Năm 2022 là giai đoạn thị trường chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) lao dốc khi chỉ có 1.333 đợt IPO trên toàn cầu với tổng số vốn huy động được là gần 180 tỷ USD. Hoạt động IPO toàn cầu bị ảnh hưởng do nền kinh tế thế giới gặp nhiều biến động và hiệu suất ảm đạm của nhiều đợt IPO trong giai đoạn trước.
Tuy nhiên, những tháng gần đây thị trường IPO đang có dấu hiệu hồi sinh khi thị trường chứng khoán ở nhiều nước hồi phục đã kích thích các công ty tích cực xúc tiến các hoạt động IPO, đặc biệt là ở châu Á, nơi các sàn giao dịch chiếm gần 80% tổng doanh số IPO toàn cầu trong tháng 4.
Tập đoàn Olam Group của Singapore, một trong những công ty kinh doanh nông sản và thực phẩm lớn nhất châu Á được coi là người tiên phong trong xu hướng mới mẻ này.
Cụ thể, Olam Group đang lên kế hoạch niêm yết mảng kinh doanh nông sản đồng thời tại cả Singapore và Arab Saudi, biến tập đoàn này thành tập đoàn đa quốc gia đầu tiên niêm yết tại quốc gia Trung Đông trên.
IPO tại khu vực Trung Đông là một điểm sáng trên thị trường sau sự phát triển bùng nổ vào năm 2022, thu hút các nhà đầu tư quốc tế bất chấp việc thị trường IPO toàn cầu đang lao dốc.
Do đó, hiện nay sàn giao dịch chứng khoán Saudi đã nỗ lực thúc đẩy các mối quan hệ hợp tác quốc tế, ký hiệp ước với cả hai sàn giao dịch chứng khoán Hong Kong (Trung Quốc) và Singapore nhằm thúc đẩy các hoạt động như niêm yết chéo.
Theo chuyên gia Samer Deghaili, đồng giám đốc khu vực phụ trách về tài trợ vốn và ngân hàng đầu tư của HSBC Holding, "các cổ đông của Abu Dhabi và Ả Rập Xê Út ngày càng chú ý đến việc các công ty quốc tế phát triển hoặc mở rộng tệp khách hàng mục tiêu sang Trung Đông, hướng tới mục tiêu cuối cùng là niêm yết tại khu vực này".
Trên thực tế, việc niêm yết kép chưa thể ngay lập tức tạo ra xu hướng rõ rệt trên thị trường IPO toàn cầu, nhưng nếu Olam Group thành công, đây có thể là doanh nghiệp mở đường cho làn sóng niêm yết song song trên cả 2 sàn giao dịch.
Ông Deghaili cho biết, các công ty từ Ả Rập Xê Út và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) cũng muốn tận dụng cơ hội này để mở rộng thị trường sang châu Á.
Thời gian qua, các công ty tại khu vực Trung Đông đang dần chuyển hướng kinh doanh sang khu vực châu Á. Trong đó có thể kể đến việc quỹ đầu tư công, quỹ tài sản của Ả Rập Xê Út đã mở văn phòng tại Hong Kong (Trung Quốc) vào năm ngoái. Đồng thời, quỹ này còn đầu tư vào các công ty châu Á như công ty Kakao Entertainment của Hàn Quốc hay công ty trò chơi VSPO của Trung Quốc.
Udhay Furtado, đồng giám đốc ECM khu vực Châu Á - Thái Bình Dương tại Citigroup Inc cho biết: “Có rất nhiều nhà đầu tư Trung Đông quan tâm nhiều hơn đến châu Á. Quá trình xoay trục sang khu vực châu Á có thể sẽ kéo dài từ 10 đến 20 năm. Do đó, tôi nghĩ rằng dòng chảy vốn đổ vào châu Á có thể sẽ rất mạnh”.
Về phía châu Á, ngày càng nhiều công ty Trung Quốc mở rộng hoạt động ở Trung Đông. Cụ thể, China International Capital Corp, công ty dịch vụ tài chính và quản lý đầu tư đa quốc gia có trụ sở chính tại Trung Quốc có kế hoạch mở rộng hoạt động sang Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) và Ả Rập Xê Út.
Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng Châu Á có trụ sở tại Bắc Kinh cũng đã mở văn phòng đầu tiên ở nước ngoài tại Abu Dhabi vào tháng 4.
Chuyên gia Samer Deghaili nhận định: “Việc niêm yết song song ở cả hai khu vực sẽ giúp các nhà đầu tư châu Á đa dạng hóa hoạt động đầu tư sang các khu vực khác, đồng thời có khả năng tiếp cận với các nền kinh tế Trung Đông đang có tốc độ tăng trưởng cao”.
Đồng quan điểm, Barry Chan, người đứng đầu khu vực châu Á và châu Úc của CICC nhận định: “Các công ty Trung Quốc quan tâm đến việc thâm nhập thị trường Ả Rập Xê Út là nhằm tạo dựng quan hệ đối tác chiến lược với các nhà đầu tư chất lượng cao, từ đó dẫn đến việc niêm yết ở giai đoạn sau”.