Viện KSND cấp cao tại Đà Nẵng mới đây thông báo rút kinh nghiệm liên quan đến vấn đề xác định tội danh trong một vụ án hình sự về ma túy.
Theo đó, tối 5.4.2022, tổ công tác Công an huyện B, tỉnh Q (thông tin đã được mã hóa) phát hiện D.B.T đang đứng ở ven đường, có biểu hiện nghi vấn nên tiến hành kiểm tra.
Lực lượng chức năng phát hiện trong túi quần và tại vị trí T. đứng có 2 gói ni lông chứa các viên nén ma túy. T. khai nhận vừa mua số chất cấm này để cùng bạn là T.N.L sử dụng.
Lần theo lời khai của T., công an kiểm tra hành chính nơi ở của L., thu giữ một viên ma túy giấu trong phòng ngủ và một chai nhựa là dụng cụ sử dụng ma túy.
Cả hai khai nhận, chiều muộn cùng ngày, T. và L. bàn bạc, thống nhất mỗi người góp 200.000 đồng để đi mua ma túy. Sau đó, T. điện thoại cho một “đại lý” hỏi mua 18 viên ma túy.
Mua xong, T. chia ra ma túy thành 3 gói, đưa cho L. một gói chứa 4 viên, L. giấu ở giường ngủ của mình. Số ma túy còn lại, T. giấu trong người, không cho L. biết.
Trong lúc T. đi mua ma túy, L. gọi điện cho bạn là P.V.V, nhờ mua trứng và bia mang đến nhà để ăn uống. Khi V. đến, L. rủ nhập hội. Cả nhóm ăn trứng, uống bia, rồi cùng nhau mỗi người dùng một viên ma túy.
Sử dụng hết, T. đi ra ngoài đường nghe điện thoại thì bị tổ tuần tra phát hiện, bắt giữ quả tang như đã nêu.
Tháng 11.2022, TAND huyện B mở phiên tòa sơ thẩm, xét xử và tuyên phạt D.B.T 12 tháng tù về tội tàng trữ trái phép chất ma túy. Ít ngày sau, T. kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.
Tháng 1.2023, TAND tỉnh Q mở phiên tòa phúc thẩm, T. tự nguyện rút toàn bộ kháng cáo, nên tòa ra quyết định đình chỉ việc xét xử phúc thẩm.
2 tháng sau, Viện trưởng Viện KSND cấp cao tại Đà Nẵng ban hành quyết định kháng nghị giám đốc thẩm, đề nghị Ủy ban Thẩm phán TAND cấp cao tại Đà Nẵng xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm, huỷ bản án hình sự sơ thẩm để điều tra lại.
Theo kháng nghị, việc điều tra cần thực hiện theo hướng truy cứu trách nhiệm hình sự đối với T. thêm tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy cùng đồng phạm là L.
Tháng 4.2023, Ủy ban Thẩm phán TAND cấp cao tại Đà Nẵng họp phiên giám đốc thẩm, chấp nhận toàn bộ quyết định kháng nghị của Viện trưởng Viện KSND cấp cao tại Đà Nẵng.
Thông qua vụ án này, Viện KSND cấp cao tại Đà Nẵng đưa ra một số vấn đề cần rút kinh nghiệm chung.
Cụ thể, T. và L. có hành vi cùng nhau góp tiền để mua ma túy cùng sử dụng. Tại nơi ở của mình, L. đã chuẩn bị dụng cụ, rủ rê và cung cấp chất ma túy cho P.V.V sử dụng trái phép. Khi L. rủ V. cùng sử dụng ma túy, T. biết nhưng không có phản ứng gì, thể hiện sự đồng ý cho V. sử dụng.
Như vậy, hành vi của T. và L. cấu thành tội phạm tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy, được quy định tại điều 255 bộ luật Hình sự.
Cấp sơ thẩm chưa xem xét truy cứu trách nhiệm đối với T. và L. về tội danh trên là sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật, bỏ lọt hành vi phạm tội và người phạm tội.
Điều 255. Tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy
1. Người nào tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy dưới bất kỳ hình thức nào, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 7 năm đến 15 năm:
a) Phạm tội 2 lần trở lên;
b) Đối với 2 người trở lên;
c) Đối với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 18 tuổi;
d) Đối với phụ nữ mà biết là có thai;
đ) Đối với người đang cai nghiện.
…