Theo kế hoạch, metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) hoàn thành vào cuối năm 2023. Thời gian qua, TP.HCM đã có nhiều văn bản kiến nghị trung ương cũng như các bộ ngành, tuy nhiên đến nay vẫn chưa chốt được phương án "giải cứu" Công ty Metro số 1.
Từ khi thành lập đến nay, Công ty Metro số 1 không được cấp vốn (ngoài 14 tỉ đồng vốn điều lệ ban đầu mua sắm thiết bị văn phòng cơ bản). Điều này khiến công ty thiếu kinh phí trong thời gian dài, ảnh hưởng đến kế hoạch chuẩn bị, tuyển dụng nhân sự vận hành metro số 1.
Tại công văn gửi Bộ Tài chính, UBND TP.HCM cho hay việc Chính phủ ban hành nghị quyết về bổ sung vốn điều lệ sẽ đáp ứng được ngay nguồn lực cho công ty. Từ đó, công ty có thể duy trì hoạt động, tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật và công nghệ, đáp ứng tiến độ vận hành metro số 1.
Tuy nhiên, phương án bổ sung vốn điều lệ lại có khó khăn, vướng mắc. Bởi hiện nay, công ty mới đi vào hoạt động, chưa có doanh thu, chưa đảm bảo tiêu chí đánh giá hiệu quả hoạt động. Vì thế theo quy định, công ty chưa đáp ứng tiêu chí đầu tư bổ sung vốn điều lệ theo quy định.
Cũng vì có vướng mắc nên Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và đầu tư và TP.HCM đã thống nhất phương án kiến nghị Chính phủ ban hành nghị quyết về việc đầu tư bổ sung vốn điều lệ.
Tuy nhiên, Bộ Tư pháp không đồng ý phương án này, đồng thời đề nghị thực hiện theo đúng quy định hiện hành. Theo quan điểm của bộ này, nghị quyết Chính phủ không phải là văn bản quy phạm pháp luật. Trường hợp có vướng mắc, bất cập, cần tổng kết đánh giá và đề nghị sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật làm cơ sở triển khai thực hiện.
Tại cuộc họp ngày 13-4, đại diện Bộ Tư pháp có thông tin thêm là việc sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật về vốn điều lệ không thể chỉ áp dụng cho một trường hợp cá biệt là Công ty Metro số 1.
Để giải quyết khó khăn, một phương án khác là đưa nội dung bổ sung vốn vào dự thảo nghị quyết của Quốc hội thay thế nghị quyết số 54 về cơ chế đặc thù phát triển TP.HCM.
Tuy nhiên phương án này không kịp, bởi Chính phủ hiện đã trình dự thảo để Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp tháng 5-2023.
Theo đề án thành lập được duyệt năm 2015, vốn điều lệ của công ty được phân chia theo từng giai đoạn. Giai đoạn chuẩn bị điều kiện vận hành (2015 - 2017), công ty có vốn điều lệ 14 tỉ đồng. Giai đoạn từ 2018, công ty có vốn điều lệ 16.788 tỉ đồng. Số vốn này từ nguồn tiếp nhận tài sản bàn giao từ các hạng mục dự án hoàn thành chuyển giao liên quan trực tiếp đến hoạt động vận hành, bảo dưỡng metro số 1.
Phương án hiện nay được đề xuất là sẽ điều chỉnh các quy định liên quan việc thành lập công ty để không phân kỳ cơ cấu vốn điều lệ theo từng giai đoạn như trước đây. Phương án cần được Thủ tướng phê duyệt chủ trương, giao TP rà soát phê duyệt điều chỉnh mức vốn điều lệ phù hợp với tiến độ thực tế của dự án metro số 1.
Theo UBND TP.HCM, mức vốn điều lệ 16.802 tỉ đồng không thay đổi so với đề án thành lập doanh nghiệp đã được Thủ tướng chấp thuận năm 2015. Chỉ khác là không phân chia giai đoạn như trước đây để TP có sẽ chủ động phân bổ theo nhu cầu của doanh nghiệp từ nguồn chi đầu tư phát triển của ngân sách.
TP trước mắt sẽ bổ sung vốn điều lệ 268 tỉ đồng cho Công ty Metro số 1. Việc bổ sung vốn nhằm đảm bảo quy định mức vốn tối thiểu khi thành lập công ty không thấp hơn 100 tỉ đồng, thay vì chỉ 14 tỉ đồng như hiện nay.
UBND TP đề nghị Bộ Tài chính tiếp tục báo cáo Thủ tướng chấp thuận chủ trương. Qua đó, giao TP quyết định mức vốn điều lệ Công ty Metro số 1 phù hợp với tiến độ thực tế, đồng thời đáp ứng mức vốn điều lệ tối thiểu theo quy định.
Việc bổ sung ngay nguồn lực để công ty duy trì hoạt động ổn định, đảm bảo điều kiện tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật công nghệ metro số 1, theo UBND TP.HCM là rất cấp thiết.
UBND TP.HCM vừa có công văn khẩn kiến nghị Bộ Tài chính giải quyết kinh phí hoạt động của Công ty TNHH MTV Đường sắt đô thị số 1 TP.HCM (gọi tắt Công ty Metro số 1).
Xem thêm: mth.50361635122503202-1-os-ortem-yt-gnoc-ohc-nov-gnus-ob-ihgn-neik-cut-peit-mch-pt/nv.ertiout