vĐồng tin tức tài chính 365

Vụ án tử tù Hồ Duy Hải: 2 nhân vật tình nghi biến mất khỏi hồ sơ, vật chứng bị tiêu hủy

2020-05-26 17:39

Liên quan đến việc Hội đồng thẩm phán bác kháng nghị vụ án Hồ Duy Hải hôm 8/5 khiến nhiều người dân thấy chưa đủ thuyết phục, vì nhiều tình tiết đã dần mất khỏi hồ sơ vụ án như 2 nhân vật tình nghi ban đầu là Nguyễn Văn Nghị, Nguyễn Mi Sol.

Ngày 6/5, TAND Tối cao tại Hà Nội mở phiên giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải bị kết án tử hình về 2 tội “Giết người” và “Cướp tài sản”, xảy ra tại Bưu điện Cầu Voi, tỉnh Long An năm 2008.

Theo bản tin trên trang TintucVietNam, liên quan đến vụ án này, nhiều độc giả đặt ra câu hỏi, Hồ Duy Hải có phải là nghi phạm duy nhất trong vụ án? Vậy Nguyễn Văn Nghị, Nguyễn Mi Sol là ai? Có quan hệ thế nào với nạn nhân trong vụ án mà đối tượng này từng được đề cập trong văn bản kháng nghị của VKSND Tối cao?

Trong bản quyết định kháng nghị giám đốc thẩm đối với vụ án xét xử Hồ Duy Hải của VKSND Tối cao ngày 22/11/2019, Nguyễn Văn Nghị, Nguyễn Mi Sol được nhắc đến là một trong các đối tượng tình nghi.

Nguyễn Mi Sol và Nguyễn Văn Nghị là ai mà lại dần rút khỏi vụ án?

Theo báo Tổ quốc, lời kể của một số nhân chứng, đêm xảy ra án mạng (13/1/2008), họ thấy Nghị có mặt tại bưu điện, nhưng sau đó rời đi lúc nào không ai rõ. Biên bản lấy lời khai của anh Cao Hoàng Tuấn Anh (bạn của Vân) cho biết thêm, Nghị và Sol là hai bạn trai của nạn nhân Hồng.

Ảnh chụp màn hình báo Thanh Niên.

Nghị nằm trong những người đầu tiên bị cơ quan điều tra triệu tập để lấy lời khai. Hai ngày sau, cảnh sát tiếp tục gọi Sol và 2 thợ bạc của tiệm vàng gần Bưu điện Cầu Voi tới. Tuy nhiên, Nghị đưa ra được tình tiết ngoại phạm. Cụ thể, nam thanh niên khai từ 20h10 ngày 13/1/2008 cùng bạn uống nước tại một quán cà phê (cáo trạng xác định án mạng xảy ra khoảng 20h30).

Đối với Sol, trong hồ sơ vụ án, anh này đóng vai trò nhân chứng, được cơ quan điều tra cho nhận dạng qua ảnh một số tài sản đeo trên người của nạn nhân Hồng.

Thế nhưng, về sau toàn bộ thông tin, tài liệu liên quan đến lời khai của Nghị và Sol đều bị rút khỏi hồ sơ vụ án.

“Vì sao không cho Nguyễn Văn Nghị nhận dạng Hồ Duy Hải? Vì sao không giám định vân tay của Nguyễn Văn Nghị? Đây là những điều rất bất thường”, luật sư Trần Hồng Phong đặt câu hỏi trên báo Tuổi Trẻ.

Trên tờ Thanh Niên, ngày 13/2/2019, một cán bộ Công an xã Nhị Thành (đã nghỉ công tác) cho biết, Nghị và Sol đã trở về quê sinh sống khoảng 10 năm nay.

Vị này cho biết thêm, thời điểm năm 2007, thợ học nghề và làm gia công cho tiệm vàng rất đông. Ngoài dân địa phương còn có bà con họ hàng của chủ tiệm quê ở xã Tích Thiện, huyện Trà Ôn (Vĩnh Long), bao gồm Nghị và Sol đến tạm trú dài hạn để học nghề.

Tan tầm chiều, nhóm thanh niên thường sang Bưu điện Cầu Voi để nói chuyện với Hồng và Vân.

Luật sư Trần Hồng Phong (bào chữa cho Hồ Duy Hải), cho biết quá trình thu thập chứng cứ, luật sư đã tìm gặp ông Nguyễn Văn Thu (làm xe ôm) và chị Lê Thị Thu Hiếu (nhân viên Bưu điện xã Nhị Thành).

Theo đó, chị Hiếu khẳng định chưa bao giờ nghe Hồng, Vân nhắc đến Hải hay thấy anh này tại bưu điện Cầu Voi. Song, chị nhiều lần gặp Sol và Nghị đến chơi với hai nạn nhân.

Chị Hiếu cũng cho biết hôm xảy ra vụ án, chị nghe thấy Hồng nói chuyện điện thoại với Sol hai lần, nạn nhân 23 tuổi khẳng định tối đó Sol sẽ đến.

Ảnh chụp màn hình báo Người lao động.

Theo bản tin trên báo Công an Nhân dân đăng 15h05 ngày16/01/2008 đêm 12/1, hai nạn nhân Hồng và Vân đi hát karaoke với hai thanh niên, Sol và Nghị. Hiện trường để lại cho thấy không có dấu hiệu nạn nhân bị cưỡng hiếp, mà thể hiện rõ một sự xung đột cao độ giữa nạn nhân và hung thủ.

Người dân xung quanh cho biết có nghe cả tiếng la của cô gái, nhưng nghĩ đó là sự đùa giỡn thường tình của những cặp tình nhân trẻ nên không đến xem rõ thực hư.

Cán bộ kêu dân phòng gom tất cả vật chứng lại đem ra bờ kênh tiêu hủy

Ngày 3/12/2019, trao đổi với PV Thanh Niên, một cán bộ Công an xã Nhị Thành (đã nghỉ công tác), H.Thủ Thừa, tỉnh Long An cho biết, một số vật dụng trong Bưu điện Cầu Voi sau khi khám nghiệm xong điều tra bàn giao cho Công an H.Thủ Thừa và ngày hôm sau một cán bộ đã kêu dân phòng gom lại đem ra bờ kênh phía sau cách đó 50 m để đốt, không ngờ trong đó còn có cả con dao, tấm thớt, vải dính đầy máu… Hiện người kêu dân phòng đem đồ đi đốt đã lên cấp hàm trung tá, vẫn đang công tác tại Công an H.Thủ Thừa.

Một nguyên tắc rất cơ bản ở mọi quốc gia là phải đủ chứng cứ để buộc tội

Theo các luật sư bào chữa cho Hồ Duy Hải, trong đó có ông Trần Hồng Phong cho rằng, việc kết tội Hồ Duy Hải tính đến thời điểm hiện nay là không có căn cứ, có thể dẫn đến oan sai và bỏ lọt tội phạm (hung thủ là người khác). Cụ thể các cơ quan tiến hành tố tụng đã bỏ qua chứng cứ ngoại phạm của Hồ Duy Hải là kết quả giám định dấu vân tay (kết luận dấu vân tay tại hiện trường không trùng khớp với vân tay của Hồ Duy Hải). Mặt khác dù quy kết Hải dùng dao và thớt sát hại hai nạn nhân, nhưng khi khám nghiệm hiện trường CQĐT không hề thu giữ được tang vật nào như vậy. Mà chỉ sau khi bắt Hải thì cho người ra chợ mua dao và thớt để “minh họa” cho “hành vi phạm tội” của Hải. Ngoài ra còn rất nhiều điểm vô lý và mâu thuẫn khác, cũng như có dấu hiệu làm sai lệch hồ sơ vụ án.

Ảnh chụp màn hình Pháp Luật TP. HCM.

Ngoài các thiếu sót trên, ngày 22/11/2019, VKSND Tối cao đã kháng nghị giám đốc thẩm chỉ ra hàng loạt sai phạm trong quá trình điều tra xét xử vụ án.

Trong đó, tòa hai cấp có nhiều nhận định và kết luận chưa phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án. Các chứng cứ, tài liệu kết tội bị cáo chưa đầy đủ.

Các cơ quan tiến hành tố tụng có nhiều vi phạm nghiêm trọng như: không trưng cầu giám định vết máu ngay khi thu được mà để 4 tháng sau khi khám nghiệm hiện trường; không đưa lời khai của Hải và người làm chứng vào hồ sơ vụ án dẫn đến sai lầm trong giải quyết vụ án; một số biên bản ghi lời khai, hỏi cung có sửa chữa nhưng không có chữ ký xác nhận của người khai…

Ảnh chụp màn hình Pháp Luật TP. HCM.

Luật sư Trương Trọng Nghĩa (ĐBQH đoàn TP.HCM) nhắc đến vụ Hồ Duy Hải và cho biết có những cái sai phải sửa, nếu sai mà không sửa, đó là một thiếu sót của nền tư pháp.

Theo ông Nghĩa, trong vụ Hồ Duy Hải, một nguyên tắc rất cơ bản ở mọi quốc gia là phải đủ chứng cứ để buộc tội.

Luật Hình sự bắt buộc, muốn buộc tội người ta thì phải có bằng chứng, chứng cứ. Một khi không đủ chứng cứ, thì anh không được buộc tội người ta.

“Vụ Hồ Duy Hải là như vậy, không đủ chứng cứ thì phải thả ra, tiếp tục theo dõi, thu thập chứng cứ, không thể xử ép. Sơ thẩm, phúc thẩm có vấn đề về chứng cứ” ông Nghĩa nhấn mạnh, theo Vietnamnet.

The post Vụ án tử tù Hồ Duy Hải: 2 nhân vật tình nghi biến mất khỏi hồ sơ, vật chứng bị tiêu hủy appeared first on Đại Kỷ Nguyên.

Xem thêm: lmth.yuh-ueit-ib-gnuhc-tav-os-oh-iohk-tam-ihgn-hnit-tav-nahn-2-iah-yud-oh-na-uv/us-ioht/vt.nkd.www

Comments:0 | Tags:Pháp luật Thời sự

“Vụ án tử tù Hồ Duy Hải: 2 nhân vật tình nghi biến mất khỏi hồ sơ, vật chứng bị tiêu hủy”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools