody's cho rằng, ngay cả trong ngắn hạn, một vụ vỡ nợ sẽ chấm dứt 1/10 hoạt động kinh tế của Mỹ và khiến 2 triệu người mất việc làm.
Các nhà kinh tế của Nhà Trắng ước tính rằng một vụ vỡ nợ sẽ làm mất 8 triệu việc làm và thị trường chứng khoán sẽ lao dốc 45%. Xếp hạng tín dụng của Mỹ rất có thể cũng sẽ bị hạ bậc.
Nền kinh tế toàn cầu cũng sẽ bị ảnh hưởng nếu Mỹ vỡ nợ. 60% dự trữ ngoại tệ của thế giới là bằng USD, và việc vỡ nợ sẽ làm suy yếu nghiêm trọng đồng USD.
Với việc đồng USD suy yếu trong kịch bản Mỹ vỡ nợ, vai trò là nguồn dự trữ của thế giới của nó sẽ bị đe dọa và một loại tiền tệ khác có thể nổi lên thay thế.
Vấn đề nhân tạo
Hiện vẫn chưa rõ các nhà đầu tư sẽ nhìn nhận một vụ vỡ nợ do trần nợ như thế nào, bởi đây là vấn đề hoàn toàn do con người tạo ra.
“Sự khác biệt lớn giữa vỡ nợ do trần nợ ở Mỹ so với vỡ nợ ở Argentina – quốc gia từng vỡ nợ nhiều lần trong lịch sử, về cơ bản là do sự lựa chọn chứ không phải do hoàn cảnh kinh tế.
Không ai cho rằng nước Mỹ không thể tiếp tục trả các khoản nợ của mình, nhưng chính phủ Mỹ bị ràng buộc bởi luật pháp. Theo ông Hunter, trường hợp này tạo ra một loại rủi ro vỡ nợ nhân tạo.
Trước đây, nước Mỹ thậm chí còn tiến gần đến hạn chót hơn. Trở lại năm 2011, thỏa thuận đã được thông qua vào đúng ngày chính phủ hết tiền. Năm 2013, thỏa thuận cũng chỉ đạt được vào thời điểm sát thời hạn chót.
Rủi ro lần này cao hơn. Năm 2011, nợ liên bang là 65,8% GDP của Mỹ, còn hiện nay là 98%. Lãi suất cũng cao hơn nhiều. Cả hai yếu tố này cộng lại có nghĩa là Chính phủ phải đối mặt với chi phí nợ cao hơn nhiều.
“Xét về tính bền vững của tài chính Mỹ, tình hình này thậm chí còn tồi tệ hơn so với 10 năm trước”, ông Hunter nói.
Thời hạn chót để Mỹ nâng trần nợ công?
Thời hạn chót ngày càng đến gần. Hồi tháng 1, khi viết thư cho Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy cảnh báo rằng Mỹ sẽ sớm chạm đến trần nợ, bà Yellen cho rằng, khả năng Mỹ hết tiền mặt sẽ chưa xảy ra vào đầu tháng 6.
Nhưng vào đầu tháng 5, bà nói rằng, thời điểm này có thể sớm nhất là 1/6. Bà lưu ý rằng ngày thực tế “có thể muộn hơn vài tuần so với ước tính”.
Theo The New York Times, nếu Chính phủ có thể tiếp tục cầm cự cho đến giữa tháng 6, khi nhận được các khoản thu thuế hàng quý, thì họ sẽ có thêm một khoảng thời gian ngắn.
Tuy nhiên, trong một lá thư mới gửi cho Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy, bà Yellen nhấn mạnh rằng khoảng thời gian đệm hiện đã được rút ngắn xuống còn “vài ngày hoặc vài tuần”.
Thời hạn đã trở nên cấp bách đến mức Tổng thống Joe Biden đã buộc phải hủy bỏ chuyến công du tới Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương để tham dự hội nghị thượng đỉnh với Australia, Ấn Độ và Nhật Bản, cũng như chuyến thăm tới Papua New Guinea. Ông sẽ quay về Mỹ ngày 21/5 sau khi hết thúc hội nghị G7 để tham gia các cuộc đối thoại với lãnh đạo quốc hội vào ngày 23/5 nhằm đảm bảo Điện Capitol kịp thời có hành động trước khi đến hạn buộc chính phủ đóng cửa.
Xem thêm: nhc.888828170025032881-gnoc-on-nart-gnan-nauht-aoht-coud-tad-gnohk-ym-uen-ar-yax-es-ig-ueid/nv.fefac