* Các cháu còn nhỏ lắm, cuộc đua còn dài, mọi người hãy khiêm tốn lại tí, tôi nhớ có rất nhiều người tuổi nhỏ học rất giỏi nhưng lớn lên học tệ, quậy phá, hút chích và ngược lại, có nhiều bạn học không tốt nhưng lớn lên thì chí thú làm ăn, trở nên giàu có. Quan trọng là chúng ta dạy con em mình như thế nào để nó làm được người hữu ích là tốt rồi. (duocthupharma@...)
* Khi con 3 tháng, chụp tấm ảnh đầu tiên, tôi mang ảnh đi khoe gia đình, bạn bè. Khi con đậu đại học tôi khoe. Khi tốt nghiệp tôi khoe. Khi kiếm được việc làm tôi khoe. Và con trúng tuyển học thạc sĩ tôi khoe. Con nhận bằng tôi khoe. Tôi còn khoe nhiều nữa. Vì đó là con.
Tôi chia sẻ niềm vui, hạnh phúc cho gia đình, bạn bè và tất cả mọi người trên thế giới này. Ai chúc mừng, tôi hạnh phúc. Ai đố kỵ, tôi cũng hạnh phúc. Tôi không bao giờ chia sẻ nỗi buồn, bệnh tật, thất bại cho ai cả. Tôi sợ họ cũng buồn theo tôi. Tôi không sợ, hay ái ngại, hay lo lắng khi khoe con. Vì đó là con. Tôi hạnh phúc khi khoe con. (lamngocgiau64@...)
* Không biết các bậc cha mẹ khác như thế nào chứ riêng tôi thì chú trọng giáo dục kỹ năng, cho con các điều kiện cần thiết như học bơi lội, võ thuật, tự làm các công việc nhà, nấu ăn... để cháu có thể tự bảo vệ mình, tự chăm sóc bản thân, như thế là đủ rồi. Bởi nói cho cùng thì cha mẹ nào cũng chỉ mong con mình khỏe mạnh, bình an. (haivanphan81@...)
* Việc khoe khoang điểm số hay khoe khoang con cái mình học giỏi rất nhiều hệ lụy. Thứ nhất điều đó sẽ tự làm còn cái mình bị đẩy xa, có một khoảng cách với những người khác khiến con cái có thể bị xa lánh, cơ bản vì những người khác không bằng con bạn thì họ cũng tự ti không dám chơi cùng.
Thứ hai là thành tích ảo có thể khiến bạn bị sốc và sau đó quay lại gây áp lực cho con cái bạn, vì khi ra ngoài xã hội kia con bạn chả là gì cả, điểm số chả ai quan tâm mà họ quan tâm trình độ, kỹ năng... Những cái đó chưa chắc con bạn đã tốt nhưng những điểm 9, điểm 10 rồi sẽ gây cảm xúc tự ti, trầm cảm vì luôn luôn phải chịu cái áp lực phải giữ cho mình trong mắt người khác là giỏi giang, tài năng.
Cuối cùng, những phụ huynh thường hay đi khoe khoang hay đi so sánh con mình con người khác thực sự ích kỷ, để thỏa mãn cái sĩ diện hão của mình thôi. (nguyenhoainamdr27...@...)
* Cháu nhà tôi nếu có thứ hạng cao thì chúng tôi cũng không bao giờ khoe. Chúng tôi luôn cho đó là ăn may thôi vì chúng tôi thừa biết điểm số thành tích nó ảo thế nào. Chúng tôi chỉ khen và động viên cháu vì đã chăm học và có điểm số tốt, nhưng cũng rất lo về tâm lý của cháu vì một khi đã ở trên đỉnh điểm số (một phần ảo) thì sau đó có điểm số thấp dễ tạo áp lực cho cháu.
Sau cùng, nền giáo dục nên xem lại, một lớp với sĩ số 41 em thì hết 30 em học sinh xuất sắc, như vậy danh hiệu xuất sắc trở thành vô nghĩa. (phuc33mep@...)
* Khi cha tôi còn sống, ông vẫn thường nhắc câu: "Con ngoan để thiên hạ khen / Mẹ nào mẹ lại thắp đèn khen con". Tôi nghĩ, phụ huynh khen ngợi những điều tốt của con, em mình là đúng, nhưng cách khen ngợi thế nào cho phù hợp và không phải khen lúc nào cũng có tác dụng tích cực. (votatrungsp@...)
Rước bực vào thân
Tôi có chị bạn đồng nghiệp đang dạy tiếng Anh ở trung tâm huyện, chị có cô con gái năm nay tròn 3 tuổi. Ngay từ lúc con đầy tháng là chị đã chụp hình đăng trên Facebook và Zalo. Tôi và bạn bè ban đầu cũng vô bình luận con chị xinh, dễ thương cho chị vui.
Gần như cứ hai ba ngày là chị đăng hình con với đủ các loại hoạt động: con ngủ trên võng, mẹ đút con ăn cháo, con đang bò tắm trong thau... Khi con lên 3, tần suất chị khoe con càng dày đặc: nào khoe mẹ và con chu môi chụp hình, chị cho con ăn khi trái chà là khô, lúc táo đỏ Hàn, hay nho khô Mỹ, tôm hùm, gà rán... Mặc đồ thì đầm xanh, đầm đỏ, giới thiệu là hàng hiệu.
Con chỉ mới bập bẹ nói tiếng mẹ đẻ chưa rành mà chị quay clip cảnh dạy con nói tiếng Anh nào là: "con mèo con nói sao, con chó nói sao"... Rồi chị đăng dòng trạng thái: "Đã hơn 9 giờ tối rồi mà công chúa nhà tui chưa chịu ngủ, còn ôn lại mấy câu Anh văn, uống ly sữa của Mỹ cho bổ mới chịu ngủ".
Bạn bè thấy chị đăng hình, đăng clip như vậy không còn biết khen cách nào vì những lời "có cánh" đã khen con chị mấy năm nay giờ "hết vốn" rồi. Riêng tôi thật tình khi mở Facebook hay Zalo trên điện thoại mà thấy ảnh chị đăng con là tôi "quẹt" sang hình khác.
Còn cô bạn đồng nghiệp khác rất đều đặn và chăm chỉ, ngày nào cũng đăng cả chục hình con gái 7 tuổi đang học lớp 2 trên Facebook. Lần đăng có vẻ nhiều nhất cách đây chừng hơn bốn tháng, con của cô tham gia cuộc thi thời trang nhí của Đài truyền hình thành phố được lọt vào vòng 1, cô đăng hình con và đăng dòng trạng thái kêu gọi vận động bạn bè vào đường link để bầu chọn cho cháu đạt đủ số phiếu đi tiếp vào vòng trong.
Rồi con cô tham gia hội thi văn nghệ "Bé và mùa xuân" do nhà văn hóa quận tổ chức. Cháu đạt giải khuyến khích nên cô lại có cơ hội đăng hình con "ngợp trời" trên Facebook. Mỗi lần như vậy, điện thoại báo có bài đăng mới trên Facebook của cô, thú thật do lu bu đủ thứ công việc nên tôi nhiều khi ngó lơ, không còn hứng thú để xem nữa.
Hai chị đồng nghiệp ngoài việc khoe con còn giống nhau ở điểm thấy Zalo, Facebook đăng hình con mấy ngày mà ít bạn bè bình luận, chia sẻ, thả tim thì thường đăng dòng trạng thái nói bâng quơ: "Thấy con gái tui đẹp, nói tiếng Anh giỏi chắc mọi người ghét hay do mặc cảm con mình không bằng con tui hay sao mà không thấy ai like?".
Chưa bàn tới chuyện vi phạm quyền riêng tư của con cái, cha mẹ phơi bày con trên mạng xã hội rõ ràng ít nhiều gây phiền toái cho người khác, đồng thời có khi lại rước "ưu phiền" về cho chính mình.
TRẦN VĂN TÁM (Củ Chi, TP.HCM)
Cứ mỗi khi kết thúc học kỳ, kết thúc năm học, nhiều phụ huynh lại rầm rộ tung bảng điểm, giấy khen, khoe thành tích học giỏi của con lên mạng xã hội.
Xem thêm: mth.71042158052503202-noc-eohk-ihk-ig-coud/nv.ertiout