vĐồng tin tức tài chính 365

Xây dựng kế hoạch hưu trí thế nào với 10 tỷ đồng?

2023-05-24 03:11

Tôi năm nay 54 tuổi, vừa nghỉ hưu. Lúc trẻ ngoài làm công ăn lương, tôi cũng kiếm thêm tiền từ việc cho vay cá nhân, dư tiền thì mua vàng tích trữ, mấy năm gần đây có thử đầu tư đất đai. Đến nay, tôi có hơn 10 tỷ đồng, chưa tính hai mảnh đất nền trên tỉnh lỵ giá thị trường khoảng 3 tỷ đồng mỗi nền.

Thời gian trước, tôi có rót ít tiền vào chứng khoán, nhưng do không đủ kiến thức và công sức để theo dõi thị trường nên lỗ hơn 50%. Tôi sợ nên đành rút hết tiền ra. Giờ thật sự tôi không biết làm gì ngoài gửi ngân hàng, nhưng lại thấy lãi suất quá ít ỏi.

Theo chuyên gia, tôi nên đầu tư 10 tỷ đồng như thế nào để có thêm tiền an hưởng tuổi già sung túc cho hai vợ chồng (cả hai đều có lương hưu và bảo hiểm). Nếu dư thêm, tôi sẽ lấy làm vốn liếng để sau này hỗ trợ hai người con khi chúng muốn kinh doanh.

Dinhdinh1969

Hai người cao tuổi đang ngồi xem máy tính bảng tại nhà. Ảnh: Freepik

Hai người cao tuổi đang ngồi xem máy tính bảng tại nhà. Ảnh: Freepik

Chuyên gia tư vấn:

Nhu cầu đảm bảo an toàn tài chính ở tuổi về hưu rất quan trọng. Tuổi thọ bình quân của người Việt hiện nay khoảng 75, có thể cao hơn. Như vậy, bạn cần chuẩn bị tài chính để an hưởng tuổi già sung túc trong ít nhất 25-30 năm nữa.

Chúng ta cũng cần xác định đây là việc đầu tư cho tuổi hưu, do vậy cần phải xem xét, đánh giá tình hình và các nhu cầu tài chính cho tuổi hưu trước khi phân bổ vốn cho danh mục đầu tư. Dưới đây là các yếu tố cần xem xét.

Chi phí

Các chi phí ở tuổi về hưu sẽ gồm các khoản: chăm sóc sức khỏe, du lịch - giao lưu, sinh hoạt. Chi phí chăm sóc sức khỏe sẽ phụ thuộc việc bạn đã có bảo hiểm nhân thọ kèm các sản phẩm bổ trợ hay chưa, có bảo hiểm sức khỏe để hỗ trợ thêm không, tiền sử và thể trạng sức khỏe. Khi chúng ta có cơ chế bảo vệ về sức khỏe tốt, số tiền chuẩn bị cho sức khỏe sẽ giảm đi và ngược lại.

Chi phí du lịch và giao lưu sẽ cao hơn. Vì lúc này, bạn sẽ dành thời gian cho bản thân nhiều hơn, có nhu cầu kết nối với bạn bè cũ, bạn bè cùng trang lứa khi các mối quan hệ trong công việc giảm đi lúc về hưu.

Chi phí sinh hoạt thông thường của tuổi về hưu sẽ không quá cao, do đa số chúng ta không còn gánh vác việc nuôi con ăn học. Tuy nhiên vẫn cần tính đến lạm phát lối sống, khi tâm lý an hưởng tuổi già, muốn chi tiêu cho bản thân tốt hơn trước, sẽ khiến nhiều khoản chi phí tăng thêm ở mức cao hơn.

Thu nhập

Khi nghỉ hưu, ngoài thu nhập thụ động đến từ lương hưu, lãi từ tiền gửi tiết kiệm, tiền cho thuê nhà hoặc đất, bạn cần xem còn có các nguồn thu nhập chủ động nào và thu nhập này ổn định ở mức nào? Có thể kể đến các thu nhập chủ động từ việc dịch thuật, tư vấn, giảng dạy, viết sách, kinh doanh online hoặc bất cứ công việc nào phù hợp với tuổi hưu, vừa mang lại niềm vui sống bên cạnh việc tạo ra thu nhập.

Nếu tổng thu nhập ổn định, bạn không cần phân bổ đầu tư vào các phân khúc tài sản có hiệu suất lợi nhuận cao hoặc lợi nhuận biến động mạnh vì đi kèm với nó là rủi ro cao. Việc có nguồn thu nhập ổn định, sẽ làm giảm áp lực cho bạn khi đầu tư và cũng mang lại niềm vui, gia tăng kết nối khi về hưu.

Mục tiêu tài chính và di sản cho con

Bạn cần trả lời các câu hỏi sau: Mục tiêu tài chính trong ngắn, trung và dài hạn là gì? Bạn có dự tính thực hiện chuyến du lịch xuyên Việt hay du lịch nước ngoài dài ngày, mỗi năm hay không? Khi cưới vợ, gả chồng cho con hoặc khi cháu lớn, bạn dự tính sẽ tặng con những gì?

Ngoài ra, bạn có những điều chỉnh khác biệt về nơi ở, cách sống so với hiện tại hay không, như đổi xe, sửa sang nhà cửa? Bạn dự tính chuẩn bị thừa kế cho hai con ra sao? Bạn có dự định hỗ trợ tài chính cho các con hay các cháu trong cuộc sống hàng ngày hay không?

Mức độ chấp nhận rủi ro

Đây là thước đo để đánh giá khả năng sẵn sàng chấp nhận rủi ro cùng các lợi ích mà nó mang lại của các nhà đầu tư. Việc xác định này sẽ giúp bạn định lượng hóa được các quyết định đầu tư của mình thay vì những quyết định mang tính cảm tính. Lợi nhuận cao sẽ đi đôi với mức độ rủi ro cao và ngược lại, khi việc đầu tư nằm trong vùng an toàn thì lợi nhuận sẽ không cao.

Phương án dự phòng tài chính

Trước khi đầu tư, bạn cần phải lập một quỹ dự phòng cho 6-12 tháng chi phí sinh hoạt, gửi tiết kiệm kì hạn một tháng để đảm bảo cho các nhu cầu đột xuất trong chi tiêu, khám chữa bệnh.

Mức lập dự phòng cao hay thấp sẽ tùy thuộc vào thu nhập và tính ổn định của thu nhập. Nếu không chuẩn bị một quỹ dự phòng, khi cần tiền, bạn phải bán gấp tài sản với giá rẻ, hiệu quả đầu tư không được như dự tính. Ngoài ra, bạn cần có các phương án dự phòng cho các kịch bản tiêu cực khi phải điều chỉnh thu nhập và chi phí tương ứng (giảm hoặc tăng 30%).

Dựa vào kết quả đánh giá trên, bạn sẽ thực hiện được việc phân bổ vốn cho một danh mục đầu tư. Do không có đầy đủ thông tin về tình hình tài chính và các nhu cầu cho tuổi hưu của bạn để xem xét và đánh giá, tôi chỉ có thể chia sẻ vài lưu ý về cách phân bổ dành cho phần đông tệp khách hàng hưu trí như sau.

Trước hết, cần đa dạng các loại hình sản phẩm đầu tư gồm gửi tiết kiệm, bất động sản cho thuê, đầu tư vào quỹ mở. Điều này sẽ giúp bạn phân bổ rủi ro và giúp hiệu suất lợi nhuận của danh mục đầu tư tốt hơn.

Tôi có một số lưu ý về các tài sản đầu tư. Tiền gửi ở các ngân hàng nhỏ sẽ có mức lãi suất cao hơn khi gửi vào các ngân hàng lớn, mức lãi suất hiện nay dao động 8,5-9,5% mỗi năm, lợi nhuận tốt, rủi ro thấp so với các kênh đầu tư khác. Giá trị căn hộ càng nhỏ, hiệu suất cho thuê càng cao, tuy nhiên, chỉ nên mua các căn hộ đã được bàn giao dưới 5 năm, để đảm bảo mức tăng trưởng giá của căn hộ. Nhà phố cho thuê có hiệu suất cho thuê thấp hơn căn hộ, bù lại, mức tăng trưởng về giá sẽ ổn định và tốt hơn.

Với các quỹ mở đang hoạt động trên thị trường, đây là hình thức đầu tư thụ động vào thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, chỉ nên đầu tư tối đa 10% tổng giá trị tài sản và chu kỳ đầu tư của tài sản này là trung hạn, từ 5-7 năm.

Ngoài ra, trước khi quyết định đầu tư, bạn cần hiểu về các sản phẩm, chu kỳ đầu tư của từng sản phẩm, biến động về lợi nhuận, tính thanh khoản của chúng, các thủ tục đầu tư, thuế và phí có liên quan. Hiểu để bạn không đầu tư theo cảm tính, mà có kế hoạch cụ thể.

Cuối cùng, bạn cần lập một kế hoạch tài chính tổng thể cho giai đoạn nghỉ hưu, tương đương 30 năm tới, thực hiện bằng việc lập một dòng tiền theo thời gian, cho toàn bộ vòng đời dự kiến. Kế hoạch này gồm các nguồn thu nhập qua các năm, có tính đến khả năng tăng trưởng nguồn thu nhập; nhu cầu chi tiêu cho bản thân, tính đến mức lạm phát và lạm phát lối sống tương ứng vào các giai đoạn cụ thể; các mục tiêu khác có liên quan đến; theo dõi và cập nhật kết quả, tình hình đầu tư và tăng trưởng tài sản.

Khi hiểu biết rõ và có một bức tranh toàn diện về tình hình tài chính cho giai đoạn nghỉ hưu, bạn sẽ vững tâm hơn, an hưởng tuổi nghỉ hưu một cách trọn vẹn nhất. Bạn cũng có thể tìm đến sự trợ giúp của chuyên gia về hoạch định tài chính cá nhân để cùng xây dựng một kế hoạch nghỉ hưu chi tiết, tỉ mỉ.

Trần Thị Mai Hân

Chuyên gia Hoạch định tài chính cá nhân tại FIDT

Xem thêm: lmth.5045064-gnod-yt-01-iov-oan-eht-irt-uuh-hcaoh-ek-gnud-yax/ten.sserpxenv

Comments:0 | Tags:No Tag

“Xây dựng kế hoạch hưu trí thế nào với 10 tỷ đồng?”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools