Trong căn nhà đơn sơ nằm ở cuối thôn Hà Tiên, xã Thái Dương, huyện Bình Giang, Hải Dương, Thu lặng lẽ đặt 5 tấm huy chương gồm 3 huy chương vàng, 2 huy chương đồng lên ban thờ để báo công cho bố mẹ và anh trai. Căn bệnh hiểm nghèo đã lần lượt cướp đi ba người thân ruột thịt của cô gái 21 tuổi.
10 năm xa nhà, 3 lần nhận tin sốc
Vận động viên Phạm Thị Thu sinh ra trong gia đình thuần nông. Từ nhỏ, Thu đã thể hiện năng khiếu bơi lội khi vui đùa trên sông Cửu An gần nhà. Có lần Thu suýt chết đuối, bị bố mẹ cấm bơi nhưng tình yêu với con nước khiến cô không từ bỏ đam mê.
Nhờ tình yêu với môn bơi lội, năm 2012, Thu lọt vào "mắt xanh" của thầy cô ở Trung tâm đào tạo, huấn luyện và thi đấu thể thao Hải Dương.
"Lúc biết tin mình được tuyển chọn lên tỉnh, chỉ có bố là ủng hộ, còn mẹ thì phản đối kịch liệt vì lo con gái nhỏ tuổi, sống xa nhà sẽ vất vả. Mãi sau nhờ bố, nhờ các thầy động viên mẹ mới đồng ý", Thu chia sẻ.
Chuyển đến Trung tâm đào tạo, huấn luyện và thi đấu thể thao tỉnh Hải Dương cách nhà hơn 30km, cô bé 10 tuổi khi đó mỗi tuần chỉ được về thăm gia đình một lần. Thu chia sẻ khoảng thời gian đầu đi tập cô rất nhớ nhà, có lúc muốn từ bỏ thì may có thầy động viên "cố gắng để sau này báo hiếu bố mẹ".
Một năm sau đó, Thu giành tấm huy chương đầu tiên. Thầy cô trong ban huấn luyện viên nhận thấy Thu có khả năng với môn lặn nên hướng cho chuyển sang môn lặn.
Đang lúc sự nghiệp bắt đầu phát triển, năm 2016, mẹ Thu không may qua đời vì bạo bệnh. Cú sốc ấy khiến cô gái trẻ gần như đổ gục.
"Từ nhỏ mình đã sống xa bố mẹ nên rất ít có thời gian tâm sự nhiều. Thời điểm mẹ bị bệnh, bố và anh ở nhà cũng giấu không cho mình biết vì sợ mình suy nghĩ, ảnh hưởng đến tập luyện. Lúc mẹ gần mất, mình vẫn đang tập luyện. Giữa giờ, huấn luyện viên báo tin, mình xin về ngay.
Mình vừa về đến bệnh viện cũng là lúc mọi người rút ống thở của mẹ", Thu nghẹn ngào nói.
Sau biến cố đầu đời, cô gái trẻ có lúc muốn bỏ cuộc về quê sống với bố. Cô kể mỗi lần về nhà nhìn thấy bố lủi thủi một mình, nước mắt cô lại chảy dài.
"Khi mẹ mất, anh trai đi bộ đội nên chỉ còn bố ở nhà một mình. Mỗi lần về nhìn thấy bố như vậy mình lại nghĩ hay bỏ lặn về quê ở với bố", Thu tâm sự.
Rất may thời điểm cô gái vàng môn lặn suy sụp, bố và thầy cô tại trung tâm huấn luyện luôn ở bên động viên để cô vượt qua, tiếp tục tập luyện và có thành công như hôm nay.
10 năm xa nhà dài đằng đẵng chưa một lần bố mẹ và anh trai có dịp đến cổ vũ Thu thi đấu thì lần lượt họ rời bỏ cô, giờ đây niềm vui hay nỗi buồn Thu chỉ có thể báo tin vui cho gia đình qua di ảnh trên ban thờ.
"Cho đến hiện tại, mình chưa bao giờ nghĩ biến cố lại có thể đến với mình ba lần như vậy. Mình còn chưa kịp làm gì để báo hiếu bố mẹ hay giúp đỡ gia đình. Ngay cả khi giành những phần thưởng ở các giải thi đấu, mình gửi biếu bố mẹ chút tiền nhưng bố mẹ nhất quyết không nhận", Thu tự trách bản thân.
Nghịch cảnh thôi thúc "ý chí vàng"
Để giành hàng loạt huy chương trong SEA Games 32, Phạm Thị Thu và đồng đội dành cả năm trời luyện tập và ba tháng cao điểm ghép đội nam nữ lặn lần đầu tổ chức.
Sau SEA Games 32, đây là lần đầu tiên Phạm Thị Thu được ở nhà quá hai ngày. Là vận động viên, Thu thường xuyên phải luyện tập và thi đấu xa nhà, thậm chí nhiều năm trời cô phải vắng mặt trong ngày giỗ của mẹ.
Hồi tưởng những ngày tháng tập luyện giữa nắng hè, Thu chỉ biết cau mày vì sợ mất sức, sợ say nắng. Thu cho hay để dự thi các cự ly 800m, 1.500m, các vận động viên lặn phải tập trên đường đua 5.000m.
"Giờ mỗi lần nhìn thấy nước là mình thấy sợ, nghĩ đến lặn mệt nhoài", Thu vui vẻ nói.
Là bạn thân cũng là đồng đội của Thu ở đội tuyển quốc gia, Phạm Thị Kim Thương (22 tuổi, vận động viên lặn) chia sẻ Thu là người có nghị lực, ý chí, tài năng. Cả Thu và Thương đều thừa nhận mỗi vận động viên đều rất sợ gặp phải chấn thương.
"Chấn thương mà vận động viên lặn hay gặp phải là chấn thương lưng, cổ chân… Quá trình tập luyện, chân vịt cao su cọ vào chân khiến ai cũng bị xước chân. Cứ chảy máu lại băng bó vết thương, lâu dần hai bàn chân chai sạn lại thì bớt đau. Lặn là môn duy trì sức bền, nếu nghỉ thì phải quay lại từ đầu. Nhiều người không theo được phải nghỉ giữa chừng", Thương bộc bạch.
Chỉ vào làn da ngăm đen, Thu tâm sự con gái ai cũng muốn xinh đẹp nhưng cái nắng rát da rát thịt của mùa hè khi tập luyện trên bể bơi khiến cô phải "chống cháy" bằng cách bôi kem chống nắng. Song thành tích, ước mơ phá các kỷ lục thi đấu thôi thúc cô cố gắng hơn.
Như các vận động viên khác, Phạm Thị Thu nhận được khoản lương khiêm tốn gần 4 triệu đồng, chưa bao gồm các khoản thưởng theo thành tích.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Phạm Xuân Hội - chủ tịch UBND xã Thái Dương, Bình Giang, Hải Dương - đánh giá Phạm Thị Thu là tấm gương thanh niên điển hình xuất sắc trong xã dù hoàn cảnh gia đình éo le.
Để kịp thời động viên, thứ bảy tuần tới, xã sẽ tổ chức lễ vinh danh Phạm Thị Thu và các vận động viên, học sinh giỏi xuất sắc trên địa bàn. Qua lễ đó, đại diện huyện Bình Giang và các ban ngành sẽ có trao thưởng cho nữ vận động viên lặn. "Với hoàn cảnh của Thu, xã luôn quan tâm, động viên cháu vượt qua khó khăn", ông Hội nói.
Trong SEA Games 32, Phạm Thị Thu giành 3 huy chương vàng ở các nội dung 4x100m tiếp sức vòi hơi chân vịt nữ (phá kỷ lục SEA Games với thành tích 2 phút 43 giây 56), 4x50m tiếp sức hỗn hợp nam nữ vòi hơi chân vịt và 4x200m tiếp sức nữ. Tại SEA Games 31 trước đó được tổ chức ở Việt Nam, Thu giành 2 huy chương vàng và phá 2 kỷ lục quốc gia. Bên cạnh thành tích tại các kỳ SEA Games, Thu cũng giành nhiều huy chương vàng tại Giải lặn vô địch trẻ châu Á, Giải lặn vô địch toàn quốc...
Trong ngày thi đấu cuối cùng 16-5, đoàn thể thao Việt Nam đã giành thêm 12 huy chương vàng để kết thúc SEA Games 32 với tổng cộng 136 huy chương vàng.