Hôm qua 22-5, kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV đã khai mạc trong bối cảnh kinh tế khó khăn bủa vây. Vì vậy, các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp ở nhiều lĩnh vực đều kỳ vọng kỳ họp sẽ có những quyết sách mạnh mẽ, thực chất hỗ trợ doanh nghiệp.
Doanh nghiệp đã "thấm đòn"
Trong phần phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nêu thực trạng một số điểm nghẽn của các thị trường chưa được tháo gỡ hiệu quả, nhiều doanh nghiệp còn khó khăn, một số doanh nghiệp phải cắt giảm quy mô hoặc dừng hoạt động.
Ông đề nghị các vị đại biểu phân tích, đánh giá làm rõ trách nhiệm, nguyên nhân khách quan, chủ quan cả trong việc thực hiện và những vấn đề liên quan đến chính sách, thể chế, pháp luật. Từ đó đề xuất giải pháp thiết thực, kịp thời, nhất là có giải pháp hữu hiệu để chấn chỉnh, khắc phục ngay tình trạng kỷ luật, kỷ cương chưa nghiêm, né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức trong thực thi công vụ.
Báo cáo trước Quốc hội, Chính phủ đã nêu rõ tất cả những biến động, khó khăn mà cộng đồng doanh nghiệp đang oằn mình gánh chịu. Nếu như ở kỳ họp thứ 4 (tháng 10-2022), những biến động kinh tế, chính trị, xã hội, dịch bệnh mới chỉ được nhìn nhận ở nguy cơ, thách thức thì đến kỳ họp này doanh nghiệp đã "thấm đòn", thể hiện qua các nội dung như hầu hết doanh nghiệp khó vay vốn, đơn hàng mới không có, sản phẩm bán khó, chi phí đầu vào tăng.
Vướng mắc pháp lý, điểm nghẽn thủ tục hành chính được doanh nghiệp đánh giá chiếm 70% vướng mắc hiện nay của doanh nghiệp và là rào cản lớn làm doanh nghiệp khó chồng chất khó. Báo cáo trước Quốc hội, Phó thủ tướng Lê Minh Khái đánh giá là "có nhiều cố gắng nhưng chưa đáp ứng yêu cầu".
Theo ông Khái, do tích tụ bất cập nhiều năm, các thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản tiếp tục gặp khó khăn về thanh khoản, dòng tiền. Một số chính sách của ba chương trình mục tiêu quốc gia và chính sách hỗ trợ lãi suất 2% thuộc chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội triển khai còn chậm.
Tuyệt đối không phát sinh thủ tục tốn chi phí
Từ những khó khăn thuộc dạng "tích tụ" mà Chính phủ báo cáo, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đánh giá kỹ hơn một số vấn đề, trong đó có rất nhiều doanh nghiệp đang gặp khó khăn, dừng hoạt động, đóng cửa sau khi các quy định mới về tiêu chuẩn, tiêu chí phòng cháy chữa cháy được ban hành và có hiệu lực.
Do đó đề nghị Chính phủ có báo cáo đánh giá thêm về vấn đề này, qua đó để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện cho hoạt động sản xuất, kinh doanh được thuận lợi, thông suốt và vẫn bảo đảm tốt việc phòng cháy chữa cháy trong thời gian tới.
Mặt khác, tình trạng ùn tắc đăng kiểm xe thời gian qua cũng gây ra rất nhiều khó khăn cho người dân và doanh nghiệp do thiếu hụt trung tâm đăng kiểm, đăng kiểm viên sau hàng loạt vi phạm của các trung tâm này. Trong khi đó, thông tư số 02 năm 2023 với những điểm mới như miễn kiểm định lần đầu cho xe mới và giãn chu kỳ kiểm định cho một số loại phương tiện... vẫn chưa giải quyết được tình trạng ùn tắc quá tải.
Từ hạn chế đó, Chính phủ đề ra phải khẩn trương hoàn thiện cơ chế về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung và xử lý nghiêm cán bộ sợ sai, sợ trách nhiệm, đùn đẩy, né tránh khi thực thi công vụ.
Cùng với đó, tăng cường cải cách thủ tục hành chính gắn với chuyển đổi số, nâng cao chất lượng dịch vụ công trực tuyến. Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, tiết giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp.
Trong đó, tuyệt đối không ban hành chính sách, quy định mới làm phát sinh chi phí, thủ tục, thời gian không cần thiết cho doanh nghiệp, người dân. Thành lập, tổ chức hoạt động hiệu quả tổ công tác đặc biệt do các bộ trưởng, trưởng ngành, chủ tịch UBND cấp tỉnh làm tổ trưởng để tháo gỡ ngay khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ hiệu quả cho doanh nghiệp, sản xuất kinh doanh.
Mặt khác đẩy nhanh tiến độ, kết thúc điều tra, truy tố để đưa ra xét xử các vụ án tham nhũng, tiêu cực. Sớm giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án, đất đai trong các kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại một số tỉnh, thành phố.
Phấn đấu tiếp tục giảm lãi suất
Trao đổi với Tuổi Trẻ, doanh nghiệp ở các lĩnh vực, nhất là bất động sản đều đánh giá cao những động thái mạnh mẽ, quyết liệt "tiền hô hậu ủng" của Chính phủ và các bộ, ngành để tiếp sức cho doanh nghiệp. Báo cáo của Chính phủ cho thấy 4 tháng đầu năm 2023, Thủ tướng và các phó thủ tướng đã chủ trì 398 cuộc họp, 110 hội nghị (buổi lễ) và 78 cuộc tiếp khách quốc tế, đi công tác nước ngoài.
Qua những cuộc làm việc, mục tiêu chính của Chính phủ, Thủ tướng là để chỉ đạo rà soát, hoàn thiện các quy định pháp luật và đưa ra các cơ chế, chính sách, giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.
Năm tổ công tác đặc biệt được Thủ tướng thành lập nhằm quyết liệt thúc đẩy đầu tư công, vướng mắc dự án cũng như tháo gỡ khó khăn cho các thị trường trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán, bất động sản.
Dù vậy, doanh nghiệp mong muốn có thêm những động thái gỡ vướng, hỗ trợ khó khăn quyết liệt, mạnh mẽ hơn từ Chính phủ, Thủ tướng và các bộ ngành.
Trong hàng loạt giải pháp đưa ra cho thời gian tới, Chính phủ đặt trọng tâm vào thực hiện chính sách tiền tệ chắc chắn, chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, phối hợp đồng bộ với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm. Điều hành tỉ giá, lãi suất linh hoạt, phù hợp và phấn đấu tiếp tục giảm lãi suất cho vay, cũng như bảo đảm thanh khoản của các ngân hàng.
Cùng với đó kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng, hạn chế nợ xấu phát sinh và triển khai hiệu quả gói tín dụng nhà ở xã hội 120.000 tỉ. Nghiên cứu, đề xuất Quốc hội về phương án đối với thuế tối thiểu toàn cầu và việc miễn, giảm, gia hạn các loại thuế, phí, lệ phí một cách phù hợp, hiệu quả.
Giải pháp về tiêu dùng, Chính phủ đặt mục tiêu có các giải pháp kích cầu tiêu dùng nội địa, phát triển mạnh và phát huy vai trò của thị trường trong nước. Cùng với tăng cường xúc tiến thương mại, đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng xuất khẩu, Chính phủ đẩy nhanh hoàn thuế giá trị gia tăng nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu.
Một số nhóm nhiệm vụ và giải pháp của Chính phủ:
* Giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
* Đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện thể chế và nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật.
* Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, chú trọng thu hút các nguồn vốn và khuyến khích các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP).
* Đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh.
* Tập trung phòng chống, kiểm soát dịch COVID-19 và các dịch bệnh khác, cũng như nâng cao năng lực của hệ thống y tế, chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh.
Tuổi Trẻ đã ghi nhận các ý kiến gửi đến Quốc hội, Chính phủ với mong muốn sớm giải quyết những khó khăn hiện tại của nền kinh tế.
* Đại biểu NGUYỄN MẠNH HÙNG (ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội):
Sớm rà soát, xử lý các thủ tục gây cản trở doanh nghiệp
Trong các cuộc họp tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Kinh tế, thông tin thủ tục hành chính "hành" doanh nghiệp được đưa ra rất nhiều nhưng danh mục cụ thể là ngành nào, địa phương nào ban hành các văn bản gây khó, cản trở thì không thấy báo cáo rõ. Do đó thời gian tới rất cần Chính phủ rà soát và có biện pháp xử lý vấn đề này.
Vì vậy việc Chính phủ yêu cầu tuyệt đối không ban hành chính sách, quy định mới làm phát sinh chi phí, thủ tục, thời gian không cần thiết cho doanh nghiệp, người dân là điều rất cần thiết, phải sớm thực hiện. Trong bối cảnh hiện nay, với những khó khăn của nền kinh tế, càng cần tạo ra môi trường thông thoáng, rõ ràng để doanh nghiệp có điều kiện thực hiện và phục hồi, phát triển.
* Ông NGUYỄN NGỌC HÒA (chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM):
Cần chiến lược thu hút FDI
Các doanh nghiệp TP.HCM đang hết sức khó khăn, cần những chính sách vượt trội để hỗ trợ doanh nghiệp trong giai đoạn này.
Trong đó cần kích cầu thị trường tiêu dùng nội địa thông qua các chính sách như giảm thuế VAT mà Quốc hội sẽ quyết ở kỳ họp này.
Ngoài ra cần xem xét đến các thuế khác như trước bạ, tiêu thụ đặc biệt, thuế thu nhập cá nhân, thu nhập doanh nghiệp...
Bên cạnh đó cần có chính sách gia hạn thời gian nộp thuế và giải quyết nhanh hoàn thuế để giúp doanh nghiệp giảm áp lực và cải thiện dòng tiền. Cần đẩy mạnh và nhanh các dự án đầu tư công, giúp doanh nghiệp tham gia dự thầu. Như vậy đây là nguồn bù đắp cho đầu tư tư nhân đang bị thu hẹp do cầu thị trường sụt giảm.
Ngoài ra Nhà nước cần nghiên cứu các chính sách kích hoạt chương trình kích cầu đầu tư bù lãi suất cho các lĩnh vực ưu tiên, các ngành kinh tế trọng điểm... Đặc biệt, cần có chiến lược hiệu quả để thu hút dòng dịch chuyển vốn đầu tư FDI. Nhanh chóng đánh giá đầy đủ tác động của thuế suất tối thiểu toàn cầu để giữ chân các nhà đầu tư hiện nay và thu hút các nhà đầu tư mới.
* Đại biểu TRẦN VĂN KHẢI (ủy viên thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội):
Quốc hội cần giám sát việc cải cách hành chính
Các chuyên gia nhận định vừa qua nền kinh tế của nước ta gặp hai cú sốc là dịch bệnh COVID-19 và giảm "cầu" từ bên ngoài. Song có thêm một cú sốc khác được tạo nên bởi chính nội tại, đó là sự đứt gãy niềm tin của người dân, doanh nghiệp vào kết quả cải cách hành chính, trách nhiệm thực thi, đạo đức công vụ của một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức và về sự vận hành của bộ máy chính quyền ở các cấp hiện nay.
Do đó Quốc hội sẽ thảo luận sâu về các vấn đề liên quan để đề xuất các giải pháp xác đáng, khả thi trong ngắn hạn cũng như trong dài hạn. Đồng thời đề nghị Quốc hội cần có những giám sát chuyên đề về kết quả cải cách hành chính của Chính phủ, trách nhiệm thực thi, đạo đức công vụ của công chức và về sự vận hành của bộ máy chính quyền ở các cấp hiện nay.
* Ông Nguyễn Đặng Hiến (phó chủ tịch Hiệp hội Các doanh nghiệp khu công nghiệp TP.HCM):
Kéo dài thời gian giảm VAT
Một trong những điểm nhấn trong nội dung kỳ họp Quốc hội lần này là Chính phủ sẽ trình Quốc hội thông qua việc tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) 2%.
Việc giảm VAT trên thực tế đã cho thấy hiệu quả là ai cũng được hưởng lợi, kích cầu mua sắm nhiều hơn, ngân sách cũng thu nhiều hơn và đây là chính sách công bằng, tác động lan tỏa đến tất cả mọi người dân.
Nhưng trong giai đoạn nền kinh tế đang rất trầm lắng như hiện nay, việc đề xuất chỉ áp dụng 6 tháng là quá ngắn. Theo tôi, ít nhất phải áp dụng trong vòng 1 đến 1,5 năm mới tạo ra được sự chuyển biến tích cực. Do đó chính sách tài khóa này cần kéo dài, hợp lý nhất là duy trì đến hết năm 2024. Vì thế Quốc hội cần bàn bạc, nghiên cứu để kéo dài hơn đối với chính sách này.
* Đại biểu TRẦN VĂN LÂM (ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách):
Ngành ngân hàng cần có đóng góp tích cực hơn
Tại phiên chất vấn năm 2022, tôi đã chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước tại sao trong điều kiện doanh nghiệp khó khăn, sản xuất đình đốn, dừng hoạt động những năm dịch COVID-19 mà ngân hàng "lãi khủng, chia lãi khủng".
Đến năm nay, trong bối cảnh nền kinh tế, doanh nghiệp còn rất nhiều khó khăn thách thức nhưng sự chia sẻ của ngân hàng mặc dù là có nhưng chưa tương xứng với kỳ vọng, mức yêu cầu đặt ra để gắn kết.
Do đó rất cần hệ thống ngân hàng có các biện pháp giải quyết khó khăn nội tại, đóng góp tích cực hơn cho nền kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua giai đoạn hiện tại.
T.CHUNG - N.HIỂN ghi
Cần Quốc hội đưa ra những chính sách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp thực chất và hiệu quả hơn, mang tính dài hơn và bền vững để ngăn tình trạng giải thể, phá sản và làn sóng 'bán mình' của doanh nghiệp có nguy cơ lan rộng.
Xem thêm: mth.1390303222503202-peihgn-hnaod-ohc-ohk-og-pahp-iaig-cac-taux-ed/nv.ertiout