Theo quy mô đầu tư, dự án này có tổng chiều dài 16km. Dự án có diện tích thu hồi khoảng 138ha, trong đó TP Biên Hòa gần 62ha và huyện Long Thành gần 77ha. Số hộ được bồi thường, hỗ trợ khoảng 1.557 hộ (TP Biên Hòa khoảng 904 hộ, huyện Long Thành 653 hộ).
Vướng mắc nhiều thứ
Ông Nguyễn Hồng Quế - phó giám đốc phụ trách Ban Quản lý dự án bồi thường, giải phóng mặt bằng và hỗ trợ tái định cư tỉnh Đồng Nai - khẳng định việc bồi thường, giải phóng mặt bằng đang vướng mắc nhiều thứ.
Cụ thể, theo ông Quế, UBND TP Biên Hòa đã ban hành thông báo thu hồi đất và phê duyệt kế hoạch khảo sát đo đạc, kiểm đếm. Ban đã phối hợp chính quyền phường Tam Phước, Phước Tân để họp dân, công bố thông báo thu hồi đất và bồi thường.
Hầu hết người dân đồng tình với chủ trương đầu tư làm tuyến cao tốc. Trong khi đó, phía huyện Long Thành (liên quan đến dự án thành phần 1, thành phần 2) của tuyến cao tốc trên hiện vẫn chưa ra thông báo thu hồi đất cho dân.
"Điều này sẽ ảnh hưởng đến tiến độ của dự án. Bởi theo điều 67 Luật đất đai 2013, đất nông nghiệp phải thông báo trước cho dân 3 tháng và đất phi nông nghiệp là 6 tháng mới thu hồi đất, bồi thường cho dân", ông Quế giải thích.
Cũng theo ông Quế, ban làm chủ đầu tư tiểu dự án bồi thường nhưng vướng một số thủ tục nên hiện UBND tỉnh vẫn chưa phê duyệt phương án đo đạc, thi công của dự án thành phần 1, thành phần 2.
Vì thế, ban chưa thể ký hợp đồng với đơn vị tư vấn để lập bản đồ, hồ sơ thu hồi đất. Mặt khác, ban cũng đang kiến nghị bố trí nguồn vốn 1.240 tỉ đồng để giải ngân thực hiện các khoản chi cho dự án.
Vậy giải pháp nào để việc giao mặt bằng sớm hơn? Ông Quế cho hay qua họp dân cũng đã có nhiều hộ đề nghị Nhà nước thu hồi đất trước thời hạn (3 tháng, 6 tháng theo quy định).
Vì vậy, ban bồi thường đã kiến nghị UBND tỉnh Đồng Nai cho kiểm đếm đất đai và tài sản trên đất của các tổ chức và đất nông nghiệp của các hộ gia đình, cá nhân để phê duyệt chi trả bồi thường cho những hộ không thuộc diện phải tái định cư để họ giao mặt bằng.
Không kịp tái định cư
UBND tỉnh Đồng Nai cho hay tỉnh đã quy hoạch bốn khu tái định cư cho dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu. Cụ thể, TP Biên Hòa đã quy hoạch hai khu tái định cư tại phường Phước Tân và phường Tam Phước. Tại huyện Long Thành, quy hoạch khu tái định cư tại xã Long Phước gần 34ha và khu tái định cư Long Đức với quy mô 30ha (đang xây dựng).
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, dù dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu qua địa bàn Đồng Nai sắp khởi công nhưng đến nay vẫn chưa có chỗ để tái định cư.
Trả lời về chuyện tái định cư, ông Nguyễn Hồng Quế thông tin: "Chúng tôi đã xuống đối thoại với người dân nhường đất làm cao tốc để giải thích từng vấn đề. Người dân ở phường Tam Phước muốn về khu tái định cư sân bay Long Thành, còn người dân ở phường Phước Tân muốn tái định cư tại chỗ".
Ông Quế nói rằng TP Biên Hòa dù đã quy hoạch hai khu tái định cư cho cao tốc nhưng không thể kịp tiến độ để bố trí tái định cư cho dân.
Lý do, không thể thực hiện việc thu hồi đất và phê duyệt phương án bồi thường cho các hộ bị thu hồi đất bởi theo Luật đất đai 2013 "phải có tái định cư mới ký quyết định thu hồi đất và phê duyệt phương án bồi thường".
Còn tại Long Thành, khu tái định cư ở xã Long Phước gần 34ha chưa thể khởi công được do vướng đến diện tích đất cao su và vướng chuyện kiểm toán đất có cây cao su ở dự án sân bay Long Thành.
Nói về tiến độ dự án, ông Võ Tấn Đức - phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai - cho hay tỉnh đã chỉ đạo các ngành phải khẩn trương xử lý ngay các vướng mắc ở dự án này.
Cũng theo ông Đức, dự án có liên quan đến phần đất của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và Tập đoàn Cao su Việt Nam nên tỉnh cũng đã có văn bản đề nghị có ý kiến để chấp thuận bàn giao đất nhằm sớm thực hiện đồng bộ các dự án trọng điểm.
Yêu cầu kiểm điểm vì để chậm tiến độ dự án
Với việc chậm trễ này, bà Nguyễn Thị Hoàng, phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, yêu cầu UBND TP Biên Hòa nghiêm túc kiểm điểm rút kinh nghiệm trong việc thẩm định, phê duyệt các khu tái định cư, làm chậm trễ thực hiện dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu.
Đồng thời, giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông chủ động liên lạc với các bộ ngành trung ương hoàn chỉnh các thủ tục liên quan đến dự án này và dự án vành đai 3 TP.HCM để đủ cơ sở pháp lý để khởi công ngày 30-6 theo nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ giao.
Mặt bằng cho vành đai 3 TP.HCM cũng chậm
Hiện tiến độ giải phóng mặt bằng dự án thành phần 3 - xây dựng đường vành đai 3 TP.HCM, đoạn qua huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai với chiều dài tuyến gần 12km cũng đang chậm trễ.
Cụ thể, việc cắm cọc giải phóng mặt bằng, bàn giao cho địa phương chậm 128 ngày so với nghị quyết của Chính phủ. Riêng công tác lập, thẩm định, phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi chậm 84 ngày.
Theo UBND tỉnh Đồng Nai, tuyến trên có 468 hộ bị thu hồi đất và tái định cư cho khoảng 250 hộ. Các hộ dân sẽ được tái định cư tại hai khu tái định cư Phú Đông và Phú Hội.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Tấn Đức cũng cho hay riêng dự án này, tỉnh đã yêu cầu các đơn vị liên quan khẩn trương đo vẽ, thu hồi đất… để triển khai đồng loạt dự án.
Ban Quản lý dự án 85 (Bộ Giao thông vận tải, đơn vị đại diện chủ đầu tư) vừa thông báo đấu thầu các gói xây lắp dự án thành phần 2 (dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1).