Tại phiên họp đại hội cổ đông thường niên năm 2023 của Hoàng Anh Gia Lai (mã chứng khoán: HAG) mới đây, cổ đông đã chất vấn ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) - Chủ tịch HĐQT công ty - về việc liệu 1.000ha sầu riêng sắp tới có gì lo ngại không. Cổ đông đặt vấn đề này khi nhà nhà đổ xô trồng sầu riêng, chưa kể Trung Quốc cũng thông tin đang bắt đầu trồng với diện tích rất lớn.
Trả lời cổ đông, bầu Đức cho biết, thực tế, Trung Quốc trồng sầu riêng không được vì khí hậu lạnh. Còn tại Việt Nam, khu vực từ đèo Hải Vân trở ra là không trồng được loại này, chỉ có miền Tây, Tây Nguyên, Trung Bộ mới trồng được. Chưa kể, nếu Trung Quốc trồng được thì cũng đi sau.
Sầu riêng là loại cây lâu năm, thời gian trung bình từ lúc bắt đầu trồng đến khi cho trái bói là 4-5 năm. Hoàng Anh Gia Lai trồng từ năm 2018, đã đi trước 5 năm và dự kiến năm 2024 mới chính thức thu hoạch.
Hoàng Anh Gia Lai do đó khẳng định không ngại gì, vì sầu riêng còn là hàng cấp đông được, doanh nghiệp có thể vừa xuất tươi đi Trung Quốc vừa bảo quản 6 tháng đến 1 năm để xuất đi châu Âu, Mỹ. Quan trọng nhất là giá vốn.
Bầu Đức cho biết, giá vốn của người nông dân chưa đến 10.000 đồng/kg, thậm chí giá với số lượng lớn chỉ 5.000 đồng/kg. Do đó, nông dân "than" giá sầu riêng rớt quá, lỗ… nhưng thực ra bán giá 50.000 đồng/kg là đã có lãi rồi. "Sầu riêng bán giá nào cũng được, giá 20.000 đồng/kg cũng được nữa, nhưng Việt Nam chưa bao giờ có giá này", ông nói.
Tính đến nay, công ty bầu Đức đang trồng khoảng 1.000ha sầu riêng, gồm 200ha tại Việt Nam và gần 800ha tại Lào, với hai giống chủ lực là sầu riêng Monthong (Thái Lan) và Musaking (Malaysia). Cũng như chuối, sầu riêng được trồng kiểu cuốn chiếu. Nhờ lợi thế về đất đai, vùng đất trồng ở trên cao, cho nên sầu riêng của công ty trái vụ tự nhiên, hương vị cũng thơm ngon hơn.
Trong đó, sầu riêng trong nước được thu hoạch vào tháng 7 còn sầu riêng của công ty được trồng ở Gia Lai là trên độ cao 600m, ở Lào là độ cao 900m nên tháng 10 mới thu hoạch. Với năng suất ước vào khoảng 30-40 tấn/ha, sầu riêng, theo kỳ vọng của bầu Đức sẽ mang về khoản lợi nhuận lớn cho công ty ngang ngửa heo và chuối.
Về nhu cầu, năm 2022, sản lượng sầu riêng tiêu thụ tại Trung Quốc chủ yếu nhập khẩu từ nước ngoài. Trung Quốc hiện đứng thứ 3 thế giới về tiêu thụ sầu riêng, với 19% tổng sản lượng tiêu thụ sầu riêng mỗi năm sau Indonesia (40%) và Malaysia (24%).
Tại Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng năm qua đạt gần 400 triệu USD, riêng xuất sang Trung Quốc ước đạt 300 triệu USD. Mới đây, Trung Quốc đã ký nghị định thư cho phép xuất khẩu sầu riêng chính ngạch qua nước này. Điều này mở ra cơ hội lớn cho trái sầu riêng Việt Nam và người trồng nói chung.