Ông Đỗ Văn Tâm - phó tổng giám đốc Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội - vừa cho biết thông tin trên vào chiều tối nay 23-5.
Dựa trên báo cáo tài chính năm 2022 đã kiểm toán (nộp chậm quá 45 ngày so với quy định), Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội chính thức đưa cổ phiếu FLC vào diện hạn chế giao dịch từ ngày 25-5, và chỉ được giao dịch vào phiên cuối cùng hằng tuần (thứ sáu).
Tại phiên họp bất thường diễn ra vào đầu năm nay, Tập đoàn FLC cho biết doanh nghiệp có hơn 64.700 cổ đông.
Trước đó, nhằm bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư, Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) đã ra quyết định hủy niêm yết gần 710 triệu cổ phiếu của Tập đoàn FLC trên HoSE từ ngày 20-2.
Tiếp đến, Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam chuyển dữ liệu đăng ký và lưu ký cổ phiếu FLC sang thị trường UPCoM từ ngày 22-2. Tuy nhiên sau đó từ ngày 3-3 Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội đình chỉ giao dịch cổ phiếu này.
Lý do được đưa ra vào thời điểm bị hủy niêm yết trên HoSE, rồi bị đình chỉ giao dịch là vì dù đã bước sang năm 2023 nhưng doanh nghiệp chưa công bố báo cáo tài chính kiểm toán 2021 và báo cáo tài chính soát xét bán niên 2022, chưa thể tổ chức đại hội đồng cổ đông 2022.
Trong một diễn biến khác, tại đại hội cổ đông bất thường diễn ra vào đầu năm nay, đại diện Tập đoàn FLC cho biết sẽ bán cổ phần của hãng bay Bamboo Airways để tái cấu trúc nợ.
Trong khi đó, vào đầu tháng 5 này, Ngân hàng TMCP Quốc Dân cũng công bố lấy ý kiến cổ đông về kế hoạch chuyển nhượng 203 triệu cổ phiếu của Bamboo Airways, vốn đã được thế chấp làm tài sản đảm bảo cho các khoản vay từ Tập đoàn FLC tại ngân hàng này.
Sau khi ông Trịnh Văn Quyết - cựu chủ tịch hội đồng quản trị Tập đoàn FLC - bị bắt để điều tra về hành vi thao túng chứng khoán, không chỉ FLC mà hoạt động kinh doanh của hàng loạt công ty khác thuộc hệ sinh thái cũng bị chao đảo.
Do vi phạm về công bố thông tin, toàn bộ các cổ phiếu khác thuộc "họ FLC" cũng bị lãnh phạt trên sàn chứng khoán, bao gồm: ROS (Xây dựng FLC Faros), HAI (Nông dược HAI) và ART (Chứng khoán BOS), AMD (Đầu tư và khoáng sản FLC Stone), GAB (Đầu tư khai khoáng và quản lý tài sản FLC) và KLF (Đầu tư thương mại và xuất nhập khẩu CFS).
Với hai khách hàng lớn là Tập đoàn FLC và Đại Nam, OCB đã thu hồi xong nợ. Cả hai danh mục tài sản này đã có người mua và ngân hàng đang cho bên thứ ba thời gian để thu xếp tiền.
Xem thêm: mth.97103439132503202-hcid-oaig-ihc-hnid-ib-nav-clf-ueihp-oc/nv.ertiout