vĐồng tin tức tài chính 365

Thu hút "nguồn lực vàng" từ kiều hối (*): Nên có chính sách đặc biệt

2023-05-24 08:22

Dự thảo lần 2 Đề án Chính sách thu hút và phát huy nguồn lực kiều hối trên địa bàn đang được UBND TP HCM lấy ý kiến, nêu rõ kiều hối có vai trò rất quan trọng đối với nhiều nước trên thế giới, đặc biệt các nước đang phát triển. Tại Việt Nam, trong đó có TP HCM, cùng với vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), kiều hối chiếm tỉ trọng lớn trong các nguồn vốn từ bên ngoài vào. So với vốn ODA, vốn đầu tư gián tiếp, kiều hối có giá trị lớn và có tính ổn định cao hơn.

Mục tiêu rõ ràng, định hướng cụ thể

Thời gian qua, Việt Nam đã có nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích kiều bào, người lao động ở nước ngoài chuyển tiền về nước. Trong tổng lượng kiều hối chuyển về, Mỹ là quốc gia có số lượng người Việt nhập cư và sinh sống nhiều nhất, tiếp đó là Anh, Úc, Canada. Về xuất khẩu lao động, lượng kiều hối chủ yếu đến từ các thị trường xuất khẩu chính như Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc. Tuy nhiên, năm 2022, nguồn kiều hối từ Anh, Mỹ, Úc, Canada có chiều hướng giảm so với các năm trước.

Thu hút nguồn lực vàng từ kiều hối (*): Nên có chính sách đặc biệt - Ảnh 1.

Kiều hối chuyển qua ngân hàng tại TP HCM .Ảnh: TẤN THẠNH

Chính vì vậy, đề án "Chính sách thu hút và phát huy nguồn lực kiều hối trên địa bàn TP HCM" đặt mục tiêu tạo ra những cách làm mới, giải pháp mới để khắc phục hạn chế và tạo sự bứt phá với giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm nhằm thu hút và phát huy nguồn lực kiều hối tại TP HCM.

Theo ban soạn thảo đề án, với khoảng 5,3 triệu người tại hơn 130 quốc gia và vùng lãnh thổ, số liệu thống kê ghi nhận kiều hối chuyển về nhiều nhất là ở khu vực Bắc Mỹ (Mỹ và Canada), châu Á, châu Úc và châu Âu. Dù vậy, khu vực châu Âu và châu Úc vẫn còn hạn chế nhất định trong triển khai chính sách của các quốc gia về hoạt động kiều hối nên dòng kiều hối từ khu vực này dù có tiềm năng lớn nhưng chưa có sự tăng trưởng vượt bậc... Hiện, dịch vụ chi trả kiều hối ở các tỉnh nhỏ, vùng nông thôn của nhiều quốc gia vẫn còn hạn chế làm giảm tổng lượng kiều hối chuyển về nước.

GS Nguyễn Đình Phú, Chủ tịch Hội Doanh nhân người Việt tại Mỹ, nhận định kiều bào chuyển kiều hối về Việt Nam để làm ăn, đầu tư bất động sản... sẽ tăng lên nên cần chính sách phù hợp tận dụng dòng vốn này.

Ông Trần Đức Hiển, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài TP HCM, cho biết đề án được xây dựng nhằm huy động tối đa nguồn lực kiều hối chuyển về, tạo sự phối hợp giữa các cơ quan, ban, ngành, địa phương, tổ chức tín dụng trong thu hút, sử dụng và phát huy hiệu quả nguồn lực kiều hối. Xây dựng một hệ thống thông tin liên kết giữa người Việt ở nước ngoài và các đơn vị, chính quyền, doanh nghiệp, tổ chức trong nước nhằm tạo ra sự kết nối, hỗ trợ nhau...

Về mục tiêu cụ thể, giai đoạn 2023-2025, TP HCM sẽ tăng tổng số kiều hối lên ít nhất 10% mỗi năm. Xây dựng hệ thống thông tin liên kết giữa người Việt Nam ở nước ngoài và TP HCM đạt ít nhất 90% tổng số người Việt ở nước ngoài. Kêu gọi kiều bào đầu tư các dự án phát triển giáo dục, y tế và môi trường tại thành phố cũng như đóng góp vào các dự án phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn...

Nắn dòng kiều hối vào đầu tư, kinh doanh

Theo chuyên gia kinh tế, TP HCM cần hoàn thiện cơ chế, chính sách trong việc thu hút, kiểm soát và nắn dòng tiền vào hoạt động đầu tư góp phần phát triển kinh tế. Chính sách không nên mang tính hình thức mà cần tạo môi trường đầu tư thuận lợi về cơ sở hạ tầng như giao thông, viễn thông, cải cách thủ tục hành chính... đem lại tác động tích cực trong thu hút kiều hối vào hoạt động đầu tư có hiệu quả.

TP HCM có thể phát hành trái phiếu với thời hạn 5, 10 năm để thu hút nguồn kiều hối, vận động kiều bào tham gia xây dựng các công trình hạ tầng, kỹ thuật, hạ tầng xã hội như trường học, bệnh viện, thể dục thể thao; hạ tầng kinh tế như trung tâm hội chợ, triển lãm, trung tâm logistics... góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Đóng góp cho dự thảo đề án, nhiều công ty kiều hối đề xuất cần nghiên cứu xây dựng và áp dụng công nghệ thông tin trong việc quản lý công ty khởi nghiệp đang cần vốn đầu tư. TP HCM có thể công bố thông tin cụ thể của các công ty này lên website, ứng dụng của sở, ban ngành liên quan để kiều bào tìm hiểu, nghiên cứu rót vốn đầu tư. Như Sở Du lịch TP HCM có thể nghiên cứu, xây dựng các chính sách thu hút du lịch tại địa bàn, không chỉ thu hút nhóm kiều bào về thăm thân, tìm hiểu quê hương mà cả khách du lịch từ các nước trên thế giới. "Trước đại dịch, một lượng kiều hối khá lớn đến từ du lịch khi du khách, kiều bào đến Việt Nam không cần mang theo nhiều tiền mặt mà có thể sử dụng dịch vụ chuyển tiền kiều hối để nhận tiền và chi tiêu khi ở Việt Nam" - đại diện công ty kiều hối Vietcombank nói.

Ông Nguyễn Đức Thái Hân, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB), cho rằng các tổ chức tài chính trong nước cần tăng cường hoạt động thỏa thuận ký kết về dịch vụ tài chính, đa dạng hình thức chuyển tiền tại thị trường tiềm năng như châu Âu, châu Úc để "kéo" nguồn kiều hối tiếp tục về đầu tư trong nước. "Cần có chính sách, giải pháp tăng cường thu hút kiều hối trong hoàn cảnh mới như chương trình khuyến mại quà tặng đối với người gửi và người nhận; khuyến khích người nhận bằng VNĐ để gửi tiết kiệm với lãi suất hấp dẫn. Đầu tư đổi mới công nghệ, kết nối với các đối tác nước ngoài để khách hàng chuyển tiền trực tuyến, bảo đảm giao dịch an toàn, thông suốt..." - ông Thái Hân nói. 

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 23-5

Theo các chuyên gia, TP HCM có thể nghiên cứu hình thành các quỹ sản xuất từ dòng kiều hối như quỹ kiều hối bất động sản, quỹ kiều hối hỗ trợ sản xuất nhỏ và vừa, quỹ đầu tư kiều bào... để hỗ trợ nhà đầu tư người Việt tại nước ngoài quay về lập nghiệp, kinh doanh trên cơ sở nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế về khuyến khích kiều hối ở Trung Quốc, Ấn Độ, Philippines.

Xem thêm: mth.70852800232503202-teib-cad-hcas-hnihc-oc-nen-ioh-ueik-ut-gnav-cul-nougn-tuh-uht/et-hnik/nv.moc.dln

Comments:0 | Tags:No Tag

“Thu hút "nguồn lực vàng" từ kiều hối (*): Nên có chính sách đặc biệt”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools