Ngày 25.5, tin từ Bệnh viện Nhân dân Gia Định cho biết, nam bệnh nhân 45 tuổi ngụ TP.Thủ Đức (TP.HCM) được chẩn đoán ngộ độc botulinum đã tử vong sau 10 ngày điều trị.
Trước đó, tối 15.5, Bệnh viện Lê Văn Thịnh chuyển bệnh nhân đến Bệnh viện Nhân dân Gia Định trong tình trạng lơ mơ, sụp mi mắt, yếu cơ hô hấp, yếu cơ tứ chi và được đặt nội khí quản thở máy. Bệnh nhân được nghi ăn một loại mắm để lâu ngày, được chẩn đoán nhiễm trùng đường tiêu hóa, theo dõi ngộ độc Clostridium botulinum.
Bệnh nhân được lấy mẫu phân làm xét nghiệm chẩn đoán Clostridium botulium, đến ngày 19.5 kết quả cho thấy bệnh phẩm bệnh nhân có gen độc tố C.botulium type A. Tuy nhiên, đến nay bệnh nhân đã không qua khỏi.
Trước đó, tối 24.5, 6 lọ thuốc BAT giải độc botulinum được Tổ chức Y tế thế giới tài trợ đã về đến TP.HCM, trong đó Bệnh viện Chợ Rẫy nhận 2 lọ, Bệnh viện Nhi đồng 2 nhận 3 lọ và Bệnh viện Nhân dân Gia Định nhận 1 lọ. Tuy nhiên, bệnh nhân tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định đã tử vong khi chưa kịp dùng thuốc.
Như Báo Thanh Niên đã thông tin, từ ngày 14.5, trên địa bàn TP.Thủ Đức xuất hiện 6 trường hợp nhập viện nghi ngộ độc botulinum. Trong đó có 5 người ăn chả lụa và bánh mì, 1 người ăn mắm để lâu ngày.
Trong số này có 3 trẻ em nhập viện Bệnh viện Nhi đồng 2, 2 người lớn (18 và 26 tuổi) nhập viện Bệnh viện Chợ Rẫy và 1 người 45 tuổi nhập viện Bệnh viện Nhân dân Gia Định.
Xét nghiệm không phát hiện độc tố botulinum trong mẫu bánh mì, chả lụa
Liên quan đến việc nghi ngờ 5 người ăn bánh mì, chả lụa bị ngộ độc botulinum, ngày 25.5, nguồn tin của PV Thanh Niên cho biết, các cơ quan chức năng đã lấy 15 mẫu bánh mì, chả lụa (mẫu còn lại của người ăn, người bán và cơ sở sản xuất) để xét nghiệm.
Kết quả đều âm tính (không phát hiện vi khuẩn bolutinum).
Các cơ quan chức năng đang xem xét xử lý cơ sở làm chả lụa không phép trên địa bàn TP.Thủ Đức.