vĐồng tin tức tài chính 365

Người gánh hàng thuê cuối cùng trên Thiên Cấm Sơn

2023-05-22 11:07
Tiền công ít ỏi, nhưng ông Chau On vẫn vui vẻ làm tốt việc của mình bởi nghĩ người ta còn kêu mình làm là mừng rồi - Ảnh: DIỆU QUÍ

Tiền công ít ỏi, nhưng ông Chau On vẫn vui vẻ làm tốt việc của mình bởi nghĩ người ta còn kêu mình làm là mừng rồi - Ảnh: DIỆU QUÍ

Mồ hôi cha già dừng rơi trên núi thiêng, nhưng mồ hôi người con vẫn tiếp tục chảy xuống để đổi lấy chén cơm cho cả gia đình...

Thời "hoàng kim" nhiều năm về trước, cả xóm hầu như làm nghề bốc vác thuê quanh núi Cấm. Nhưng từ khi có đường xe chạy lên núi, nghề dần rơi vào khó khăn nên nhiều người từ bỏ. Đến giờ chỉ còn ông Chau On (47 tuổi, người Khmer, xã An Hảo, huyện Tịnh Biên, An Giang) còn bám trụ.

Mấy năm trước, ngoài ông Chau On còn có một người gánh hàng thuê từ khi còn trẻ, nhưng sau đó do lớn tuổi (hơn 70 tuổi), không còn sức nên chuyển sang chăn bò. Cha ông On thời trẻ cũng từng là phu gánh đồ lên núi, ông gánh su hoặc củi mỗi ngày, bán được 12.000 đồng, ông bảo thời đó số tiền này có thể đủ ăn một ngày.

Tiền công một ngày vỏn vẹn 30.000 đồng

6h sáng, sau khi nhận cuộc gọi từ hôm trước của hai hộ bán quán ăn nhờ gánh nước đá lên núi, ông Chau On chuẩn bị "đồ nghề" để sẵn trước hiên nhà. Nói là đồ nghề song thực chất chỉ là hai chiếc giỏ nhựa đan tay được móc vào đòn gánh. Mặc duy nhất chiếc quần vải tới đầu gối, ông On gánh giỏ lên vai rồi đi bộ, bắt đầu ngày mưu sinh nhọc nhằn.

Hỏi sao không mặc áo, ông cười nói quen rồi, cởi trần vậy khi gánh đổ mồ hôi dễ chịu hơn. Chúng tôi theo chân ông đi bộ từ nhà đến một cơ sở sản xuất nước đá dưới chân núi Cấm khoảng 3km. 

Nghĩ rằng dịp lễ khách sẽ đông, uống nhiều nước giải khát thì ông sẽ gánh được nhiều nước đá, song khi đến điểm lấy nước đá thì thấy ông chỉ chất hai bịch nước đá xay nhuyễn với một bẹ nước đá nhỏ vào hai giỏ xách rồi gánh đi.

"Chắc người ta bán ít nên lấy ít đá", ông nói. Dáng người gầy guộc, nước da đậm chất gió núi cùng gương mặt khắc khổ, ông trông già hơn tuổi thật nhiều. Đã quen với công việc cửu vạn, ông nhanh nhẹn gánh hàng bước lên từng bậc thang theo đường dành cho khách du lịch đi bộ lên núi. Lúc nào mệt quá, ông ngồi nghỉ chừng 1 - 2 phút rồi đi tiếp vì sợ nước đá tan, dọc đường đói bụng ông ghé ăn cơm từ thiện, cơm chay.

Giao nhà nào xong, ông hỏi nhà ấy hôm sau có lấy nữa không. Cứ như vậy, khi nào giao xong các "đơn" hàng, ông mới trở xuống. Ông kể có bữa "hên", lúc quay về được người ta nhờ giao hàng từ trên núi xuống, được thêm ít tiền.

"Ví dụ nước đá mua dưới chân núi 5.000 - 10.000 đồng, gánh lên thì trả công cho ổng 20.000 - 30.000 đồng. Tui hay kêu ổng gánh lắm. Hồi xưa ở đây nhiều người gánh nhưng giờ còn có mình ổng. Tại hàng hóa này kia có xe chở lên hết rồi, chỉ có nghề gánh nước đá là còn làm được do mấy người bán quán còn cần, mà xe chạy vô chở không được nên ổng là mối gánh xưa giờ", một người dân (là mối ruột của ông) cho biết.

Hôm đó sau khi xuống núi, ông cho biết hôm nay tiền công vỏn vẹn 30.000 đồng mặc dù là ngày lễ và tổng thời gian ông gánh lên xuống hơn bốn tiếng. Ông tâm sự có bữa đang gánh bước lên bậc thang bị vấp hoặc nắng quá làm choáng rồi té. "Té xong đứng lên đi tiếp chứ đâu có dám ngồi nghỉ lâu, sợ nước đá tan hết. Chịu thôi, mình làm mướn cho người ta mà", ông nói.

Mồ hôi lấm tấm, ông cười hiền, lạc quan bảo người ta kêu mình làm là mừng rồi, có bao nhiêu ăn bấy nhiêu. "Hồi Tết khách đông lắm, tui được trả công hơn 100.000 đồng một ngày, còn được người ta boa thêm", ông khoe.

Là người gánh thuê cuối cùng lên đỉnh núi Cấm, ông Chau On như lạc lõng bên đời - Ảnh: DIỆU QUÍ

Là người gánh thuê cuối cùng lên đỉnh núi Cấm, ông Chau On như lạc lõng bên đời - Ảnh: DIỆU QUÍ

Gắn bó từ thời còn nhiều người gánh thuê

Được nhiều người quen mặt, ông On cũng "thuộc lòng" các hộ buôn bán ở đây, hễ ai muốn nhờ gánh thì gọi điện. Một bẹ nước đá 50kg (dài 1m) được hãng nước đá cắt làm hai, nửa bẹ đó khi ông tới lấy thì cắt làm tư để bỏ vừa hai cái giỏ. "Sức tui làm được nhiêu đó thôi, hồi xưa tui gánh nhiều hơn", ông nói.

Người đàn ông 47 tuổi tâm sự bản thân gắn bó với nghề gánh hàng thuê ở núi Cấm từ thời trai tráng. Ông kể hồi đó trong sóc này khá nhiều người làm cửu vạn, đem hàng lên núi bằng sức người. "Người ta gánh su, mít, măng, trái cây, rau củ này kia. Rồi từ từ nhu cầu thuê người gánh ít lại vì có đường cho xe chạy lên núi rồi", ông tâm sự.

Từ đó cơ giới thay sức người, việc đem hàng lên hay các vườn chuyển hàng từ núi xuống đều bằng xe máy. Việc ít, tiền công giảm, nhiều người từ trẻ tới già đã bỏ nghề, tìm công việc khác hoặc đi làm công nhân xa xứ.

Hồi xưa ngoài nước đá, ông gánh su hào, rau củ lên núi, thậm chí tới đỉnh ngay điện Bồ Hong. Một chuyến gánh từ chân lên tới đỉnh núi khoảng bốn tiếng, đi từ sáng sớm, lúc về tới nhà 1h-2h trưa, hôm nào hai, ba chuyến thì đi tới 5h-6h chiều. Nhưng từ khi núi Cấm có đường cho xe chạy, ông ít khi gánh tới đỉnh, thường chỉ tới hết đường bậc thang.

Bám núi để đổi lấy chén cơm cả nhà

Là lao động nghèo, không đất đai hay trâu bò, sức khỏe cũng chẳng đủ làm công việc khác nên ông On buộc phải bám núi để tiếp tục cái nghề "ráo mồ hôi là hết tiền", ngày ngày mang những gánh hàng nặng quằn từ dưới chân núi lên đỉnh và ngược lại để nuôi gia đình.

Ông là con thứ tư trong gia đình sáu anh em. Không có vợ con, ông hiện sống trong căn nhà tình nghĩa nằm sâu trong xóm với cha mẹ, vợ chồng và hai con của người em gái út bị câm, làm nghề gánh dưa hấu thuê. Ngoài cha mẹ, ông còn phải nuôi người cô ruột bị mù và đứa em trai tâm thần. Mỗi ngày, sau khi gánh hàng xong, tiền kiếm được không đủ nên ông cùng người em rể đi bắt cá, hái rau để có bữa cơm cho cả nhà.

Anh Chau Đen (39 tuổi, em rể ông On) cho biết anh thấy ông On làm công việc quá cực, đi mấy cây số đường núi mà tiền kiếm được chưa đến 50.000 đồng nên anh không theo nghề này mà chọn gánh dưa hấu thuê từ vườn lên ghe cho người ta.

"Gánh dưa hấu thì ổng làm không nổi vì phải mấy chục, cả trăm ký, công việc này người trẻ, khỏe mới được kêu làm. Còn sức ổng chỉ gánh cỡ 30kg đổ lại nên gánh nước đá thôi", anh Đen kể.

Hiền lành, chịu khó nên ông Chau On cũng được người dân trong xóm thương. Anh Chau Chanh Ra Đa (36 tuổi, cách nhà ông On vài căn) cho biết hàng xóm cũng thương ông On nên hay cho gạo, cho đồ ăn, cơm từ thiện đi ngang cũng xin cho ông. Ông cũng được một số nhà hảo tâm biết hoàn cảnh và giúp đỡ.

Còn ông On, chúng tôi hỏi ông sẽ làm người gánh thuê cuối cùng trên Thiên Cấm Sơn tới khi nào, ông cười nói khi nào làm hết nổi mới nghỉ. Ông cố gắng bám trụ cái nghề này không chỉ vì mình, mà sau lưng ông còn đến bốn người thân không còn sức lao động, đang đợi những đồng tiền đẫm mồ hôi của ông mang về đổi lấy chén cơm...

Ông Chau On chất những bẹ nước đá vào hai chiếc giỏ để gánh lên núi  - Ảnh: DIỆU QUÍ

Ông Chau On chất những bẹ nước đá vào hai chiếc giỏ để gánh lên núi - Ảnh: DIỆU QUÍ

"Bữa nào nhiều thì gánh hai chuyến, ít thì một chuyến, chủ yếu là mối quen kêu tui", ông On nói. Tiền công gánh cho từng nhà bình thường là 15.000 - 20.000, cao lắm 30.000 đồng, tùy khoảng cách và độ cao núi.

Người dân ở đây hầu như chẳng ai không biết mặt ông, ngay cả một số du khách hay lên núi chơi cũng biết "chú gánh nước đá". Thi thoảng gánh xong, người ta thương cho ông thêm 5.000 - 10.000 đồng.

Nghề hiếm còn sót lại - Kỳ 1: Nghề gánh nước thuêNghề hiếm còn sót lại - Kỳ 1: Nghề gánh nước thuê

TTO - Gánh nước giếng đi bán, làm dép lốp, 'nuôi hoa' trong ruột chai thủy tinh, chăn chim trời, lặn tìm luồng cá… là những nghề hiếm vẫn còn sót lại đến nay. Đặc biệt là những nghề này vẫn tồn tại được trong mùa dịch đầy khó khăn.

Xem thêm: mth.34725859022503202-nos-mac-neiht-nert-gnuc-iouc-euht-gnah-hnag-iougn/nv.ertiout

Comments:0 | Tags:No Tag

“Người gánh hàng thuê cuối cùng trên Thiên Cấm Sơn”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools