Sáng 22/5, báo cáo thẩm tra tình hình kinh tế - xã hội, Uỷ ban Kinh tế cho biết 4 tháng đầu năm 2023, tổng số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động giảm, số doanh nghiệp giải thể, phá sản tăng. Xu hướng này có thể diễn biến phức tạp hơn trong thời gian tới.
Cụ thể trong 4 tháng đầu năm, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 49.900 doanh nghiệp (tăng 21,8% so với cùng kỳ năm trước). Ngoài ra là 20.900 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể (tăng 39,9%) và 6.100 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể (tăng 10,1%). Bình quân một tháng có 19.200 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
"Thực trạng doanh nghiệp thiếu đơn hàng diễn ra phổ biến, người lao động mất việc làm tại nhiều khu công nghiệp", báo cáo thẩm tra nêu.
Báo cáo trích dân số liệu của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, từ tháng 9/2022 đến tháng 1/2023, có gần 547.000 lao động tại 1.300 doanh nghiệp bị giảm giờ làm, ngừng việc do đơn hàng giảm. Trong đó lao động tại doanh nghiệp FDI chiếm 75%.
"Hiện tượng cắt giảm lao động, nợ lương, nợ bảo hiểm, nợ thuế diễn ra khá phổ biến đối với nhiều doanh nghiệp xây dựng. Một số nhà thầu, nhất là nhà thầu có quy mô nhỏ có nguy cơ đổ vỡ, phá sản", Uỷ ban Kinh tế cho biết.
Trước khó khăn của người lao động, Uỷ ban Kinh tế đã đề nghị Chính phủ báo cáo cụ thể hơn tình hình triển khai xây dựng chế độ tiền lương mới theo Nghị quyết 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp.
Trước đó trong phần cáo, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho biết trong thời gian tới Chính phủ sẽ siết chặt kỷ luật, kỷ cương; nâng cao đạo đức công vụ; tiếp tục hoàn thiện tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế; thực hiện lộ trình cải cách tiền lương. Ngoài ra là xây dựng phương án điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng phù hợp.
Bên cạnh lộ trình cải cách tiền lương, Uỷ ban Kinh tế cũng đề xuất nghiên cứu phương án điều chỉnh tăng mức giảm trừ gia cảnh đối với thuế thu nhập cá nhân, giảm thuế giá trị gia tăng nhưng bảo đảm cân đối ngân sách và bội chi ngân sách năm 2023 không vượt mức Quốc hội cho phép.
Nhiều ý kiến đánh giá mức giảm trừ gia cảnh tính thuế thu nhập cá nhân hiện đã lạc hậu (Ảnh minh hoạ)
Hiện mức giảm trừ gia cảnh năm gồm giảm trừ gia cảnh cho bản thân người nộp thuế và giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc. Mức giảm trừ gia cảnh năm 2023 thực hiện theo Nghị quyết 954 là: Mức giảm trừ đối với đối tượng nộp thuế là 11 triệu đồng/tháng (132 triệu đồng/năm); Mức giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng.
Hôm 19/5, tại cuộc họp báo dự kiến chương trình kỳ họp thứ 5, Ủy viên Ủy ban Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách Trần Văn Lâm cho hay Luật Thuế thu nhập cá nhân đã được xây dựng, áp dụng trong thời gian dài.
Trong đó, mức giảm trừ gia cảnh quy định tại luật là mức tuyệt đối. Song thực tế, kinh tế - xã hội phát triển, thu nhập người dân tăng lên, tăng trưởng kinh tế được chia cho từng người dân dẫn đến con số tuyệt đối giảm trừ gia cảnh tính thuế lạc hậu.
"Đây là một trong số những vấn đề căn bản đặt ra cần xem xét sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân. Tuy nhiên, việc sửa đổi này cần được đánh giá toàn diện và cân đối hài hòa trong điều chỉnh luật pháp có liên quan.
Đồng thời, sắp xếp theo trình tự, thủ tục, thứ tự ưu tiên, phù hợp với khối lượng công việc các cơ quan tham mưu xây dựng luật pháp cũng như hoạt động của Quốc hội trong các kỳ họp", ông Lâm cho biết.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.44031513122503202-nahn-ac-pahn-uht-euht-iov-hnac-aig-urt-maig-cum-gnat-ihgn-ed/et-hnik/nv.vtv