Nhà đầu tư từng mua cổ phiếu giá thấp trong những phiên trước đạt được lợi nhuận 5-10% đã bán ra chốt lời
Đầu phiên, có thể nhà đầu tư mang tâm lí e ngại rủi ro trước sự kiện Mỹ tăng thêm lãi suất 0,75 điểm % vào rạng sáng 3-11 sẽ tác động tiêu cực đến chứng khoán trong và ngoài nước. Theo đó, áp lực bán giá thấp từ nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn đã làm cho thị trường chứng khoán đỏ sàn. Các mã cổ phiếu thuộc nhóm bất động sản như NVL (cổ phiều công ty Nam Long), PDR (cổ phiếu Phát Đạt), VRE (cổ phiếu Vincom Retail)… giảm mạnh, đồng thời sắc đỏ cũng chiếm ưu thế trong nhóm VN30 khi chỉ có 7 mã trong số mã 30 cổ phiếu của nhóm này tăng giá.
Điều này không nằm ngoài dự báo của giới phân tích. Bởi trước đó một số công ty chứng khoán nhận định thị trường sẽ có một bước lùi nhất định sau khi tăng điểm vào phiên giao dịch ngày 1-11
Thực tế cho thấy, trong phiên sáng 2-11, sắc đỏ từ nhóm cổ phiếu lớn đã lan tỏa đến hàng loạt mã cổ phiếu thuộc các ngành tiêu dùng, bán lẻ… khiến chỉ số VN- Index lúc 11 giờ 30 phút mất 9 điểm, tạm dừng tại 1.024 điểm.
Bước vào phiên chiều, các nhà đầu tư từng mua cổ phiếu giá thấp trong những phiên trước, đến nay đạt được lợi nhuận 5-10% đã tranh thủ bán ra chốt lời. Từ đó, áp lực bán cổ phiếu diễn ra trên diện rộng, sắc đỏ áp đảo toàn thị trường. Đặc biệt các mã MSN (cổ phiếu Masan), VCB (cổ phiếu Vietcombank), VNM (cổ phiếu Vinamilk), MWG (cổ phiếu Thế giới di động)… đồng loạt đỏ sàn đã tác động tiêu cực đến chỉ số VN- Index. Ngược lại, các mã HPG (cổ phiếu thép Hòa Phát, VPB (cổ phiếu Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh vượng, VIB (cổ phiếu Ngân hàng TMCP Quốc tế)… xanh sàn đã giúp cho chỉ số này thu hẹp đà giảm.
Kết phiên, chỉ số VN- Index giảm 10 điểm, tạm dừng tại 1.023 điểm. Toàn sàn HoSE (TP HCM) có đến 273 mã giảm và 164 mã tăng, thanh khoản thấp khi khối lượng giao dịch chỉ đạt 578 triệu cổ phiếu, tương ứng với giá trị 10.000 tỉ đồng.
Trên sàn Hà Nội, chỉ số HN-Index giảm nhẹ 0,7 điểm còn 211 điểm với 73 mã tăng và 95 mã giảm.
Phiên này, mã HPG (cổ phiếu thép Hòa Phát) đã vượt qua được áp lực bán lớn và tăng giá trở lại. Cuối phiên, HPG tăng 2,33% lên 15.350 đồng/cổ phiếu. Tuy vậy, động thái bán ra của các nhà đầu tư nước ngoài còn rất lớn khi nhóm này tiếp tục bán ròng 180 tỉ đồng cổ phiếu HPG. Điều này cho thấy giá của cổ phiếu này còn nhiều gập ghềnh ở phía trước và sẽ còn tác động mạnh đến các chỉ số toàn thị trường.
Nhóm phân bón gây bất ngờ trên thị trường khi các mã DCM (cổ phiếu Công ty Phân bón Dầu khí Cà Mau), DPM (cổ phiếu đạm Phú Mỹ)… đều giảm điểm sâu dù lợi nhuận sau thuế quý III/2022 tăng trên 100% so với cùng kỳ năm trước.
Điểm sáng của phiên giao dịch cổ phiếu hôm nay là các mã ngành dầu khí gần như xanh sàn nhờ giá dầu thế giới đang tăng trở lại. Cụ thể, PVD (cổ phiếu Công ty Khoan và Dịch vụ khoan Dầu khí) tăng trần 6,79%, PVB (cổ phiếu Công ty Bọc ống Dầu khí Việt Nam) tăng 6,15%, PVS (cổ phiếu Tổng Công ty cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam) tăng 5,58%...
Công ty Chứng khoán VCBS khuyến nghị nhà đầu tư chủ động hiện thực hóa lợi nhuận với những cổ phiếu đã bắt đáy ở vùng giá thấp để quản trị tối đa rủi ro trong ngắn hạn.
Riêng Công ty Chứng khoán Thành Công (TCSC) nhận định các thông tin về một quỹ đầu tư lớn ở Việt Nam liên tục bán ra đang là lực cản đà hồi phục của thị trường. "Thế nên, nhà đầu tư có thể giao dịch thận trọng nếu các phiên kế tiếp thị trường có sự phục hồi" - TCSC khuyến cáo
Xem thêm: mth.16973446120112202-iol-tohc-nab-ut-uad-ahn-11-2-yagn-ueihp-oc/et-hnik/nv.moc.dln