Theo Đài CNN, một nhóm các nhà khoa học và nhà nghiên cứu quốc tế đã làm việc tại Thái Lan, Myanmar, Lào, Campuchia và Việt Nam trong hai năm (2021-2022) và khám phá ra 400 loài động thực vật mới.
Theo báo cáo của WWF, các nhà khoa học đã phát hiện mới tổng cộng 290 loài thực vật, 19 loài cá, 24 loài lưỡng cư, 46 loài bò sát và một loài động vật có vú ở khu vực này.
Nhà nghiên cứu K. Yoganand, trưởng nhóm động vật hoang dã lưu vực Mekong của WWF, cho biết: “Những loài đáng chú ý này có thể là loài động thực vật mới đối với khoa học, nhưng chúng đã tồn tại và phát triển ở lưu vực sông Mekong trong hàng triệu năm. Điều này nhắc nhở rằng chúng đã ở đó rất lâu trước khi loài người chúng ta chuyển đến sống ở khu vực này".
Những khám phá mới nhấn mạnh sự đa dạng sinh học phong phú của tiểu vùng sông Mekong mở rộng, nơi sinh sống của hơn 300 triệu người, bao gồm Thái Lan, Myanmar, Lào, Campuchia và Việt Nam. Tuy nhiên, phát hiện này cũng làm nổi bật các mối đe dọa đang gia tăng đối với động vật hoang dã, do thói quen lấn chiếm môi trường tự nhiên của con người gây ra.
GS.TS Nguyễn Quảng Trường, chủ tịch hội đồng khoa học Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, thuộc Viện hàn lâm Khoa học công nghệ Việt Nam - người đã viết lời tựa cho báo cáo phát hiện của WWF, cho biết: "Sự đa dạng sinh học ở khu vực tiểu vùng sông Mekong mở rộng phải đối mặt với những áp lực to lớn từ phát triển kinh tế và gia tăng dân số. Tình trạng này dẫn đến nạn phá rừng, ô nhiễm và khai thác quá mức tài nguyên thiên nhiên".
Ông Mark Wright, giám đốc khoa học của WWF-UK, nhấn mạnh báo cáo này cho chúng ta biết về “sự đa dạng và sáng tạo phi thường của tự nhiên”. Đồng thời, báo cáo cũng là “lời nhắc nhở kịp thời về mối nguy hiểm cực độ mà rất nhiều loài động thực vật và môi trường sống này phải đối mặt".
Ông nói nguy cơ tuyệt chủng các loài động thực vật ở đây đang hiển hiện nếu không có hành động khẩn cấp bảo vệ chúng.
Một trong số các loài mới được đặt tên là loài Lamarckdromia beagle, là loài cua đặc biệt khi tự “đội thêm chiếc mũ bảo vệ” bằng lớp bọt biển lấy từ đáy biển để ngụy trang khỏi những kẻ săn mồi.
Xem thêm: mth.88970953142503202-aod-ed-ib-gnokem-gnos-gnuv-ueit-o-iom-tav-cuht-gnod-iaol-004-nag/nv.ertiout