Bế tắc trên diễn ra khi cột mốc ngày 1-6 đến gần. Bộ Tài chính Mỹ cảnh báo chính phủ liên bang mất khả năng thanh toán mọi khoản nợ lúc đó, đe dọa dẫn đến tình trạng vỡ nợ gây hậu quả nghiêm trọng.
Cuộc khủng hoảng trần nợ công đã phủ bóng lên chuyến đi của Tổng thống Mỹ Joe Biden đến Nhật Bản dự Hội nghị Thượng đỉnh nhóm 7 nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7).
Phát biểu bên lề hội nghị ở TP Hiroshima ngày 20-5, ông Biden vẫn tự tin cho rằng nền kinh tế hàng đầu thế giới này có thể tránh được kịch bản vỡ nợ ngay cả khi Nhà Trắng thừa nhận rằng còn có những bất đồng nghiêm trọng với Đảng Cộng hòa đang kiểm soát Hạ viện.
Tổng thống Mỹ Joe Biden tại TP Hiroshima - Nhật Bản ngày 20-5 Ảnh: The New York Times
Theo Reuters, bất đồng được nói đến nhiều là Đảng Cộng hòa gắn liền chuyện tăng giới hạn vay của chính phủ liên bang với cắt giảm chi tiêu mạnh mẽ trong khi Đảng Dân chủ (đang nắm Thượng viện) phản đối đòi hỏi này.
Cụ thể, Đảng Cộng hòa muốn cắt giảm 8% chi tiêu của chính phủ vào năm tới. Trong khi đó, Đảng Dân chủ muốn duy trì như mức trong năm nay để không phải cắt giảm ngân sách một số chương trình đối nội, như giáo dục và thực thi pháp luật.
Trước khi lên đường đến Nhật Bản, ông Biden và một số lãnh đạo Quốc hội Mỹ có cuộc gặp hôm 16-5 để bàn về giải pháp cho cuộc khủng hoảng nhưng không đạt được kết quả đột phá nào. Sau cuộc gặp ngày 19-5, Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy nói với giới truyền thông rằng Nhà Trắng "không có động thái gì" đối với các yêu cầu của Đảng Cộng hòa.
Thỏa thuận cuối cùng, nếu đạt được, sẽ cần sự ủng hộ của cả hai đảng Cộng hòa và Dân chủ để được thông qua tại quốc hội. Lần gần đây nhất Mỹ suýt vỡ nợ là vào năm 2011. Khi đó, Đảng Dân chủ cũng kiểm soát Nhà Trắng và Thượng viện, trong lúc Đảng Cộng hòa nắm đa số ghế tại Hạ viện.
Quốc hội Mỹ cuối cùng ra tay ngăn vỡ nợ xảy ra nhưng nền kinh tế vẫn phải chịu đựng những cú sốc nặng nề, trong đó có việc nước này bị hạ xếp hạng tín dụng lần đầu tiên và xảy ra đợt bán tống bán tháo cổ phiếu quy mô lớn.
Xem thêm: nhc.360511211125032881-cat-eb-cut-peit-ym-gnoc-on-nart-ev-nahp-mad/nv.fefac