Chốt phiên cuối tuần 19/5, giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao tháng 6 giảm 0,31 USD, hay 0,43%, xuống 71,55 USD/thùng. Giá dầu Brent giao cùng kỳ hạn giảm 0,28 USD, hay 0,37%, xuống 75,58 USD/thùng.
Trước đó, giá dầu giảm khoảng 1% trong phiên 18/5 sau khi số liệu kinh tế Mỹ vừa công bố khiến đồng USD đạt mức cao nhất trong hai tháng, do thị trường kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) có thể tăng lãi suất trở lại vào tháng 6/2023. Giá dầu Brent giao kỳ hạn giảm 1,1 USD (1,4%) xuống 75,86 USD/thùng. Giá dầu WTI cũng giảm 97 xu Mỹ (1,3%) xuống 71,86 USD/thùng.
Giá dầu kỳ hạn tăng trong phiên 17/5, nhờ sự lạc quan về các cuộc đàm phán trong vấn đề nâng trần nợ công tại Mỹ. Giá dầu WTI giao tháng 6/2023 tăng 1,97 USD, hay 2,78%, lên chốt phiên ở mức 72,83 USD/thùng tại New York. Giá dầu Brent giao tháng 7 tăng 2,05 USD, hay 2,74%, lên 76,96 USD/thùng tại London.
Còn trong phiên giao dịch 16/5, giá dầu thế giới giao kỳ hạn giảm do số liệu kinh tế của Trung Quốc và Mỹ yếu hơn dự kiến lấn át dự báo nhu cầu toàn cầu tăng từ Cơ quan Năng lượng Quốc tế. Giá dầu Brent giao kỳ hạn giảm 32 xu Mỹ xuống 74,91 USD/thùng. Giá dầu WTI cũng giảm 25 xu Mỹ xuống 70,86 USD/thùng.
Trước đó, giá dầu thế giới tăng 1 USD/thùng trong phiên 15/5 sau ba phiên giảm giá liên tiếp, nhờ triển vọng nguồn cung thắt chặt tại Canada và các nước khác, dù cho những lo ngại về suy thoái vẫn gây sức ép lên thị trường. Khép phiên này, giá dầu Brent tăng 1,06 USD (1,4%) lên 75,23 USD/thùng, giá dầu WTI tăng 1,07 USD (1,5%) lên 71,11 USD/thùng.
Trong cả tuần, cả hai loại dầu cùng tăng 2%.
Các nhà giao dịch đang theo dõi các cuộc đàm phán về trần nợ tại Quốc hội Mỹ để xem liệu bế tắc có được giải quyết cũng như khả năng FED có tiếp tục tăng lãi suất hay không.
Nhà phân tích thị trường Han Tan tại công ty quản lý tài sản Exinity Group cho rằng giá dầu tăng trong tuần qua nhờ sự lạc quan về việc Mỹ sẽ tránh được nguy cơ vỡ nợ. Giá dầu WTI tăng tuần đầu tiên kể từ giữa tháng 4, nhưng còn nhiều trở ngại để có thể quay về mức 80 USD/thùng. Đà tăng của giá dầu có thể bị hạn chế cho đến khi các thị trường không còn lo ngại về nguy cơ suy thoái, đặc biệt là khi kinh tế Trung Quốc có thể cho thấy dấu hiệu về sự phục hồi mạnh hơn.
Trong khi đó, Chủ tịch chi nhánh FED tại Dallas, Lorie Logan, lo ngại liệu lạm phát có đang giảm đủ nhanh và số liệu kinh tế không ủng hộ việc dừng tăng lãi suất.
Chủ tịch FED, Jerome Powell cho biết số liệu kinh tế tiếp tục ủng hộ quan điểm của Fed là cần thời gian để hạ nhiệt lạm phát. Ông cũng xác nhận việc Fed chưa quyết định về hành động trong tháng 6.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.73430126012503202-maig-naut-ueihn-uas-ial-ort-gnat-auq-naut-ioig-eht-uad-aig/et-hnik/nv.vtv