vĐồng tin tức tài chính 365

Kinh tế Việt Nam: Đối diện thách thức, quyết tâm vượt khó

2023-05-25 08:18

Hơn 1/3 chặng được của năm 2023 đã đi qua và đây là giai đoạn đã được dự báo trước sẽ có những "cơn gió ngược" thử thách những con tàu kinh tế của hầu hết các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Sự suy giảm toàn cầu và các điều kiện tài chính khó khăn đã bắt đầu đè nặng lên mọi hoạt động kinh tế ở Việt Nam trong năm nay với những tác động hiện hữu chứ không chỉ dừng lại ở những cảm nhận. Với một nền kinh tế có độ mở lớn, những "cơn gió ngược" đã tác động đến hoạt động xuất nhập khẩu, sản xuất công nghiệp, tài chính và kể cả thu hút FDI.

Kết quả kinh tế xã hội quý I (GDP tăng 3,32%) vừa qua cho thấy tuy tăng trưởng chưa đạt mức cao như kỳ vọng nhưng vẫn là kết quả đáng ghi nhận cho quyết tâm rất cao của hệ thống chính trị, của từng doanh nghiệp và người dân nhằm hạn chế thấp nhất khó khăn, tìm ra những kẽ hở cho tăng trưởng, giữ vững ổn định vĩ mô, kiềm chế lạm phát và đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế.

Nhận thức rõ những khó khăn thách thức rất lớn của năm nay, ngay từ đầu năm, nhiều nghị quyết, chỉ thị, công điện đã được Chính phủ ban hành với tinh thần kỷ cương, linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả để kịp thời đối mặt và chủ động vượt qua các thách thức.

Thúc giải ngân vốn đầu tư công – động lực cho tăng trưởng

Sau 2 năm chống chọi với đại dịch COVID-19 và chịu sức ép từ kinh tế thế giới vốn có nhiều biến động, nguồn lực trong nước đã rất hạn chế. Nguồn vốn từ giải ngân đầu tư công được coi là nguồn vốn đặc biệt cho tăng trưởng. Chính phủ xác định đây là một nhiệm vụ chính trị quan trọng, do đó, yêu cầu các bộ, ngành, địa phương quyết liệt triển khai các giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công.

Theo ông Đỗ Thành Trung, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến thời điểm gần cuối tháng 5, các địa phương đã giải ngân được khoảng 110.000 tỷ đồng, đạt 15,56% so với kế hoạch. So với cùng kỳ những năm về trưởng, tỷ lệ giải ngân, về số tương đối thì thấp hơn số tuyệt đối giải ngân thì cao hơn rất nhiều.

"Tôi cho rằng đây là nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị từ trung ương đến địa phương. Quốc hội thì thường xuyên thực  hiện vai trò là người đồng hành, đồng thời giám sát, kịp thời cùng Chính phủ sửa đổi những quy định pháp luật liên quan. Trong khi đó, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ ngành, địa phương sát sao, giải quyết một cách kịp thời, hiệu quả những điểm nghẽn trong đầu tư công", ông Đỗ Thành Trung cho biết.

Ông Trung cho biết thêm, nhiệm kỳ này, Quốc hội đã phê duyệt một loạt các chủ trương dự án chủ trương đầu tư, ngay trong năm thứ 2 của kế hoạch đầu trung hạn. Đó là cơ sở để chuẩn bị cho công tác chuẩn bị đầu tư như đền bù, giải phóng mặt bằng, thiết kế, lập dự toán… 

Nếu công tác chuẩn bị đầu tư tốt, dự án không phải điều chỉnh trong quá trình thực hiện, các thủ tục được thực hiện nhanh. Người đứng đầu Chính phủ cũng liên tục có những công điện, chỉ thị yêu cầu các bộ phận, các cấp, các bộ ngành, địa phương tập trung thực hiện các khâu chuẩn bị đầu tư.

Theo ông Phùng Đức Tùng, Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển Mekong, thách thức lớn nhất với câu chuyện giải ngân vốn đầu tư công là "năng lực thực thi".

Những kết quả đã đạt được trong 5 tháng đầu năm, trong đó nổi bật là những công trình trọng điểm liên quan đến hạ tầng, đã thể hiện quyết tâm rất lớn của Chính phủ, Thủ tướng chính phủ trong việc nhìn thấy rằng động lực tăng trưởng kinh tế năm nay phụ thuộc lớn vào vấn đề đầu tư công.

"Cơ sở hạ tầng không chỉ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của năm nay mà còn là yếu tố thúc đẩy tăng trưởng dài hạn", ông Phùng Đức Tùng nhấn mạnh.

Đồng hành cùng người dân và doanh nghiệp

Trong 4 tháng đầu năm nay nhiều chính sách, quyết sách quan trọng đã được Chính phủ, các Bộ ngành ban hành nhằm gỡ khó cho người dân và doanh nghiệp, cũng như cộng đồng kinh tế.

Đầu tiên là tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy các thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp (Nghị định 08), thị trường bất động sản (Nghị quyết 33), giải ngân vốn đầu tư công, đôn đốc các công trình trọng điểm quốc gia với 5 tổ công tác được thành lập.

Bên cạnh đó, cũng cho phép các tổ chức tín dụng cơ cấu lại nợ, gia hạn nợ, mua lại trái phiếu doanh nghiệp với thông tư 02 và 03 của Ngân hàng Nhà nước; gia hạn thời gian nộp thuế, tiền thuê đất (Nghị định 12) và đang trình cấp có thẩm quyền xem xét giảm thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất; đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh (Nghị quyết 58). 

Chính phủ cũng chỉ đạo xử lý vướng mắc về mua sắm thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế (Nghị quyết 30 và Nghị định 07); tập trung xử lý quyết liệt, có hiệu quả với các doanh nghiệp, dự án thua lỗ, các ngân hàng yếu kém. Trong 12 dự án thua lỗ ngành công thương, đã tìm được đầu ra cho 8 dự án. Đồng thời cơ cấu lại các ngân hàng thương mại được kiểm soát đặc biệt và xử lý các vấn đề liên quan Ngân hàng SCB...

Chính phủ, các Bộ ngành, địa phương cũng tập trung thúc đẩy các dự án hạ tầng chiến lược, vừa khánh thành các tuyến cao tốc Mai Sơn – Quốc lộ 45, Dầu Giây – Phan Thiết, Phan Thiết – Vĩnh Hảo, Cam Lâm–Nha Trang; sẽ khởi công 12 dự án cao tốc Bắc – Nam phía đông giai đoạn 2 với chiều dài 729 km và khẩn trương chuẩn bị khởi công các dự án kết nối đông tây, các tuyến vành đai 4 Hà Nội, vành đai 3 TP Hồ Chí Minh.

Trong khi đó, Quốc hội cũng luôn đồng hành cùng Chính phủ để giải quyết những khó khăn mà thực tế đặt ra, thể hiện ở những nghị quyết, chính sách được ban hành trong thời gian qua.

Trong 4 tháng đầu năm nay, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký mới tăng 11,1%. Tính đến ngày 20/4, cả nước có 750 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư tăng trên 65% so với cùng kỳ năm trước về số dự án.

Nổi bật là Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 80 cho phép tiếp tục sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc, qua đó gỡ khó cho ngành Y tế, trong việc đảm bảo nguồn cung và gỡ khó các doanh nghiệp cung ứng thuốc trên thị trường. Cùng với đó là thông qua Luật Khám chữa bệnh sửa đổi, góp phần thể chế hóa kịp thời chủ trương của Đảng về việc tăng cường chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho nhân dân trong tình hình mới.

Quốc hội cũng thông qua Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 -2030. Quy hoạch quốc gia định hướng các hành lang kinh tế theo trục Bắc Nam và hướng Đông Tây, ưu tiên các hành lang kinh tế gắn với vùng động lực quốc gia để thúc đẩy tăng trưởng và hiệu ứng lan tỏa.

Quốc hội cũng xem xét và sẽ quyết định về việc điều chỉnh giảm 2% thuế VAT trong kì họp thứ 5 đang diễn ra.

Ghìm cương lãi suất, hỗ trợ doanh nghiệp

Trong khi hầu hết các nền kinh tế trên thế giới đang phải liên tục tăng lãi suất, chấp nhận những nguy cơ rủi ro lên hệ thống ngân hàng để kéo lùi lạm phát, thì tại Việt Nam, thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã ba lần giảm lãi suất điều hành.

Theo các chuyên gia đây là tín hiệu tích cực để các ngân hàng thương mại tiếp tục giảm lãi suất huy động và lãi suất cho vay hỗ trợ người dân và doanh nghiệp

"So với cuối năm 2022, mặt bằng lãi suất đã giảm khoảng 2,5 - 3%. Chúng tôi có những gói ưu đãi để giúp khách hàng phục hồi sản xuất, kinh doanh. Ví dụ gói 7,99% cho vay ngắn hạn và 10,49% cho vay dài hạn", ông Bùi Thành Trung, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng OCB, cho hay.

Trên cơ sở các điều kiện vĩ mô ổn định hơn, lạm phát có dấu hiệu hạ nhiệt, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4 đã giảm 0,34% so với tháng trước; mặt bằng lãi suất được dự báo có thể giảm thêm trong nửa cuối năm.

"Tốc độ lạm phát dự báo khoảng 4 - 4,5% thì khả năng huy động lãi suất đối với các tổ chức tín dụng cũng như lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước có thể ở mức sẽ giảm dần và từ giờ đến cuối năm tôi cho rằng sẽ giảm 0,5%", ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, cho biết.

Kinh tế Việt Nam: Đối diện thách thức, quyết tâm vượt khó - Ảnh 7.

Mặt bằng lãi suất được dự báo có thể giảm thêm trong nửa cuối năm nhằm hỗ trợ tốt hơn cho các doanh nghiệp

"Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã và đang quyết tâm giảm mặt bằng lãi suất. Chúng ta cũng cần đẩy nhanh hơn quá trình cơ cấu lại các tổ chức tín dụng để đảm bảo lành mạnh hóa hệ thống, cũng như giảm bớt sự cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến câu chuyện lãi suất, qua đó hỗ trợ cho chúng ta giảm lãi suất ở mức tích cực hơn", ông Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV, nhận định.

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng khuyến nghị việc giảm lãi suất cần lưu ý tới lạm phát và ổn định tỷ giá. Bởi hiện nay, áp lực tăng lãi suất ở các nền kinh tế lớn vẫn hiện hữu. Ngoài ra, những nút thắt, điểm nghẽn trong cho vay cần được tháo gỡ để dòng vốn tới được tay doanh nghiệp cần vốn.

Nhu cầu yếu từ các đối tác thương mại lớn

Dù đã có những nỗ lực rất lớn song theo các chuyên gia, thách thức phía trước với kinh tế Việt Nam vẫn còn rất nhiều. Sự phục hồi chậm và suy giảm nhu cầu tiêu dùng của các đối tác thương mại lớn đang tác động mạnh đến sản xuất và đầu tư trong nước.

Liên minh châu Âu (EU) là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 5 tại Việt Nam, tuy nhiên khu vực này chưa thoát khỏi những dư chấn từ đại dịch COVID-19 từ đầu năm 2020, hoạt động sản xuất công nghiệp tại đây đang phải đối mặt với những cú sốc liên tiếp do Nga cắt nguồn cung khí đốt khiến giá năng lượng tăng cao, đẩy lạm phát và lãi suất tăng mạnh.

Những rủi ro về triển vọng kinh tế, sự thiếu hụt và tăng giá của hàng loạt nguồn cung đầu vào sản xuất, khiến các doanh nghiệp châu Âu đang phải thu hẹp quy mô hoạt động.

Trong khi đó, lạm phát vẫn ở mức cao là nguyên nhân khiến người tiêu dùng Mỹ dè dặt. Nhu cầu tiêu thụ trong nước yếu khiến việc nhập khẩu hàng hóa từ bên ngoài giảm theo. Theo số liệu của Bộ Thương mại Mỹ, nhập khẩu hàng hóa của nước này đã chứng kiến 2 tháng giảm liên tiếp sau khi tăng trong tháng 1. Trong số các quốc gia chịu tác động của sự suy giảm đó có Việt Nam.

"Trong năm 2022 các nhà nhập khẩu, các chuỗi phân phối của Mỹ đã thu mua một số lượng đơn hàng lớn để phục vụ cho nền kinh tế phục hồi sau đại dịch. Tuy nhiên mức tiêu thụ không như kỳ vọng khiến lượng hàng tồn kho còn rất nhiều. Do đó họ đã cắt giảm các đơn hàng trong năm 2023", ông Nguyễn Mạnh Hùng, Trưởng đại diện văn phòng XTTM Việt Nam tại New York cho biết.

Theo bà Dorsati Madani, Chuyên gia kinh tế cao cấp, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, trong 4 tháng đầu năm, xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ đã giảm khoảng 22%. Con số này với EU là 14%.

Áp lực thế giới đang khiến rất nhiều ngành hàng chủ lực đối mặt với những ngày tháng khó khăn chưa từng có.

Dệt may, thuỷ sản đều ghi nhận mức sụt giảm đơn hàng rất mạnh. Nhiều DN chỉ còn 30-40% công suất, thậm chí tạm dừng sản xuất để đợi đơn hàng. Thậm chí nhiều chủ doanh nghiệp chia sẻ là "ăn đong từng ngày". Tình trạng này được dự báo sẽ còn kéo dài ít nhất đến tháng 7 tháng 8.

"Việt Nam do có tỷ trọng xuất khẩu lớn sang Mỹ và EU nên chắc chắn sẽ chịu tác động mạnh. Vì thế một trong những chính sách cần theo đuổi trong trung hạn là cố gắng đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Điều quan trọng là tận dụng các hiệp định thương mại tự do để tận dụng các thị trường mới, xuất khẩu mới, chuẩn bị ứng phó với những cú sốc trong tương lai", bà Dorsati Madani khuyến nghị.

Doanh nghiệp gặp khó khi tiếp cận nguồn vốn

Trong bối cảnh khó khăn về đơn hàng, với nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa, việc tiếp cận vốn vay cũng không dễ vì thiếu tài sản đảm bảo. Hiện nhiều ngân hàng có đưa ra các gói vay ưu đãi nhưng để tiếp cận được... không phải là điều dễ dàng.

Ghi nhận tại Công ty Hoa Sen 68, đơn vị chuyên chế biến cá xuất khẩu, cho thấy, vay ngân hàng với lãi suất từ 9 - 10%, nhưng doanh nghiệp vẫn không đủ tiền để nhập cá tươi về sản xuất, có thời điểm phải tạm dừng sản xuất.

Một vài tháng trở lại đây, công ty quyết định chuyển hướng, làm cá tuyết sấy khô để xuất khẩu. Đơn vị cần vốn để mở rộng nhà xưởng, đầu tư hệ thống máy móc mới. Tuy nhiên mặt bằng lãi suất hiện nay lại đang là quá sức.

Doanh nghiệp khó khăn khi tiếp cận các gói vay ưu đãi

"Lãi suất tăng cao ảnh hưởng trực tiếp đến chi phí vận hành, hàng bán nội địa hay xuất khẩu thì giá thành đều bị đẩy lên cao. Khi giá thành bị đẩy lên cao, doanh thu sẽ hạn chế. Đó là khó khăn", ông Nguyễn Văn Thành, Phó Giám đốc Công ty TNHH Hoa Sen 68, cho biết.

Công ty TNHH Việt Thắng Jean cũng đang cần vốn cho các đơn hàng xuất khẩu nửa cuối năm, nhưng vẫn chưa thỏa thuận được một mức lãi suất hợp lý với ngân hàng.

"Dòng tiền đối với chúng tôi là rất khó khăn, vừa phải chuẩn bị đầu vào, vừa gặp đầu ra", ông Phạm Văn Việt, Chủ tịch HĐQT, Công ty TNHH Việt Thắng Jean, chia sẻ.

97% doanh nghiệp của Việt Nam là nhỏ và vừa, đặc biệt trong bối cảnh lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp sụt giảm, họ cho rằng mặt bằng lãi suất từ 9 - 10% vẫn là quá cao và là rào cản lớn nhất khiến họ không tiếp cận được nguồn vốn.

"Hiện các nhà sản xuất rất khó đạt mức lợi nhuận 10% nên để cho nền kinh tế chung, cộng đồng doanh nghiệp tiếp cận được vốn và sử dụng được vốn có hiệu quả thì lãi suất nên ở mức 8% trở xuống", ông Võ Việt Dũng, Giám đốc Công ty TNHH sản xuất thương mại và đầu tư Anh Dũng, nói.

Theo ông Đỗ Thành Trung, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, khả năng hấp thụ tín dụng của nền kinh tế hiện này "còn thấp", và xuất hiện tình trạng "nợ vòng quanh" giữa nhà đầu tư, chủ đầu tư, nhà thầu, nhà cung cấp. Vì thế, đang tạo ra những "điểm nghẽn" về dòng tiền.

"Muốn vay thì phải có tài sản thế chấp trong khi tài sản lớn nhất là bất động sản hoặc là nguyên, nhiên vật liệu, hàng hóa đang có. Trong khi giá bất động sản giảm, nhu cầu thế giới giảm. Như thế, rất khó khăn để cầm cố hoặc tiếp cận vốn vay. Vì thế khi đối diện với áp lực về dòng tiền thì doanh nghiệp phải bán tài sản với giá trị thấp".

Cũng theo ông Trung, để tháo gỡ các điểm nghẽn này Chính phủ đã tiếp cận theo hướng các gói tín dụng chuyên ngành. Ví dụ như gói tín dụng cho bất động sản, cho xuất khẩu. Cách tiếp cận này được xem là đáp ứng được nhu cầu nhưng một điểm quan trọng vẫn là điều kiện cho vay.

Chờ những tín hiệu tích cực từ quý III

Theo tiến sỹ Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia, tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2023 đang đối mặt với nhiều thách thức và những khó khăn, thách thức này có thể sẽ kéo dài.

"Tôi hy vọng quý III có thể phục hồi nhẹ nhưng quý IV có thể rơi vào khó khăn lớn hơn khi thời tiết lạnh, khiến khủng hoảng năng lượng, nhiên liệu của châu Âu mạnh mẽ hơn", ông Nghĩa cho hay.

Các chuyên gia đánh giá, những bất ổn của kinh tế thế giới sẽ tác động trực tiếp tới Việt Nam từ lạm phát, tỷ giá, dòng vốn FDI, xuất khẩu… Tự lực cánh sinh được xem là liều thuốc hữu hiệu nay.

"Mặc dù kinh tế Trung Quốc đang mở cửa trở lại nhưng chúng ta cũng nhìn thấy tốc độ tăng trưởng và hiệu ứng lan tỏa khá thận trọng. Để tận dụng hết những lợi thế này, đòi hỏi chúng ta phải có những chính sách kinh tế chủ động hơn và đặc biệt luôn phải đề cao tinh thần tự lực cánh sinh trong bối cảnh kinh tế toàn cầu có nhiều bất trắc như hiện nay", Tiến sỹ Phạm Trung Thành, Giám đốc trung tâm nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Trung Quốc cho biết.

Nhiều chuyên gia nhận định, với những nỗ lực của Chính phủ và nhiều chính sách được ban hành hiện nay, quý III sẽ có những tín hiệu tích cực từ nền kinh tế.

"Niềm tin rất quan trọng. Niềm tin giải quyết được vấn đề hiện nay khi nguồn đang chết ở ngân hàng rất nhiều. Tín hiệu khả quan từ sản xuất kinh doanh, theo tôi, có thể khả quan từ quý III và IV", Tiến sĩ Phùng Đức Tùng, Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển Mekong bày tỏ quan điểm.

"Các đối tác lớn của Việt Nam đều dự báo là quý III, về cơ bản chỉ số kiểm soát là tốt và khả năng phục hồi là cao hơn. Châu Âu gần đây nhất cũng nâng dự báo tăng trưởng. Chắc nó sẽ tác động đến tổng cầu của Việt Nam. Thứ hai là các chính sách của chúng ta đang thực hiện bây giờ và sắp tới được Quốc hội ban hành vào quý III sẽ phát huy được hiệu quả", ông Đỗ Thành Trung, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định.

Trên cơ sở kết quả quý I, dự báo tình hình quý II và cả năm, đầu tháng 4, Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự báo 2 kịch bản tăng trưởng cho kinh tế Việt Nam.

Kinh tế Việt Nam: Đối diện thách thức, quyết tâm vượt khó - Ảnh 14.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự báo 2 kịch bản tăng trưởng cho kinh tế Việt Nam.

Theo đó, tại Kịch bản 1, tăng trưởng kinh tế cả năm dự kiến đạt 6% (thấp hơn 0,5 điểm % so với mục tiêu Quốc hội quyết nghị), tăng trưởng các quý II, III và IV theo kịch bản tại Nghị quyết số 01 (lần lượt là 6,7%, 6,5% và 7,1%).

Trường hợp tăng trưởng năm 2023 chỉ đạt 6% sẽ gây áp lực rất lớn lên mục tiêu tăng trưởng 5 năm 2021-2025 (6,5-7%), đòi hỏi năm 2024 - 2025 phải đạt tăng trưởng bình quân gần 8%/năm để đạt mục tiêu 5 năm là 6,5%.

Tại Kịch bản 2, để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế cả năm là 6,5%, tăng trưởng kinh tế quý II là 6,7% (bằng kịch bản Nghị quyết 01), quý III và quý IV tăng trưởng lần lượt là 7,5% và 7,9% (cao hơn lần lượt 1 điểm % và 0,8 điểm % so với kịch bản tại Nghị quyết số 01).

"Đây là kịch bản rất thách thức, đòi hỏi nỗ lực, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị. Hiện nay, hầu hết các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người dân thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội đã hết thời gian thực hiện hoặc hiệu quả thấp. Do đó, cần sớm ban hành chính sách hỗ trợ mới như giảm thuế, phí…, tiếp tục phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay để kích thích tăng trưởng, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu rõ.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Xem thêm: mth.68035540142503202-ohk-touv-mat-teyuq-cuht-hcaht-neid-iod-man-teiv-et-hnik/et-hnik/nv.vtv

Comments:0 | Tags:No Tag

“Kinh tế Việt Nam: Đối diện thách thức, quyết tâm vượt khó”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools