Đại gia Đường "bia" hé lộ về số tiền, vàng để làm khách sạn dát vàng giữa Hà Nội
Sau thông tin khách sạn dát vàng cạnh hồ Giảng Võ (Đống Đa, Hà Nội) được rao bán hàng trăm triệu USD, phóng viên Dân trí có cuộc trò chuyện với ông Nguyễn Hữu Đường - Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Hòa Bình. Ông Đường thường được gọi là Đường "bia".
Suốt buổi trò chuyện, đại gia Đường "bia" chia sẻ về quá trình làm kinh tế sau khi đi lính về, hay những thứ ông làm được khi người khác nghĩ không thể và cả những dự định còn dang dở đang chạy đua với tuổi già của ông.
Làm cái gì phải hơn mọi người
Nhiều công trình xây dựng do ông đầu tư đang được dát vàng, đây là sở thích hay là chỉ là chiêu để làm marketing?
- Đây không phải là sở thích, cũng không phải cách làm marketing. Tôi chỉ nghĩ nếu như giờ làm khách sạn dát vàng thì Việt Nam mình đi sau, vì thế giới người ta có cách đây mấy trăm năm rồi.
Năm 2005, khi sang Mỹ và ở khách sạn tại New York, tôi thấy các thiết bị trong nhà vệ sinh đều được mạ vàng và được làm từ năm 1903 rồi. Khi về nước, tôi đã mời một số chuyên gia về hưu của Đức của Nhật của Pháp đến làm cho tôi. Tôi nghĩ rằng, làm một cái khách sạn phải có cái gì đó độc đáo, cái gì người ta chưa làm được mới có giá trị. Chính vì thế, khách sạn của tôi là một sản phẩm phải độc đáo, phải hơn mọi người và tuổi thọ của nó phải hàng nghìn năm. Khách sạn này phải chống được động đất đến cấp 9, toàn bộ phủ vàng và nó có thể tồn tại hàng nghìn năm về chất lượng, kết cấu.
Vậy chi phí đầu tư vào khách sạn này hiện tại là bao nhiêu?
- Chi phí đầu tư cho khách sạn này mất khoảng hơn 100 triệu USD. Tôi cho rằng, chi phí này cũng rất rẻ, bởi vì khách sạn có 360 cái bồn tắm và một cái bồn tắm như này ở Nhật, người ta đã phải mua với giá 1 triệu USD.
Số vàng đầu tư vào đây ra sao?
- Khối lượng vàng ở đây thì tôi chưa tổng kết, nhưng mà nó không phải nhiều, vì tổng chi phí 100 triệu USD. Nhưng để tạo ra một cái khách sạn mà thế giới không ai làm được thì đấy là một cái thông minh của người Việt Nam.
Để tạo ra được khách sạn này, tôi cũng phải sang Dubai, Ả-rập Xê-út và nhiều nước khác để tìm tòi, xem xét. Thậm chí tổ chức cả một đoàn để cho các chuyên gia trưởng các bộ phận xây dựng của tôi đi tham quan.
Làm khách sạn dát vàng là ý tưởng ban đầu của ông?
- Khi tôi làm tòa nhà ở đường Hoàng Quốc Việt, lúc đấy tôi quảng cáo là có cửa thang máy dát vàng. Khi đi mua thang máy, thì Mitsubishi và các hãng thang máy của Nhật nói không có thang máy mạ vàng. Trót quảng cáo rồi, tôi phải thuê làm một cái phân xưởng để mạ vàng và kiếm một ông chuyên gia để mạ vàng.
Và khi làm sản phẩm này thì tôi nghĩ mình phải có một cái sản phẩm gì đó độc đáo mà thế giới chưa có, làm được điều này mình mới thu hút được du lịch. Từ đó, người ta mới muốn ở 1 khách sạn mà trên thế giới chưa có. Cho nên tôi quyết định phải tập trung những chuyên gia hàng đầu thế giới để nghiên cứu và làm ra những cái khách sạn này.
Vậy sau thông tin ông muốn bán khách sạn dát vàng này thì hiện tại đã có bên nào đặt vấn đề mua?
- Đáng nhẽ tôi không bán khách sạn này, vì đây là một sản phẩm độc đáo. Tôi cũng muốn giữ lại, thế nhưng khó khăn từ dịch Covid-19 khiến một công ty không thể tồn tại đến 3 năm mà không có việc. Khách sạn này cũng phải đóng cửa hơn 2 năm và năm nay thì bắt đầu mới có khách.
Còn các doanh nghiệp của chúng tôi đều vì dịch Covid-19 đang gặp khó khăn. Tôi nghĩ Covid-19 có thể gây thiệt hại gấp 10 lần động đất, sóng thần. Nó làm kiệt quệ cả thế giới chứ không phải là chỉ có 1 nước.
Chính vì thế, hiện nay có một con đường để cho các doanh nghiệp tồn tại và kéo dài tăng trưởng kinh tế là chỉ có làm nhà xã hội. Điều này sẽ làm người lao động và khoảng 40 ngành nghề trong lĩnh vực cung cấp liên quan có việc theo.
Trước đây thì tôi đòi 500 triệu USD. Thế nhưng, sau Covid-19, tôi giảm xuống 250 triệu USD thì cũng có nhiều người hỏi mua. Hiện nay đã có người trả đến 260 triệu USD rồi, nhưng tôi đang chờ ông chủ tịch công ty đấu giá của Pháp tới xem và đưa ra vào đấu khách sạn này.
Làm bất động sản có dễ kiếm tiền?
Nhiều người cho rằng đầu tư bất động sản là ngành kiếm được nhiều tiền và tạo ra nhiều đại gia ở Việt Nam. Ông thấy làm bất động sản có dễ giàu?
- Đầu tư vào một nhà máy thì mỗi năm lợi nhuận 20-30% và có thể đến 50% là lợi nhuận tối đa. Bây giờ toàn thế giới là thị trường phẳng, sản xuất không có gì là lợi nhuận cả, vì ai cũng có thể làm được.
Nhưng đầu tư vào bất động sản ở Việt Nam những năm đầu tiên thì có thể kiếm lợi nhuận lớn. Ví dụ, tôi đầu tư vào tòa nhà ở Hoàng Quốc Việt lúc đấy mất 28 triệu USD nhưng khoảng 2 năm sau thì bán được gấp đôi. Còn làm nhà máy để thu hồi vốn thì ít nhất 7 năm đến 10 năm, thì đây chỉ mất 2 năm. Bởi lúc đấy bất động sản khan hiếm.
Sau này tôi làm tòa nhà trên đường Bưởi thì được giá trị gấp 3 chứ không phải gấp đôi nữa, vì ở đấy là đất của tôi. Tôi mua đất để làm nhà máy bia nhưng giờ tôi di chuyển nhà máy bia sang địa điểm khác. Tôi đầu tư bất động sản khi mà nhu cầu đô thị tập trung về Hà Nội rất đông, nên bất động sản bán rất tốt.
Thế nhưng đến năm 2012 thì bất động sản bị đóng băng. Lúc đó, lãi suất và lạm phát ở Việt Nam cao quá. Năm 2008 thì lạm phát 20% và lãi suất 12%/năm và đến năm 2011 thì lạm phát gần 30% và lãi suất gần 20%/năm. Lãi suất cao, người vay không thể vay được tiền của ngân hàng để mua nhà. Chính vì thế, nhà làm ra phải giảm giá và nhà làm ra cũng tương đối nhiều không bán được.
Tôi cho rằng, bất động sản là một "con dao hai lưỡi". Tôi có đọc được câu chuyện ở Nhật Bản sau trận động đất năm 1995, nước này suy thoái kinh tế thì một ông tỷ phú bất động sản của Nhật chỉ sau 2 năm là phá sản. Ở Thái Lan, sau khủng hoảng kinh tế 1997, nhiều ông chủ bất động sản cũng phải nhảy lầu vì xây dựng quá nhiều nhưng không bán được. Đó là những bài học mình cần rút ra.
Vậy ông thấy với mình thì lĩnh vực nào thành công nhất? Dự định sắp tới ông có muốn đầu tư tập trung vào lĩnh vực nào?
- Mỗi lĩnh vực tôi làm đều có những đỉnh cao. Nhưng khi lên đỉnh nó xuống thì bắt đầu mình dừng lại.
Đầu tiên phải kể đến là bia. Đây là lĩnh vực thành công nhất. Đến khi làm malt (hạt ngũ cốc được nảy mầm làm bia), chỉ 3 năm là thu hồi vốn. Tôi sản xuất malt ra cho các nhà máy bia thì cả Đông Nam Á. Sau này là trong xây dựng văn phòng, khách sạn tôi cũng đều đạt được thành công.
Theo kinh nghiệm tích lũy của tôi, bây giờ phải có một hệ thống thương mại mà người Việt làm chủ. Tôi đang đưa ra một đề án từ năm 2015 là xây dựng hệ thống trung tâm thương mại miễn phí mặt bằng ở Hà Nội, TPHCM và các tỉnh. Từ đó đến nay, đề án này vẫn vấp phải sự chống đối của các doanh nghiệp ngoại nhóm lợi ích, dẫn tới chưa thực hiện được.
Đề án trên liệu có không sát thực tế?
- Kinh nghiệm của tôi là trong năm 2014 và 2015, tôi cho 10 người của công ty sang bên Nhật để họp hội đồng thành viên. Cả 10 người đi trong vòng 10 ngày, họ đều ra khỏi khách sạn để mua sắm. Họ không thăm thú gì cả vì người ta nói ở Nhật cái gì cũng rẻ hơn ở Việt Nam, mà đồ tốt thật.
Chính vì thế, 61% là lượng người Việt Nam đi tour ra nước ngoài trong dịp 30/4-1/5 này là chủ yếu là đi mua sắm. Hay, ở Thái Lan hàng hóa rẻ hơn Việt Nam nhiều và quan trọng là hàng của người ta không phải hàng lởm hàng giả. Đấy là những cái mà người du lịch họ chọn tới.
Trong trung tâm thương mại mà ông đang muốn xây dựng, ngoài việc miễn phí mặt bằng thì ông còn muốn hướng tới việc gì cho cộng đồng doanh nghiệp Việt?
- Việc xây dựng trung tâm thương mại này của tôi sẽ có 7 trung tâm đơn vị hỗ trợ và 1 viện nghiên cứu. Ví dụ như là trung tâm thông tin trong nước và ngoài nước. Ở đây tôi có một đội ngũ các nhân viên thông thạo tiếng Anh, tiếng Trung, tiếng Nhật… để theo dõi toàn bộ các bản tin thời sự trên thế giới. Qua đó phân tích, ngày nay có cái gì thừa cái gì thiếu để tổng hợp lại để phân tích, đánh giá, nhận định và triển khai.
Tôi không quan tâm người ta gọi mình là gì
Mọi người hay ông là đại gia Đường "bia", ông có thấy mình thật sự là đại gia?
- Thời bao cấp thì mọi người bảo tôi là người giàu nhất Hà Nội, nhưng thực tế không phải là người giàu nhất, tôi chỉ là người chịu chơi nhất Hà Nội. Lúc đó, một mình tôi có 5 cái xe máy và là người mua ô tô đầu tiên ở Hà Nội.
Tôi cũng không quan tâm đến người ta gọi tôi là gì. Từ năm 1982 cho đến bây giờ thì người ta gọi tôi là "vua bia". Vì ở Hà Nội, tôi là người phân phối tất cả bia.
Ông có ý định phát triển công ty của mình trong thời gian tới như thế nào?
- Thực tế, tôi cố gắng xây dựng công ty cho nó phát triển và bản thân tôi hiện tại cũng không muốn làm nhiều. Vì anh làm càng nhiều anh không quản lý được thì anh sẽ dễ bị phá sản, cho nên tôi cũng định hướng cho các con của tôi là làm trong cái sức của mình.
Xin cảm ơn ông!
Nội dung: Trần Kháng
Ảnh: Mạnh Quân - Trần Kháng
30/04/2023