Đã có khoảng 160 cá nhân, thực thể và cơ quan của Iran bị EU trừng phạt. (Nguồn: Stock)Ngày 22/5, Liên minh châu Âu (EU) đã áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với các quan chức và thực thể của Iran.
Trong danh sách trừng phạt lần này có Quỹ Hợp tác của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) và Tổ chức Sinh viên Basij.
Ngoài ra, còn có 5 quan chức nằm trong diện trừng phạt gồm 3 chỉ huy cảnh sát cấp cao, 1 quan chức hàng đầu về an ninh mạng và 1 công tố viên khu vực. Lệnh cấm bao gồm phong tỏa tài sản và cấm cấp thị thực.
Đây là vòng trừng phạt thứ 8 của EU đối với Iran, nâng tổng số cá nhân, thực thể và cơ quan của Iran bị EU trừng phạt lên tới khoảng 160.
Trước đó, ngày 16/2, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Iran Ebrahim Raisi đã kêu gọi dỡ bỏ các lệnh trừng phạt áp đặt đối với nước Cộng hòa Hồi giáo này, coi đây là một phần không thể thiếu trong thỏa thuận hạt nhân mang tên Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) hiện đang đình trệ.
Hai bên nhấn mạnh tất cả các lệnh trừng phạt liên quan cần phải được dỡ bỏ hoàn toàn và theo cách có thể kiểm chứng được để thúc đẩy việc thực thi đầy đủ và hiệu quả thỏa thuận trên.
JCPOA được ký giữa Iran và Nhóm P5+1 (các nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc - gồm Mỹ, Anh, Pháp, Trung Quốc, Nga - cùng Đức) hồi tháng 7/2015, theo đó Tehran hạn chế hoạt động hạt nhân để đổi lấy việc nới lỏng các biện pháp trừng phạt.
Tuy nhiên, năm 2018, Mỹ đã rút khỏi thỏa thuận này và tái áp đặt trừng phạt kinh tế, khiến Iran cũng giảm các cam kết của nước này trong thỏa thuận.