Là kỳ họp giữa năm, kỳ họp thứ 5 của Quốc hội có vẻ cũng phải là ngoại lệ...
Tại kỳ họp thứ 5, dự kiến Quốc hội sẽ xem xét thông qua 8 dự án luật, 3 dự thảo nghị quyết và cho ý kiến 9 dự án luật khác. Khối lượng công việc đồ sộ này chắc chắn sẽ chiếm phần lớn thời gian và công sức của Quốc hội.
Tuy nhiên, trong tình hình nền kinh tế - xã hội của đất nước đang đối mặt với rất nhiều khó khăn như hiện nay, một sự lệch trọng tâm nhất định không khéo lại là cần thiết. Tình hình kinh tế - xã hội khó khăn được phản ánh rất rõ trong các số liệu thống kê của quý 1-2023. Kinh tế tăng trưởng chậm, chỉ đạt 3,32%.
Số lượng các doanh nghiệp giải thể hoặc tạm ngừng hoạt động lớn hơn rất nhiều so với số lượng doanh nghiệp thành lập mới. Ngoài ra, tình trạng giải ngân đầu tư công chậm; tình trạng thiếu hụt thuốc và vật tư, thiết bị y tế; tình trạng dịch vụ đăng kiểm bị ách tắc… cũng đang tác động tiêu cực lên tốc độ phát triển của nền kinh tế, cũng như lên đời sống của người dân.
Trong bối cảnh như vậy, đạt mục tiêu tăng trưởng 6,5% trong năm nay sẽ rất khó khăn, nếu Quốc hội không có những phản ứng chính sách kịp thời.
Là thiết chế đại diện, có lẽ Quốc hội cảm nhận những vấn đề nóng bỏng của dân, của đất nước tốt hơn bất kỳ cơ quan nào khác. Những ý nguyện, những nỗi niềm mà người dân bày tỏ tại các cuộc tiếp xúc cử tri tin chắc là sẽ đến với diễn đàn Quốc hội. Quan trọng là kỳ họp phải sắp xếp chương trình và bố trí thời gian để cho các vị đại biểu có thể thực hiện hiệu quả chức năng đại diện của mình.
Ví dụ, tình hình các doanh nghiệp đang đối mặt với rất nhiều khó khăn thì 15 vị đại biểu Quốc hội là doanh nhân cần phải được lắng nghe, và các giải pháp mà họ đề xuất cần phải được thảo luận, xem xét. Cũng tương tự là các vị đại biểu đại diện cho ngành y tế phải nói lên được mong muốn và nỗi lòng của đội ngũ y bác sĩ.
Tình hình kinh tế - xã hội có nhiều khó khăn do nhiều nguyên nhân. Có nguyên nhân khách quan như kinh tế thế giới suy giảm; như sự bất ổn của địa chính trị kéo dài… Có nguyên nhân chủ quan như sự thụ động, sự né tránh trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức; như lòng tin của đội ngũ doanh nhân bị suy giảm...
Còn có nguyên nhân nào nữa không? Chắc chỉ có những cuộc thảo luận có chất lượng tại nghị trường mới có thể chỉ rõ được điều này. Không làm rõ được tất cả các nguyên nhân thì khó có thể đề ra các phản ứng chính sách phù hợp.
Quả thực có những nguyên nhân nằm ngoài khả năng xử lý của chúng ta, tuy nhiên cũng có những nguyên nhân không xử lý được là do chúng ta chưa có những phản ứng chính sách phù hợp. Ví dụ để khắc phục tình trạng né tránh trách nhiệm, thúc đẩy tinh thần đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm thì kết luận 14 của Bộ Chính trị cần phải được Quốc hội
nhanh chóng thể chế hóa. Đây có lẽ cũng là một trong những vấn đề cần được kỳ họp thứ 5 của Quốc hội quan tâm xem xét. Khi xem xét nhanh chóng, kịp thời những vấn đề của nhân dân sẽ thể hiện năng lực phản ứng chính sách của thể chế, của Quốc hội vốn đại diện của dân.
Dự kiến tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội sẽ thực hiện quy trình bầu bổ sung ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách và phê chuẩn miễn nhiệm, bổ nhiệm bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Xem thêm: mth.23492528002503202-hcas-hnihc-gnu-nahp-cul-gnan-av-ehc-eht/nv.ertiout