Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã đến dự lễ khai mạc kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.
Miễn nhiệm và bổ nhiệm bộ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường
Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết kỳ họp diễn ra ngay sau thành công tốt đẹp của hội nghị giữa nhiệm kỳ Ban Chấp hành Trung ương và là kỳ họp có ý nghĩa quan trọng cả về công tác lập pháp, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.
Trong đó, theo Chủ tịch Quốc hội, kỳ họp sẽ xem xét, quyết định công tác nhân sự ngay tại đầu kỳ họp. Cụ thể xem xét, cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội khóa XV, miễn nhiệm và bầu chức vụ ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội.
Quốc hội cũng xem xét, phê chuẩn việc miễn nhiệm và bổ nhiệm bộ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường nhiệm kỳ 2021-2026.
Theo chương trình kỳ họp được thông qua, ngay trong sáng nay (22-5), Quốc hội sẽ làm công tác nhân sự. Đến cuối giờ chiều, Quốc hội tiếp tục làm công tác này.
Trước đó, tại kỳ họp diễn ra tháng 1-2023, Quốc hội đã phê chuẩn bổ nhiệm Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường Trần Hồng Hà làm phó thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Đối với trường hợp Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Phú Cường, ngày 15-5, Ban Chấp hành Trung ương đã biểu quyết cho ông thôi giữ chức ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XV.
Ngày 16-5, ông Nguyễn Phú Cường đã có đơn xin thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội và xin thôi giữ chức vụ do Quốc hội khóa XV bầu.
Dự kiến, tân chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách sẽ thực hiện công việc đầu tiên ở vị trí mới vào sáng mai (23-5) khi trình bày báo cáo thẩm tra về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022.
Còn tân bộ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường sẽ trình bày tờ trình về dự án Luật tài nguyên nước vào chiều 25-5.
Chủ tịch Quốc hội: phân tích, dự báo sát khó khăn của nền kinh tế
Cũng trong phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội cho biết những tháng đầu năm 2023, dù đạt nhiều thành tựu quan trọng, khá toàn diện, nhưng kinh tế, xã hội bị ảnh hưởng, gặp khó khăn do tình hình kinh tế thế giới biến động.
Mức tăng trưởng kinh tế đạt thấp hơn so với mục tiêu đề ra, một số địa phương có mức tăng trưởng âm hoặc thấp so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất, nhập khẩu, sản xuất của nhiều ngành công nghiệp chủ lực giảm hoặc tăng thấp.
Trong khi đó, một số điểm nghẽn của các thị trường chưa được tháo gỡ hiệu quả và nhiều doanh nghiệp còn khó khăn, một số doanh nghiệp phải cắt giảm quy mô hoặc dừng hoạt động; kinh tế vĩ mô tiềm ẩn nhiều rủi ro. Áp lực tỉ giá, lãi suất tăng cao; nguy cơ nợ xấu gia tăng…
Ông đề nghị Quốc hội tập trung phân tích cụ thể, đánh giá khách quan, sát thực, toàn diện, thẳng thắn về kết quả đạt được, hạn chế, khó khăn, nhất là trong việc thực hiện các chỉ tiêu kinh tế - xã hội, việc hoàn thành mục tiêu tăng trưởng cả năm…
Làm rõ trách nhiệm, nguyên nhân khách quan, chủ quan cả trong công tác tổ chức thực hiện và những vấn đề liên quan đến chính sách, thể chế, pháp luật. Cùng với đó, phân tích, dự báo những khó khăn hạn chế của nội tại nền kinh tế sát với tình hình thời gian tới.
Từ đó, đề xuất giải pháp thiết thực, kịp thời, nhất là có giải pháp hữu hiệu để chấn chỉnh, khắc phục ngay tình trạng kỷ luật, kỷ cương chưa nghiêm, né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức trong thực thi công vụ, góp phần hoàn thành các mục tiêu năm 2023, tạo tiền đề thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội cho cả giai đoạn 2021-2025.
12 triệu lượt góp ý dự án Luật đất đai (sửa đổi)
Về lập pháp, Chủ tịch Quốc hội cho biết tại kỳ họp, Quốc hội xem xét, cho ý kiến lần thứ hai đối với dự án Luật Đất đai (sửa đổi) và cho ý kiến lần đầu đối với 8 dự án luật khác.
Đặc biệt nhấn mạnh về dự án Luật đất đai (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội đánh giá đây là một đạo luật quan trọng, phức tạp, giữ vai trò căn bản trong hệ thống pháp luật về đất đai.
Luật này có mối quan hệ và ảnh hưởng sâu sắc đến việc thực thi các chính sách, quy định trong rất nhiều luật khác, tác động đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, tới tất cả các tổ chức và từng người dân.
Theo ông, dự án đã nhận được hơn 12 triệu lượt góp ý của các tầng lớp nhân dân trong nước và người Việt Nam định cư ở nước ngoài, cũng như của các cơ quan, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức…
"Quốc hội trân trọng cảm ơn sự quan tâm, những ý kiến tâm huyết, trí tuệ, trách nhiệm của nhân dân đối với dự án Luật đất đai (sửa đổi) và với công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật. Trên cơ sở hồ sơ dự án luật, đề nghị các vị đại biểu Quốc hội nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy dân chủ, tập trung trí tuệ, tiếp tục đóng góp ý kiến nhằm thể chế hóa đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng, đặc biệt là nghị quyết số 18 năm 2022 của Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.
Dự kiến tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội sẽ thực hiện quy trình bầu bổ sung ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách và phê chuẩn miễn nhiệm, bổ nhiệm bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.