Ngày 25-5, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã chủ trì cuộc họp về tình hình hoạt động, công tác cơ cấu lại Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) giai đoạn 2016-2020, Đề án cơ cấu lại Vinachem giai đoạn 2021-2025 (đề án), các giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động trong thời gian tới và Kế hoạch sắp xếp lại Công ty mẹ - Vinachem.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chủ trì cuộc họp cơ cấu lại Tập đoàn Hóa chất Việt Nam. Ảnh: Trần Mạnh
Báo cáo tại cuộc họp, lãnh đạo Vinachem cho biết năm 2023, Vinachem đặt mục tiêu sản xuất công nghiệp theo giá trị thực tế đạt 54.549 tỉ đồng; doanh thu cộng hợp đạt 57.152 tỉ đồng; lợi nhuận cộng hợp đạt 3.471 tỉ đồng…
Về xây dựng đề án tái cơ cấu đã được tập đoàn và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp thực hiện theo đúng quy định, đã tổ chức lấy ý kiến các bộ, cơ quan để thống nhất nội dung trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Cơ bản nhất trí với dự thảo đề án, các ý kiến bộ, ngành tại cuộc họp cho rằng khi đề án tái cơ cấu Vinachem ại được phê duyệt sẽ tạo đường hướng mới để tập đoàn hoạt động, phát triển.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đồng ý chủ trương bổ sung ngành nghề điện hóa theo đề xuất của Vinachem
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đánh giá cao Vinachem, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, các bộ ngành trong việc tham mưu, xây dựng đề án.
Phó Thủ tướng đánh giá công tác tổ chức sản xuất kinh doanh của Vinachem đạt nhiều kết quả quan trọng.
Phó Thủ tướng đề nghị Ủy ban Quản lý vốn nhà nước và Vinachem trong việc xây dựng đề án tái cơ cấu Vinachem giai đoạn tới phải bảo đảm tổng thể, rõ ràng về căn cứ pháp lý; đồng thời sẵn sàng các giải pháp hiệu quả với từng tình huống mới.
Đáng chú ý, Phó Thủ tướng đồng ý chủ trương bổ sung ngành nghề điện hóa theo đề xuất của Vinachem và cho rằng đây không phải là ngành mới, nằm trong chiến lược phát triển công nghiệp và phù hợp với nhu cầu của thị trường…
Về bổ sung vốn điều lệ, quan điểm của ông Lê Minh Khái "tinh thần là ủng hộ" nhưng phải bảo đảm đủ điều kiện và nguồn lực theo quy định để tăng vốn. Theo đó, Vinachem phải tự cân đối nguồn lực để tăng vốn điều lệ để hoàn thành nhiệm vụ, mục tiêu đề ra.
Đối với công tác sắp xếp lại doanh nghiệp, thoái vốn, Phó Thủ tướng yêu cầu tính toán kỹ lộ trình, thời điểm để quyết định nắm giữ tỷ lệ hợp lý theo đúng quy định và thẩm quyền. Thoái vốn phải bảo đảm hiệu quả, không máy móc, nhất là với "những con gà đẻ trứng vàng"….
Về đề xuất giữ 100% vốn điều lệ Công ty mẹ trong giai đoạn 2022-2025, Phó Thủ tướng yêu cầu Vinachem phối hợp với các cơ quan liên quan, thực hiện theo đúng trình tự, quy định để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét.
Tuy nhiên, trong thời gian chưa tiến hành cổ phần hóa thì Vinachem phải chủ động, chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện để triển khai thực hiện hiệu quả sau khi có quyết định.
Về kiến nghị liên quan đến thuế áp dụng với phân bón sản xuất trong nước và phân bón nhập khẩu, Phó Thủ tướng đề nghị nghiên cứu, đề xuất phương án, trình cấp có thẩm quyền xem xét vào thời điểm thích hợp, bảo đảm công khai, minh bạch, bình đẳng, tôn trọng các cam kết quốc tế và bảo vệ sản xuất trong nước.