Sáng nay, TAND Cấp cao tại Hà Nội mở phiên phúc thẩm xét kháng cáo của 15/36 bị cáo.
Bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, cựu chủ tịch AIC, bị cấp sơ thẩm xác định là chủ mưu vụ án vi phạm quy định đấu thầu, đưa nhận hối lộ xảy ra ở Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, gây thiệt hại cho nhà nước hơn 152 tỷ đồng. Tuy nhiên, bà Nhàn và 7 đồng phạm đã bỏ trốn khỏi Việt Nam.
Bà Nhàn nhận mức án cao nhất, 30 năm tù. 7 người cùng bỏ trốn bị phạt 30 tháng đến 25 năm tù. Sau phiên sơ thẩm, luật sư của 8 người đều kháng cáo thay thân chủ. Trong đó, luật sư Dương Văn Nghị, bào chữa cho bà Nhàn, kháng cáo toàn bộ bản án, đề nghị hủy án để điều tra lại. Luật sư cho rằng tòa sơ thẩm chưa có căn cứ chứng minh bà Nhàn là chủ mưu, chỉ đạo thông thầu; việc xác định thiệt hại chưa được tranh luận làm rõ.
Với 7 người kháng cáo còn lại, bị cáo Hoàng Thị Thúy Nga (cựu Phó tổng giám đốc AIC) xin giảm nhẹ hình phạt 12 năm tù và mức 150 tỷ đồng buộc liên đới bồi thường cùng bà Nhàn và Phó tổng giám đốc Trần Mạnh Hà, người cũng đang bỏ trốn. Ông Phan Huy Anh Vũ (cựu giám đốc Bệnh viện Đồng Nai, án 19 năm tù) và bà Bồ Ngọc Thu (cựu giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư tỉnh Đồng Nai, 3 năm 6 tháng) xin giảm nhẹ hình phạt.
Khai mạc phiên phúc thẩm, chủ tọa Mai Anh Tài đặt vấn đề: 8 trong 15 người kháng cáo đang trốn truy nã ở nước ngoài, vậy luật sư và người nhà của những người này "dựa vào cơ sở nào" để kháng cáo thay?
Luật sư Dương Văn Nghị cho hay bà Nhàn không liên lạc, cũng không ủy quyền. Luật sư kháng cáo bởi bản án sơ thẩm nêu "dành quyền kháng cáo cho các luật sư của những bị cáo vắng mặt".
Luật sư Nguyễn Văn Tú, bào chữa cho bị cáo Nguyễn Đăng Thuyết (cựu giám đốc Công ty Thành An Hà Nội, bị phạt 30 tháng tù), nói thân chủ mình "khác 7 người đang bỏ trốn còn lại".
Cụ thể, trong phiên sơ thẩm, ông Thuyết từ Mỹ đã gửi đơn xin xét xử vắng mặt, do đang giám hộ hai con du học, theo pháp luật nước sở tại. "Ông Thuyết đã ly hôn nên việc ở Mỹ là bất khả kháng, bởi chỉ ông mới có quyền giám hộ", luật sư trình bày.
Lý do này đã được cấp sơ thẩm chấp nhận, do đó ông Thuyết không bị tính là "trốn truy nã", theo luật sư.
Tại phiên phúc thẩm, ông Thuyết tiếp tục xin vắng mặt vì cùng lý do.
Tương tự, luật sư của bị cáo Ngô Thế Vinh (Giám đốc Công ty Nha khoa Việt Tiên, bị phạt 4 năm tù) cũng cho biết, thân chủ có đơn kháng cáo gửi về từ nước ngoài. Luật sư kháng cáo theo quyết định bản án sơ thẩm.
Ngoài bị cáo Thuyết và Vinh, 6 người còn lại được tính là "bỏ trốn", đều được luật sư kháng cáo thay, tương tự bà Nhàn.
Nêu quan điểm, đại diện VKSND Cấp cao cho biết, cấp sơ thẩm đã xem xét hành vi và tuyên án đúng quy định. 8 bị cáo vắng mặt song theo bản án sơ thẩm và xét nguyên tắc "có lợi nhất cho các bị cáo", VKS đề nghị tòa phúc thẩm dựa trên các căn cứ trên để phán quyết: Chấp thuận hay không việc kháng cáo thay này?
Sau hội ý, HĐXX nhận định 8 bị cáo đang bị truy nã, không có mặt khi xét xử sơ thẩm, tuy nhiên bản án sơ thẩm nêu luật sư bào chữa cho các bị cáo vắng mặt có quyền kháng cáo trong vòng 15 ngày kể từ khi nhận được bản án.
Sau phiên sơ thẩm, bản án được công khai. Hết thời hạn, tòa sơ thẩm không nhận được đơn kháng cáo của những người này. Đến nay các bị cáo vẫn không trình diện, đồng nghĩa với việc từ bỏ quyền kháng cáo. "Việc người bào chữa kháng cáo thay là không hợp lý", HĐXX nêu quan điểm.
Với ông Thuyết và ông Vinh, tòa cho hay họ có gửi đơn kháng cáo từ Mỹ, song phong bì thư không có xác nhận của cơ quan thẩm quyền (cơ quan lãnh sự hoặc đại diện ngoại giao). Hai người này cũng chưa từng trình diện cơ quan pháp luật, chưa có chứng minh đã nhập cảnh Việt Nam, do đó không có căn cứ xem xét đơn kháng cáo.
HĐXX do đó không chấp nhận đơn kháng cáo của tất cả 8 người vắng mặt, bỏ trốn.
Vụ án có 36 bị cáo, ngoài 15 người, ông Trần Đình Thành (cựu bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai) và Đinh Quốc Thái (cựu chủ tịch UBND tỉnh) và các trường hợp còn lại không kháng cáo. Hai ông Thành, Thái chấp nhận mức án sơ thẩm lần lượt là 11 và 9 năm tù về tội Nhận hối lộ.
Bản án sơ thẩm xác định, muốn Công ty AIC được trúng 16 gói thầu cung cấp trang thiết bị y tế tại dự án xây dựng Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, bà Nhàn thiết lập quan hệ với ông Thành để được giới thiệu đi gặp các quan chức trong tỉnh.
Ông Thành và ông Thái bị cáo buộc mỗi người đã nhận của AIC 14,5 tỷ đồng, ông Vũ 14,8 tỷ đồng để "tạo điều kiện" cho AIC. Sau khi thông thầu, AIC đã trúng 16 gói thầu, trị giá hơn 665 tỷ đồng, qua đó gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 152 tỷ đồng.
11 trong 36 bị cáo là cựu lãnh đạo tỉnh, cán bộ sở ban ngành tại Đồng Nai. Các sai phạm bị VKS đánh giá là "minh chứng điển hình cho lợi ích nhóm", thể hiện sự móc ngoặc, thông đồng giữa doanh nghiệp và người có thẩm quyền.
Thanh Lam
Xem thêm: lmth.4097064-cia-na-iad-gnort-oac-ib-8-tam-gnav-ux-tex-maht-cuhp-aot/ten.sserpxenv