Trong một căn hầm có hệ thống an ninh nghiêm ngặt ở Mayfair, London, nơi có tủ kính đủ dày để chống đạn cùng 4 phòng có bảo vệ canh gác suốt ngày đêm, một số người giàu nhất thế giới đã đến để cất giữ vàng.
Các két sắt nhỏ bên trong có mức phí thuê tới 12.000 bảng/năm, được dự kiến sẽ được lấp đầy vào cuối năm nay khi ngày càng nhiều khách hàng đến để trữ vàng. Đây là dấu hiệu cho thấy thời kỳ khó khăn sắp đến.
Ashok Sewnarain, CEO của IBV Internationa Vaults, công ty vận hành kho két này, cho biết khách hàng đang ngày càng cảnh giác với “trật tự thế giới mới”. Họ không tin tưởng vào các ngân hàng, lạm phát cao và sự chia rẽ trên toàn cầu, cũng như lượng dự trữ tiền tệ trên thế giới.
Cơn sốt mua vàng của giới thượng lưu toàn cầu đang được thể hiện ở ngay động thái của các NHTW tại những thị trường mới nổi. Năm ngoái, họ đã mua 1.079 tấn vàng thỏi - mức cao nhất kể từ năm 1950. Theo đó, giá vàng giao dịch ở gần mức cao kỷ lục với 2.072 USD/ounce kể từ cuối tháng 3. Nhiều nhà đầu cơ đang nín thở chờ đợi mức đỉnh mới sẽ được thiết lập.
Từ lâu, vàng đã là tài sản an toàn trong thời kỳ hỗn loạn. Điều này cho đến nay vẫn đúng, khi đại dịch bùng phát, mâu thuẫn Nga - Ukraine nổ ra, lo ngại lạm phát, nợ toàn cầu gia tăng, lãi suất cao và những bất ổn của ngành ngân hàng. Tất cả những yếu tố này đã khiến giới đầu tư lại tìm đến các loại tài sản an toàn, trong đó có vàng.
Ngoài ra, một yếu tố địa chính trị khác cũng được giới đầu tư cân nhắc, khi các nước đang phát triển cảnh giác với sức mạnh của đồng bạc xanh. Sau khi phương Tây trừng phạt Nga bằng cách đóng băng 300 tỷ USD dự trữ ngoại hối của Nga bằng USD, đồng euro và bảng Anh, nhiều nước nắm giữ USD đã lo ngại và đa dạng hoá kho dự trữ, mua thêm vàng.
Một số quan chức NHTW, nhà quản lý quỹ và nhà đầu tư nhỏ lẻ đã đặt câu hỏi liệu thế giới có đang chuẩn bị bước vào thời kỳ “mạ vàng” mới hay không. Một số nhà dự báo cho rằng, vàng có thể tăng lên mức kỷ lục là 3.300 USD/ounce, tương đương năm 1980 khi lạm phát tăng phi mã do ảnh hưởng của giá dầu và bất ổn ở Trung Đông.
Vậy, liệu vàng sẽ còn được ưa chuộng trong bao lâu?
Vàng là thước đo nỗi sợ
Động lực chính thúc đẩy giá vàng chính là mối lo ngại với các tài sản khác. Khi thị trường biến động hơn trong vài tháng gần đây, nhà đầu tư quay trở lại với vàng. Kể từ tháng 11, vàng tăng 20% và giao dịch gần mốc 2.000 USD sau khi 3 ngân hàng khu vực của Mỹ sụp đổ và UBS tiếp quản Credit Suisse.
Theo Ross Norman, CEO của Metals Daily, cho biết vàng thể hiện tâm lý sợ hãi trên thị trường tài chính.
Đối với một số người, đây là thời điểm họ thể hiện niềm tin về nền kinh tế toàn cầu. David Franks, một chủ nhà hàng ở Anh, đang nắm giữ hơn 2 triệu bảng dưới dạng vàng thỏi, vàng xu và cổ phiếu ngành khai thác nhưng không đầu tư vào TTCK.
Franks nói: “Đến lúc nào đó, thế giới sẽ thức tỉnh trước việc Mỹ vỡ nợ. Tôi không thấy câu trả lời nào khác cho vấn đề này ngoài vàng và bạc. Nếu nắm giữ từ năm 2008 mà thấy không hiệu quả, thì yên tâm, một ngày nào đó nó sẽ tăng giá trị.”
Franks lo sợ rằng thị trường sẽ thiếu các loại tài sản có thể đầu tư ngoài vàng khi mối lo về khủng hoảng và thảm hoạ bùng lên. Tâm lý tương tự càng được thể hiện rõ khi các cuộc đàm phán về trần nợ của Mỹ vẫn bế tắc.
Mark Bristow, chủ tịch và CEO của Barrick Gold, nhà sản xuất vàng lớn thứ 2 thế giới, cũng đồng tình với Franks. Ông lập luận rằng các NHTW trên thế giới đã không còn lựa chọn, “ông thần” lạm phát đã thoát khỏi chiếc bình và các quốc gia mới nổi phải đối mặt với nguy cơ rơi vào vòng xoáy nợ USD.
Nỗ lực giảm sự phụ thuộc vào đồng USD
Ngoài nhà đầu tư nhỏ lẻ, việc vàng tăng giá một phần được thúc đẩy bởi xu hướng đa dạng hoá khỏi đồng USD. Kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, nhiều quốc gia đã nỗ lực đa dạng hoá kho dự trữ. Theo đó, tỷ lệ dự trữ ngoại hối toàn cầu đối với đồng USD giảm từ hơn 70% trong năm 2000 xuống dưới 60% hiện nay. Sự thay đổi đó được Nga, Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ và Ấn Độ dẫn đầu.
Đối với Nga, các biện pháp trừng phạt của phương Tây chỉ khiến họ càng thêm phụ thuộc vào vàng. Sau cuộc khủng hoảng tài chính 2008, Tổng thống Vladimir Putin đã đánh giá dự trữ vàng và kho dự trữ ngoại tệ vững chắc của Nga là “tấm đệm an toàn”. 3 năm sau, NHTW âm thầm tăng tỷ trọng của kim loại quý trong kho dự trữ quốc tế của mình. Hiện tại, vàng chiếm khoảng 25% trong số 600 tỷ USD dự trữ của Nga, tăng gần gấp 6 lần kể từ năm 2007.
Trong khi đó, PBOC có lượng dự trữ ngoại hối lớn nhất thế giới với khoảng 3,2 nghìn tỷ USD và thông báo liên tục mua thêm vàng trong 6 tháng. Song, nhiều người trong ngành cho rằng PBOC mua nhiều hơn số liệu được công bố chính thức.
Oliver Ramsbottom, thành viên ban lãnh đạo của McKinsey, nhận định việc này có thể giúp Trung Quốc thách thức đồng bạc xanh. Ông nói: “Việc Trung Quốc liên tục mua vàng có thể hiểu là một phần trong chính sách dài hạn nhằm nới lỏng việc kiểm soát vốn, theo đó tăng sức cạnh tranh của đồng NDT với USD.”
Các nền kinh tế gặp khó khăn, thường nợ nhiều bằng đồng USD, cũng chuyển sang “gom” vàng. Trước khi vỡ nợ vào tháng 12, Ghana, quốc gia sản xuất vàng lớn thứ 6 thế giới, đã đề xuất việc thanh toán hàng nhập khẩu bằng vàng thỏi. Một số quốc gia khai thác khác như Zimbabwe đang cho ra mắt đồng tiền số mới được hỗ trợ bằng vàng để ứng phó với tình trạng đồng nội tệ mát giá.
Sau cơn sốt vàng sẽ là gì?
Khi vàng đang “toả sáng”, thì khó có thể dự đoán đà tăng này sẽ kéo dài bao lâu. Các chuyên gia dự báo đôi khi được so sánh với những người ngồi ghế quay mặt về phía sau, họ chỉ có thể nhìn thấy những gì đã xảy ra chứ không phải những gì ở phía trước.
Nguyên nhân một phần là do 12 nghìn tỷ USD vàng đã được khai thác, với nguồn cung tăng 2% vào năm ngoái khi các yếu tố “co và kéo” giá vàng trở nên phức tạp. Giá vàng đã giảm tức mức 1.920 USD vào năm 2011 sau khủng hoảng tài chính xuống còn gần 1.200 USD vào 2 năm sau.
Trong ngắn hạn, yếu tố chính quyết định giá vàng sẽ là lộ trình cân bằng giữa việc duy trì nền kinh tế lành mạnh và kiểm soát lạm phát của Fed. Đây sẽ là điểm mấu chốt cho việc liệu các nhà quản lý tài sản có đổ xô mua vàng cùng nhà đầu tư nhỏ lẻ hay các NHTW hay không, sau 10 tháng liên tiếp các quỹ ETF vàng chứng kiến dòng outflow (tính đến tháng 3).
Tuần trước, quan chức Fed phát tín hiệu rằng sẽ không ngại tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát. Động thái này khiến giá vàng giảm xuống khoảng 1.970 USD. Việc mức tăng 4,9% từ tháng 4 hạ nhiệt cùng mục tiêu đưa lạm phát xuống 2% được dự kiến sẽ khiến tâm lý hứng khởi với vàng sụt giảm. Thoả thuận về trần nợ của Mỹ nếu được thông quá cũng có thể gây áp lực cho giá vàng.
Về lâu dài, nhu cầu với kim loại quý này có thể giảm do tình hình tài chính của ngành khai thác vàng, đặc biệt là lĩnh vực này đang chịu áp lực lớn trong việc giảm lượng khí thải, tác động đến môi trường và phải trở nên minh bạch hơn.
Vàng là một trong số những nguyên tố ít phản ứng nhất, cũng không có vai trò trực tiếp trong quá trình chuyển đổi năng lượng. Chỉ 8% vàng được sử dụng trong các ứng dụng như công nghệ, y học và công nghiệp, phần còn lại là dành cho trang sức và đầu tư. Ngoài ra, xu hướng giảm khí thải carbon cũng gây khó khăn cho các công ty khai thác vàng, khi nhiều nhà nghiên cứu đang kêu gọi hạn chế hoạt động này vì tác động xấu đến môi trường.
Dù Hội đồng Vàng Thế giới (WGC) đang lên kế hoạch cho một đồng stablecoin được hỗ trợ bởi vàng, song Andreas Habluetzel, CEO của Degussa Goldhandel, cửa hàng vàng ở châu Âu, cho rằng những thách thức về số hoá và thế hệ sẽ hạn chế đà tăng giá của vàng.
Dẫu vậy, những người ủng hộ tiền số cũng có ít nhất điểm chung với những người “mê vàng”. Họ cho rằng hệ thống đồng tiền pháp danh sẽ bị phá vỡ và tạo ra một thảm hoạ.
Hơn nữa, khi nhiều mối rủi ro vẫn hiện hữu trong nền kinh tế toàn cầu, cùng với việc cổ phiếu, trái phiếu có xu hướng đảo ngược đà tăng trong 20 năm qua, thì nhiều người vẫn tiếp tục đặt niềm tin vào kim loại quý này.
Tham khảo FT